GS.TS Nguyễn Mại: “Cần một nhận thức đúng về FDI”

GS.TS Nguyễn Mại: “Cần một nhận thức đúng về FDI”

Để tận dụng tốt nhất cơ hội và vượt qua nhanh nhất thách thức, cần có nhận thức, quan điểm đúng đắn về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

I. Gần đây một số báo, đài đã đăng tải nhiều bài viết có liên quan đến FDI tại Việt Nam.

Một số tác giả nhận định, mặc dù còn những vấn đề cần quan tâm giải quyết có liên quan đến mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, như chuyển giá, ô nhiễm môi trường, công nghệ chưa cao, nhất là tác động lan tỏa còn hạn chế, nhưng FDI đã góp phần quan trọng vào việc đưa nước ta từ nước có thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình (thấp). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong hơn 2 thập niên thuộc loại cao trên thế giới, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại. Nhiều ngành công nghiệp mới, như thông tin và viễn thông, thăm dò khai thác, lọc hóa dầu, điện tử và tin học được hình thành, kim ngạch xuất nhập khẩu từ vài tỷ USD năm 1991 dự kiến năm 2014 đạt khoảng 300 tỷ USD.Từ năm 2012, bắt đầu xuất siêu và quý I năm nay xuất siêu 1 tỷ USD, báo hiệu chấm dứt thời gian dài nhập siêu với tỷ lệ % của hai con số. Nhiều công nghệ, dịch vụ hiện đại đã du nhập vào nước ta, vừa có tác động thúc đẩy doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, áp dụng phương thức kinh doanh mới, vừa làm cho người tiêu dùng Việt Nam được thụ hưởng thành quả chung của thế giới, được mua sắm hàng hóa có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và dịch vụ thuận tiện.

Một số khác lại tỏ ra lo lắng về tình trạng tiêu cực, cảnh báo về “lợi bất cập hại” trong thu hút FDI, thậm chí có ý kiến cho rằng, xét về lợi ích - một tiêu chí quan trọng trong hoạt động đầu tư - thì nước ta bị thua thiệt, vì nhà đầu tư nước ngoài chuyển về nước “những khoản lợi nhuận khổng lồ”.

Bài “Bề nổi FDI và câu chuyện được - mất” của Nguyễn Mỹ Hà, trên VOV Online là một trong số đó.

Là người tham gia trực tiếp từ giai đoạn khởi đầu của thu hút FDI vào nước ta sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (tháng 12/1987) đến nay, chúng tôi thấy cần thiết trao đổi với tác giả bài viết đó để bạn đọc “Báo Đầu tư” có thêm thông tin và cách tiếp cận khách quan đối với thu hút FDI, hoạt động quan trọng của kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, đã được đưa vào văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước: doanh nghiệp FDI là bộ phận cấu thành nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta.

II. Bài báo viết: “Năm 2013, Việt Nam chính thức vượt mốc 20 tỷ USD thu hút FDI… Nhiều chuyên gia kinh tế không tỏ ra hào hứng với kỷ lục mới này với quan điểm, chất lượng vốn đầu tư mới là điều đáng quan tâm…”. Cần lưu ý với tác giả rằng, vốn đăng ký FDI 20 tỷ USD năm 2013 không phải là kỷ lục, bởi vì thấp hơn nhiều so với con số 72 tỷ USD của năm 2008. Tuy vậy, cần nói lại một lần nữa rằng, vốn đăng ký là con số thể hiện xu thế của FDI, không có nhiều ý nghĩa; khi phân tích kinh tế, phải dựa vào vốn FDI thực hiện, 4 năm gần đây đã vượt 10 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội. Những người đang đánh giá khá tiêu cực đối với thu hút FDI, hãy nhớ con số 25% này để có được cách tiếp cận khách quan hơn. Đúng là chất lượng FDI là điều đáng quan tâm, nhưng cũng đừng xem nhẹ tầm quan trọng của số vốn FDI thực hiện trong 1/4 thế kỷ (khoảng 120 tỷ USD).

Vấn đề chất lượng và hiệu quả thu hút FDI, không phải là phát hiện mới của tác giả bài viết này, cũng như nhiều người khác, mà đã được trình bày khá toàn diện trong “Báo cáo tổng kết 25 năm thu hút FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”. Trên cơ sở đó, Chính phủ ra “Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/8/2013”, trong đó đã đề ra hệ thống giải pháp, để vừa thu hút nhiều hơn về số lượng vừa coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả FDI.

