Hiện thực hóa “giấc mơ” xây dựng Chính phủ số

Hiện thực hóa “giấc mơ” xây dựng Chính phủ số

(ĐTCK) Trong quyết tâm xây dựng Chính phủ số của Việt Nam, nhiều đề xuất và sáng kiến đã được đưa ra tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018. Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Thủ tướng sẽ làm Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Trong bộ máy thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử.

Thành viên Ủy ban, ngoài bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng Chính phủ điện tử, còn có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để tăng cường và  bảo đảm cơ chế hợp tác công - tư chặt chẽ trong tiến trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Việc quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Thủ tướng khẳng định, với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Nghị quyết này xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai Chính phủ điện tử và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.

Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ chính.

Chẳng hạn, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử trong ngắn hạn và trung hạn; rà soát, sắp xếp lại nguồn lực và huy động nguồn lực còn thiếu từ các nguồn, kể cả xã hội hóa và vay thương mại; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số…

Kinh nghiệm từ Estonia và Maylaysia

Vietnam ICT Summit năm nay có sự góp mặt của hai đại diện đến chia sẻ kinh nghiệm từ nước bạn. Ông Hannes Astok, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Chính phủ số Estonia cho biết, Estonia là một quốc gia nhỏ và từng chịu hậu quả nặng nề từ việc Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Tuy vậy, đến nay, Estonia là một trong những “nhà vô địch” của Liên minh châu Âu trong dịch vụ số hóa, dịch vụ công và xếp hạng nhất về tính cạnh tranh. Từ năm 1992, Tổng thống Estonia đã xác định xây dựng chính phủ số để có sự đột phá, nhảy vọt, mặc dù quá trình này gặp rất nhiều thất bại, khó khăn. Đến nay, ít quốc gia nào trong EU có thể đi theo được lộ trình số hóa ngay từ đầu như Estonia.

Việc đưa đất nước đi theo lộ trình này đã tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ hơn của người dân và doanh nghiệp với chính phủ. Mọi thứ trở nên minh bạch hơn và trở nên hấp dẫn, thuận lợi hơn cho các đối tác cũng như các bên liên quan.

Quyết tâm cao độ của chính phủ nước này cùng với khoản ngân sách 70.000 USD để triển khai dự án chính phủ điện tử đầu tiên, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia của Estonia đã cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp nước này và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử (eID), xác thực thông qua số điện thoại cùng chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước.

Tại Estonia, Hệ thống thông tin phục vụ họp Chính phủ (e-Cabinet) và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation) trở nên có ích, đặc biệt khi giúp các cơ quan đầu não có thể theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng.

Các hệ thống này giúp tăng hiệu quả, giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ, thậm chí tạo nên “kỳ tích” khi có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất chỉ cần… 1 phút.

Nhiều người dân Estonia không cần đi ra khỏi nhà mà làm việc từ xa, trực tuyến, tránh tắc nghẽn giao thông. Việc sử dụng đồng bộ hệ thống điện tử tiết kiệm rất nhiều cho Estonia. Nguồn lực tiết kiệm được, quốc gia này sử dụng cho các hoạt động an sinh và nâng cao năng lực quốc phòng. Lời khuyên của ông Hannes Astok là Việt Nam cần phải thực hiện số hóa ngay từ bây giờ, đừng chờ đợi và đừng chậm trễ.

Cùng với đó, ông Idris Jala, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn toàn cầu PEMANDU chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số của Malaysia và cho rằng, Malaysia khá giống Việt Nam trên nhiều phương diện. Ông Idris Jala đặt ra mục tiêu rằng, sáng kiến số phải trở thành một phần của chương trình chuyển đổi quốc gia và cần phải áp dụng sáng kiến số trên tất cả chính sách và phương thức làm việc.

“Để đạt được điều này, cần có sự tham gia của các lãnh đạo với mục tiêu đặt ra cần ở mức cao và tham vọng. Dù nhìn bề ngoài có thể là 'cuộc chơi bất khả thi', song lại rất khả thi nếu dám nghĩ, dám làm”, ông Idris Jala nói.

Nên rộng cửa cho doanh nghiệp và người dân cùng xây

Bên cạnh góc độ của các chuyên gia nước ngoài, ở trong nước, đại diện cho các doanh nghiệp phần mềm, ông Lữ Thành Long, Phó chủ tịch VINASA, Chủ tịch HĐQT CTCP MISA cho rằng, Việt Nam có thể học được nhiều từ Estonia và Malaysia về phương cách, bài học triển khai chính phủ điện tử. Tuy vậy, bài học từ quốc tế không thể mang về áp dụng triển khai ngay ở Việt Nam, bởi mỗi quốc gia có một đặc thù riêng biệt.

Ông Long tự tin rằng, nếu nói về am hiểu luật pháp và đặc thù Việt Nam thì không ai có thể đáp ứng tốt hơn chính các doanh nghiệp Việt. Lực lượng làm phần mềm ở Việt Nam đến nay không chỉ đã đủ năng lực và chuyên môn, mà về cả số lượng cũng đã đáp ứng đủ yêu cầu nếu như Chính phủ tin tưởng và giao phó.

“Liên quan đến việc kết nối trong chính phủ điện tử, chúng ta đã đề cập nhiều đến xây dựng Chính phủ điện tử nhưng mới ở góc độ hệ thống chính phủ, mà chưa đề cập đến việc kết nối hệ thống công với hệ thống của doanh nghiệp và cá nhân. Nhiều nước trên thế giới đã làm được điều này và để thực hiện được cần sự đồng thuận từ hai phía.

Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ cũng có thể mở hệ thống và chia sẻ ngược lại những dữ liệu mà Chính phủ có, bên cạnh trách nhiệm chia sẻ dữ liệu từ phía công dân, doanh nghiệp, để đảm bảo sự minh bạch”, ông Long nói.

Để kết lại bài biết này, xin nhắc lại lời ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng số đang bùng nổ trên toàn cầu như hiện nay, muốn giấc mơ lớn của đất nước trở thành hiện thực, chúng ta cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và phải làm ngay, làm quyết liệt, đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai”.         

Cơ hội là rất rõ ràng 

Hiện thực hóa “giấc mơ” xây dựng Chính phủ số ảnh 1

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Nghiên cứu sơ bộ của Công ty Tư vấn BCG cho thấy, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm từ 8 -18 tỷ USD mỗi năm, là động lực để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như thúc đẩy các nỗ lực cải cách hiện nay mà Chính phủ đang thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia thụ động chờ đợi, thụ động tiếp nhận những thay đổi do cuộc cách mạng đem lại.

Ngược lại, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt các chương trình cải cách trên 4 yếu tố nền tảng và 4 trụ cột chuyển đổi. Chúng ta không chỉ tiếp nhận, tận dụng cơ hội, mà còn phải tạo ra cơ hội mới, với tư duy và phương châm hành động là “bây giờ hoặc không bao giờ”. Vì cơ hội chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại.    

Tin bài liên quan