Trong bối cảnh hiện nay, những DN làm ăn tốt thực sự là những "anh hùng" và họ đáng được ưu đãi nhiều hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, những DN làm ăn tốt thực sự là những "anh hùng" và họ đáng được ưu đãi nhiều hơn.

Hai mặt xin và cho

(ĐTCK) Hiện đang rộ lên chuyện ngành văn hoá thêm điều kiện cấm cho hoạt động kinh doanh karaoke rằng, sẽ không cho phép hành vi nhảy nhót, khiêu vũ trong phòng hát. Giới chức ngành văn hoá lo ngại về tình trạng lợi dụng phòng hát karaoke để nhảy nhót, sử dụng thuốc lắc nên quyết tâm thanh sạch bằng cách "nếu muốn hát thì đến karaoke, còn muốn nhảy thì đến vũ trường". Trách nhiệm quản lý nhà nước đang thể hiện rõ quyết tâm. Vấn đề là các DN kinh doanh dịch vụ này rất có thể sẽ rơi vào những tình huống khó xử khi đề xuất này được thông qua.

Ngay khi giải thích về các điều kiện cấm mới, thì các chuyên gia chắp bút cũng thừa nhận là sẽ có những hành vi nhảy nhót, nhưng không thuộc diện cấm, như nhún nhẩy theo nhạc… Có nghĩa là có vùng giao thoa giữa hành vi khiêu vũ bị cấm và hành vi chưa đến mức cấm. Khi đó, để công khai, các chuyên gia sẽ phải đưa ra những định nghĩa cụ thể về thế nào là hành vi bị cấm và thế nào là chưa tới hạn. Nếu thiếu phần định nghĩa khái niệm này, xem ra khó khả thi, thì thực tế thực hiện sẽ rất khó cho cả cơ quan quản lý nhà nước và DN kinh doanh. Viễn cảnh "xin - cho" đang hiện ra khi hành lang cho DN hoạt động khá mù mờ.

Trước đó, các DN trong ngành ngân hàng, chứng khoán cũng có nhiều bình luận xung quanh việc chưa cho phép mở dịch vụ ATM di động, cũng như chưa cho phép mở thêm sàn vàng mới. Sự đồng thuận là cần có những quy định - hành lang pháp lý để DN và cơ quan quản lý có sẵn công cụ và phương tiện để hoạt động đúng luật, song sự khác biệt giữa các luồng ý kiến là cách "chưa quản lý được nên cấm" của cơ quan quản lý nhà nước.

Nhắc đến xin - cho, nhiều người cho rằng, hiện đang là cơ hội của DN để xin. Khó khăn liên tiếp dội vào hoạt động kinh doanh khiến các cơ chế hỗ trợ dành cho DN dày thêm sau mỗi cuộc họp Chính phủ. Tiếp sau gói giải pháp 6 tỷ USD, ngân sách đang tiếp tục gồng mình để tăng tổng nguồn cho hỗ trợ vốn vay trung và dài hạn. Mới đây nhất, ngày 17/4, gói hỗ trợ lần 3 đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức thông qua dành cho các hoạt động mua sắm máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, sẽ có hỗ trợ vốn vay trung và dài hạn, hỗ trợ nhập khẩu thiết bị làm tài sản cố định, đổi mới công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng đối tượng tiếp cận…

Song, DN vẫn không ngần ngại đề nghị thêm các phao cứu trợ mới, bất kể những kiến nghị đó có phù hợp với thực tiễn, với pháp luật quốc tế cũng như có thuộc diện "chơi xấu" hay không. Nhiều đề nghị hỗ trợ trực tiếp với các DN xuất khẩu đã bị thổi còi. Nhiều đề nghị ngân hàng xem xét lại lãi suất cho các hợp đồng tín dụng cũ, không phạt chậm thanh toán lãi suất… Thực tế, nhiều ngân hàng đã vào cuộc và tham gia đề nghị của Chính phủ về hỗ trợ DN về các khoản vay cũ thông qua đàm phán lại lãi suất… Tuy nhiên, hầu như không DN nào đặt lại vấn đề của các ngân hàng thương mại, vốn cũng là các DN, cũng gánh bão không kém các DN sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực khác…

Mới đây, đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập DN cũng được nhiều DN nhắc tới với lý do họ không được hưởng lợi vì kinh doanh lỗ. Nếu nhìn một cách tổng thể thì có thể nói, phần hỗ trợ này dành riêng cho các DN hoạt động, kinh doanh có lãi. Trong bối cảnh hiện nay, những DN làm ăn tốt thực sự là những "anh hùng" và họ đáng được ưu đãi nhiều hơn, tăng xúc tác để nhanh chóng kéo lại rủi ro do thị trường biến động mang lại. Có lẽ, chính khối DN này sẽ là động lực cho nền kinh tế bứt phá sau khủng hoảng. Rõ ràng là xin - cho cũng khó chia đều.