III. Về công nghệ và quản trị, phải chăng “Việt Nam gần như không thu được nhiều kỹ năng quản trị và gần như chưa nhận được tác động chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI” như tác giả bài báo đã viết(?).

Nhân đây, chúng tôi muốn trao đổi để có nhận thức đúng đắn về chuyển giao công nghệ từ thu hút FDI. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, các nước đang phát triển phải thông qua nhiều kênh, như mua bán công nghệ, sáng chế, phát minh, kiểu dáng hàng hóa, giai đoạn đầu tiếp nhận và bắt chước công nghệ bên ngoài, sau đó tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra công nghệ của mình được gọi là giai đoạn sáng tạo.

Thu hút FDI là một kênh, chứ không phải là duy nhất về chuyển giao công nghệ. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng, không một nhà đầu tư nước ngoài nào sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ năng nghề nghiệp, nếu điều đó không có lợi cho họ; chỉ khi nào nước nhận đầu tư có chính sách hấp dẫn và có phương thức để cán bộ khoa học, công nghệ học hỏi, tiếp thu, chuyển dần thành công nghệ của nước mình, thì mới có kết quả.

Cho dù chưa thật hài lòng với kết quả chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý thông qua FDI, nhưng phải thừa nhận rằng, một số ngành công nghiệp, dịch vụ nước ta có được trình độ như hiện nay, trong đó có ngành đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, một phần quan trọng do  tác động của FDI. Xin kể ra đây một vài ví dụ.

Viễn thông và công nghệ thông tin là một điển hình nổi bật trong chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý. Năm 1992, khi nước ta còn bị cấm vận quốc tế, ngành bưu chính - viễn thông lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực. Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông (VNPT) đã hợp tác với Công ty TELSTRA (Australia) theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, do đó đã nhận được một số thiết bị công nghệ hiện đại (mặc dù Mỹ không cho nhập khẩu vào nước ta), được tiếp cận phương thức kinh doanh mới, cử sang Australia và đào tạo tại chỗ hàng trăm cán bộ quản lý và công nghệ, những người về sau là những cán bộ chủ lực của VNPT. Vì sao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có được trình độ công nghệ, dịch vụ và năng lực quản trị như hiện nay (?). Liên doanh Vietsovpetro đã đóng góp lớn vào quá trình trưởng thành của PVN. Về công nghệ và dịch vụ hiện đại, thì thông qua hàng chục hợp đồng phân chia sản phẩm với những tập đoàn hàng đầu thế giới như BP, BHP, Shell, Total, Mitsubishi, PVN đã tiếp cận được công nghệ hiện đại trong thăm dò, khai thác, dịch vụ trên mặt đất và ngoài khơi, mỗi hợp đồng đều từ 2 đến 5 triệu USD, tổng số lên đến cả trăm triệu USD để đào tạo cán bộ. Do đó, có thể nói, không có một ngành nào như PVN có ngân quỹ lớn đến như vậy, hàng trăm cán bộ quản lý, công nghệ, dịch vụ đã được cử đi đào tạo ở nhiều nước và nhiều cán bộ kỹ thuật trẻ được đào tạo trong nước. Do đó, PVN không những đã có đủ năng lực quản trị và công nghệ để thăm dò, khai thác ngoài khơi của nước ta, mà còn hợp tác, đầu tư ở một số nước khác.

Samsung hiện có hai nhà máy sản xuất điện thoại di động, một ở Bắc Ninh, một ở Thái Nguyên, hàng năm, mỗi nhà máy sản xuất khoảng 100 triệu điện thoại di động. Nhà máy ở Bắc Ninh được xây dựng năm 2007 sử dụng 45.000 lao động, nhà máy ở Thái Nguyên vừa được đưa vào vận hành hiện có 8.000, tối đa sẽ có 15.000 lao động, chỉ bằng 1/3 số lao động của nhà máy ở Bắc Ninh, vì được tự động hóa cao hơn.

Cũng như các doanh nghiệp FDI khác, trong số 60.000 lao động của Samsung, có khoảng 10% là cán bộ quản lý và kỹ sư đâu phải là “làm công đoạn nào biết công đoạn đó và gần như không nắm được quy trình sản xuất nói chung” như bài báo của Nguyễn Mỹ Hà. Và cũng không nên coi việc công nhân trong một dây chuyền công nghệ hiện đại không nắm được quy trình sản xuất là nhược điểm của FDI.

