Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những mục tiêu hàng đầu của Hà Nội

Việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những mục tiêu hàng đầu của Hà Nội

Hà Nội tạo đột phá bằng cải thiện môi trường đầu tư

Thông điệp rất rõ ràng đã được tân Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát đi, đó là Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian tới.

Hà Nội cũng sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất - kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Đây là một trong 3 khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 16 đặt ra”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Thực tế, dù kinh tế - xã hội Hà Nội vẫn có bước phát triển đáng kể, với tăng trưởng GRDP năm 2015 ước đạt 9,24%, nâng bình quân chung GRDP trong 5 năm qua lên 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước, song môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn chưa thực sự cạnh tranh so với nhiều địa phương trong cả nước.

Biểu hiện dễ thấy nhất là Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội vẫn còn ở mức thấp, năm 2014 dù đã tăng được 7 bậc so với năm trước, nhưng vẫn ở vị trí 26/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, điểm số của các chỉ số liên quan đến đất đai, tính năng động trong điều hành, tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường... đều chưa được như kỳ vọng. Và điều này đã khiến lãnh đạo Thành phố “đau đầu”.

“Chính vì thế, làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những mục tiêu hàng đầu của Thành phố. Hà Nội phấn đấu cải thiện chỉ số PCI ở mức cao nhất”, ông Phạm Văn Khương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội nói và cho biết, trong năm 2015, nhiều giải pháp hữu hiệu đã được Hà Nội thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.

Chẳng hạn, mặc dù Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi chỉ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, song Hà Nội đã tiên phong trong thực hiện giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp từ 5 ngày xuống còn 3 ngày ngay từ ngày 1/1/2015. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng được rút ngắn xuống còn 15 ngày, thay vì 45 ngày trước đây. Việc đơn giản hóa thủ tục, niêm yết công khai thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cũng đã được đẩy mạnh, tạo được niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Năm 2014, chỉ số cải cách hành chính của TP. Hà Nội, theo kết quả đánh giá của Bộ Nội vụ, là 91,21%, xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 2 bậc so với năm ngoái.

“Chỉ với việc thực hiện theo các quy định mới của Luật Đầu tư và Doanh nghiệp sửa đổi, số lượng thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh tại Sở sẽ giảm đi 30% so với trước đây”, ông Khương nói và cho biết, nhờ cải cách triệt để công tác giải quyết hồ sơ hành chính, mà Hà Nội đã giảm thiểu được số lượng hồ sơ giải quyết chậm, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng thời hạn lên tới trên 95%, mặc dù số lượng hồ sơ tăng mạnh…

Không dừng lại ở đó, việc công khai, minh bạch, cập nhật và hướng dẫn rõ ràng 100% các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính cho công dân, doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Điều quan trọng, theo ông Phạm Văn Khương, Hà Nội cũng đã rất tích cực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Một cách rõ ràng, các sở, ngành của Thành phố đã cùng bắt tay để rà soát và “chia nhóm” các doanh nghiệp đang gặp khó, như vướng về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, hay cần hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào…, từ đó tìm giải pháp để tháo gỡ. Nhờ vậy, hàng loạt dự án quy mô lớn, như dự án của Garmuda Việt Nam, hay Khu chức năng đô thị Noble Vân Trì, Khu đô thị Park City, Trấn Sông Hồng, Times Square… tìm được “lối ra”.

Trong các phần việc quan trọng này, bao gồm cả việc thường xuyên tổ chức họp liên ngành gồm kế hoạch và đầu tư, tài chính, thuế, hải quan, tài nguyên và môi trường..., xem khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ở đâu để tập trung tìm ra hướng tháo gỡ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HITTPC) cũng đã rất tích cực tham mưu cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho Thành phố các giải pháp hữu hiệu.

HITTPC trong năm qua đã không ngừng thực hiện nhiều giải pháp để xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hàng loạt ấn phẩm về môi trường đầu tư Hà Nội, cẩm nang về môi trường số và kinh doanh tại Thủ đô... đã được HITTPC thực hiện và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng các nhà đầu tư...

“Nếu mỗi sở, ngành đều nỗ lực, giảm tối đa những thủ tục không cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập và kinh doanh trên thị trường, luôn sẵn sàng đối thoại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì môi trường đầu tư, kinh doanh của Hà Nội, chỉ số PCI của Hà Nội sẽ được cải thiện trong thời gian tới”, ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc HITTPC nói.

Tin bài liên quan