Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Hai kịch bản tăng trưởng cùng đặt kỳ vọng GDP trên 5%

(ĐTCK) Với 2 kịch bản tăng trưởng vừa được Tổng cục Thống kê xây dựng, trong cả trường hợp dịch Covid-19 được khống chế trong quý II/2020 hoặc kéo dài sang quý III/2020 thì tăng trưởng GDP cả năm dự kiến vẫn có thể đạt trên 5% với một số điều kiện. 

Theo đó, ở kịch bản 1, dịch Covid-19 kéo dài hết quý II, các hoạt động sản xuất - kinh doanh sớm phục hồi trở lại từ quý III thì tăng trưởng có thể đạt trên 5%.

Ðối với kịch bản 2, dịch bệnh có thể kéo dài đến hết quý III tác động tới nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống thì vẫn có thể đạt tăng trưởng trên 5%, nhưng mức tăng sẽ thấp hơn kịch bản 1.

Tổng cục Thống kê cũng đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng chi tiết cho từng ngành thuộc ba khu vực chủ chốt của nền kinh tế để có thể giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%.

Theo đó, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong quý II; đặc biệt giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, dịch tả lợn châu Phi được khống chế hoàn toàn, tái đàn lợn thành công; các ngành công nghiệp chế biến chế tạo khôi phục được nguồn cung bù đắp thiếu hụt nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, thì việc giữ được mục tiêu tăng trưởng này là khả thi.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cũng lưu ý, đây là mục tiêu rất khó trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên toàn thế giới khiến kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái sâu, trong nước dịch cúm gia cầm (H5N1, H5N6), hạn hán, xâm nhập mặn cũng đang khá căng thẳng.

Với mục tiêu kiểm soát lạm phát nhằm đạt tăng trưởng như các kịch bản đặt ra, phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy, việc duy trì mức tăng CPI bình quân năm 2020 dưới 4% khá thách thức cho các quý còn lại của năm trong điều kiện 3 tháng đầu năm 2020, chỉ số CPI đã tăng ở mức gần 5,6%, cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây.

Tổng cục Thống kê cũng cập nhật hai kịch bản dự báo CPI năm 2020.

Trong đó, ở kịch bản 1, chỉ số CPI sẽ có thể giảm dần từ tháng 3 đến tháng 6/2020 với giả định là các chỉ số giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc chỉ tăng cao vào các dịp lễ tết do nhu cầu tăng, sau đó trở về mức ổn định theo đúng quy luật tiêu dùng.

Với kịch bản này, ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 có thể kéo dài đến quý III/2020, giá xăng dầu, giá gas giảm mạnh so với năm 2019, giá thịt lợn hơi bình quân năm 2020 dao động ở mức 60.000 - 65.000  đồng/kg; giá dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình thì CPI bình quân năm 2020 so với năm 2019 dự kiến có thể duy trì ở mức tăng 3,4 - 3,8%.

Ở kịch bản 2 với mức tăng cao hơn, CPI sẽ có khả tăng vượt mục tiêu dự kiến nếu giá thực phẩm tăng thêm 2%; trong đó, giá thịt lợn hơi bình quân năm 2020 khoảng 75.000 - 80.000 đồng/kg và dịch cúm gia cầm H5N1 lại tiếp tục tái phát; trong khi đó ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19 kết thúc sớm hơn trong quý II.

Theo đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào một số ngành sản xuất tăng; giá xăng dầu, giá gas tăng trở lại từ tháng 6/2020, thiên tai và thời tiết bất lợi như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước cho thủy điện nếu không khắc phục được kịp thời thì dự báo CPI bình quân năm 2020 so với năm 2019 sẽ tăng 4,2 - 4,5%.

Với cả 2 kịch bản này, yếu tố có tác động rất lớn là giá thịt lợn, chỉ số này chỉ cần lên xuống 1-2% là đã ảnh hưởng lớn tới diễn biễn tăng giảm của chỉ số CPI.

“Có thời điểm, giá lợn hơi đã lên đến 90.000 đồng/kg và trung bình 60.000 - 70.000 đồng/kg. Hiện nay, giá thịt lợn chiếm đến 0,42% trong “rổ” 700 mặt hàng cơ bản tính toán chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát.

Trong mức tăng 5,6% của chỉ số giá tiêu dùng quý I/2020, giá thịt lợn đóng góp tới 2,47%. Vì vậy, giải pháp đặt ra hiện nay phải làm được là kéo giảm giá bán thịt lợn hơi. Nếu chúng ta dập được dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi tái đàn, đủ nguồn cung trong nước, kéo giá thịt lợn hơi xuống, sẽ giúp cải thiện tốt CPI”, ông Lâm phân tích.

Mục tiêu quan trọng tiếp theo là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để làm động lực cho tăng trưởng các quý tới.

Theo đó, Tổng cục Thống kê khuyến nghị việc xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Ðường cao tốc Bắc - Nam... là các giải pháp cần tập trung thực hiện ngay.

“Ðầu tư công tăng 1% sẽ giúp GDP tăng 0,06%. Nếu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% sẽ giúp GDP tăng 0,42%. Riêng với ngành xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% giúp ngành này tăng thêm 1,24%. Ðặc biệt, đầu tư công là vốn mồi cho xây dựng và khu vực khác đầu tư dựa trên đầu tư của khu vực nhà nước”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ Ðầu tư (Tổng cục Thống kê) ước tính.

Tin bài liên quan