Trong vài năm gần đây, cũng như Samsung, một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới do đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam, mặc dù hệ thống giáo dục còn nhiều nhược điểm, nhưng cán bộ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, dạy nghề chỉ cần được bổ túc 3 - 6 tháng là đáp ứng được đòi hỏi về trình độ nghề nghiệp của các doanh nghiệp công nghệ, dịch vụ cao, nên đã thành lập nhiều trung tâm R&D; một tín hiệu đáng mừng là, từ các trung tâm đó, hàng vạn cán bộ khoa học và công nghệ trẻ được làm việc trong môi trường lý tưởng với thu nhập khá cao, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của đất nước.

Intel khi nhận giấy phép đầu tư năm 2006, rất băn khoăn về việc tuyển dụng khoảng 2.000 kỹ sư, nhưng mọi việc không quá khó như họ nghĩ ban đầu, bởi người Việt Nam có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin rất tốt.

Hệ thống ngân hàng nước ta, nhất là những ngân hàng thương mại hàng đầu đang sử dụng nhiều dịch vụ hiện đại trên thế giới trong giao dịch, thanh toán, tín dụng nhờ vào việc chuyển giao công nghệ thông qua trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới và thu hút một số ngân hàng đứng đầu thế giới như Citibank, ANZ. Không ít cán bộ quản trị ngân hàng trong nước đã từng làm việc cho các ngân hàng nước ngoài, tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm để ứng dụng vào việc hiện đại hóa nghiệp vụ và tiếp cận khá nhanh với dịch vụ mới của các ngân hàng quốc tế.

Trình độ công nghệ không thể nói chung chung được, máy móc, thiết bị nhập khẩu đã qua sử dụng, hoặc công nghệ lạc hậu là thực trạng cần cảnh báo, nhưng lại phải chỉ ra những trường hợp cụ thể, từ nước xuất xứ để tìm giải pháp đúng, không thể đưa ra nhận xét thiếu bằng chứng. Rất cần điều tra trình độ trang thiết bị và công nghệ từng ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó, có doanh nghiệp FDI, để từ đó có sơ sở phân tích, đánh giá thực trạng một cách khoa học.

IV. Hội nhập quốc tế, thu hút FDI vì lợi ích của đất nước, nhưng cũng cần lưu ý rằng, phải hài hòa lợi ích với bên ngoài, nhà đầu tư quốc tế.

Việt Nam có quyền chọn dự án đầu tư và nhà đầu tư. Đáng tiếc là, đã không ít địa phương chưa sử dụng có hiệu quả quyền lựa chọn đó, có trường hợp cả tin, không thẩm tra, đánh giá trước khi ra quyết định đầu tư, nên cái giá phải trả có trường hợp là không hề nhỏ. 

Nhưng nhà đầu tư cũng có quyền của họ, đó là quyền chọn nước đến đầu tư và địa điểm thực hiện dự án. Lợi nhuận cận biên là lý thuyết quan trọng nhất đối với FDI; nếu nước ta không dành cho họ tỷ suất lợi nhuận tiềm năng cao hơn tại nước họ và tại những nước trong khu vực, không có môi trường đầu tư thuận lợi, thiếu tôn trọng họ, thì kết quả như chúng ta đã chứng kiến tình trạng suy thoái FDI của nước ta trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2004 dẫn đến nhiều hậu quả lớn. Tác động lan tỏa của FDI, trong đó, có phát triển công nghiệp hỗ trợ là nhược điểm lớn đã được chỉ ra trong Nghị quyết 103 của Chính phủ. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu để tìm ra mô hình thông qua thí điểm. Bộ Công thương đang nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hy vọng, những động thái mới sẽ góp phần khắc phục nhược điểm và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hiện nay, hội nhập quốc tế luôn tạo ra cơ hội đồng thời xuất hiện thách thức. Để tận dụng tốt nhất cơ hội và vượt qua nhanh nhất thách thức, cần có nhận thức, quan điểm đúng đắn, không tô hồng, nhưng cũng không chỉ thấy mặt trái, mặt tiêu cực, mà thiếu căn cứ thực tiễn khi đánh giá quá trình phát triển một lĩnh vực hoạt động quan trọng như thu hút FDI.

Tin bài liên quan