Nguyễn Huy Hoàng, Tổng giám đốc Good Media

Nguyễn Huy Hoàng, Tổng giám đốc Good Media

Gợi mở mô hình kinh tế báo chí trong thời đại truyền thông số

(ĐTCK) Trong thời đại truyền thông số, phương thức phân phối tin tức, phân phối quảng cáo thay đổi và người dùng sử dụng đa phương tiện để tiếp cận tin tức. Do đó, mô hình kinh tế báo chí phù hợp trong thời đại truyền thông đa phương tiện là tòa soạn phải đăng tải nội dung trên nhiều nền tảng có chia sẻ doanh thu.

Tình cảnh của báo in

Báo in là mô hình bán tin tức đầu tiên và luôn được xem là nền tảng của báo chí. Tiếp sau báo in, phát thanh và truyền hình ra đời đã bổ sung hai mô hình bán tin tức mới đầy sinh động, nhưng báo in vẫn có chỗ đứng riêng vì sự tiện dụng.

Trong một thời gian dài, ba loại hình này tạo ra thế chân kiềng trong lĩnh vực báo chí và độc quyền trong việc bán tin tức cho xã hội.

Do đã tồn tại qua nhiều thế kỷ nên báo in có một mô hình kinh tế khá rõ ràng. Nó quen thuộc đến nỗi và được tối ưu đến nỗi nhiều người có thể vận hành khá trơn tru bằng cách thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Với báo in, bạn đọc là khách hàng.

Bạn đọc trả tiền mua tin tức của các cơ quan báo chí thông qua việc mua ấn phẩm. Cơ quan báo chí bỏ tiền thuê phóng viên lấy tin tức, chế bản, in ấn và phát hành.

Cộng tất cả những chi phí đó lại và chia đều cho tổng số lượng báo dự định phát hành sẽ tính được giá vốn trên mỗi tờ báo. Tòa soạn chỉ cần cộng thêm phần lợi nhuận mong muốn vào sẽ trở thành giá bán.

Vấn đề quan trọng còn lại của các cơ quan báo chí là làm sao để luôn có được tin tức tốt, hấp dẫn, giúp tỷ lệ bán báo cao (báo chí chủ yếu bán bằng hình thức ký gửi cho các đại lý) thì biên độ lợi nhuận lớn.

Khi báo có số lượng phát hành lớn sẽ có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền đăng quảng cáo. Như vậy, hai nguồn thu cơ bản của báo in là tiền bán báo và phí quảng cáo.

Tại Việt Nam, mô hình kinh tế báo chí có một số khác biệt với thế giới do chính sách của Nhà nước là không cho báo chí tư nhân. Có thể tạm coi mô hình kinh tế báo chí tại Việt Nam có hai dạng.

Ông Nguyễn Huy Hoàng có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, Phó tổng biên tập các báo Gia đình Việt Nam, Báo Sức khỏe Cộng đồng, Tổng thư ký tòa soạn Báo Đời sống & Pháp luật.    

Dạng thứ nhất là cơ quan báo chí trực thuộc các cơ quan Chính phủ, các hội chính trị - xã hội về cơ bản được bao cấp, coi như là có một lượng khách hàng ổn định, trung thành.

Còn các cơ quan báo chí thuộc các hội xã hội - nghề nghiệp thì phải tự cân đối tài chính, có mô hình kinh tế khá tương đồng với thế giới.

Tuy nhiên, khi những cơ quan báo chí tự cân đối phải chịu ảnh hưởng theo xu thế chung thì các cơ quan báo chí được bao cấp cũng đang dần chịu áp lực tương tự do những thay đổi chính sách của Nhà nước.

Từ khi Chính phủ giao quyền tự chủ chi tiêu cho các địa phương, đơn vị thì ngân sách không còn mục chi “cứng” để mua các ấn phẩm báo chí. Ðiều đó có nghĩa, tất cả các cơ quan báo chí đều phải đối mặt với vấn đề tự cân đối tài chính.

Sự phổ biến của Internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy tính cầm tay khiến người tiêu dùng tin tức thay đổi thói quen. Ðiều này ảnh hưởng đến tất cả loại hình báo chí truyền thống nói chung, nhưng với báo in là vấn đề sống còn. Các tòa soạn báo in phải chuyển đổi, phải đưa thông tin lên Internet và mô hình báo điện tử ra đời.

Nhưng khi chuyển sang làm báo điện tử, các cơ quan báo chí vấp phải hàng loạt vấn đề nan giải. Với báo điện tử thì hầu như không thể thu được tiền từ độc giả như báo in truyền thống. Bạn đọc giờ đây không phải là khách hàng.

Nguyên nhân là tin tức quá nhiều trên Internet, người dân không cần phải vào website của cơ quan báo chí mới biết điều gì đang xảy ra. Bản thân các cơ quan báo chí cũng không có cách gì để bảo vệ được bản quyền tuyệt đối khi xuất bản tin tức trên website.

Ngay thời điểm tòa soạn xuất bản thì đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn website khác sao chép lại ngay lập tức.

Không thu được tiền từ bán tin tức, báo điện tử chỉ còn lại nguồn thu duy nhất từ quảng cáo. Món phụ giờ đây thành món duy nhất. Nhưng trong lĩnh vực này, các cơ quan báo chí không thể cạnh tranh nổi với các trang website cá nhân (ở Việt Nam gọi là các trang thông tin điện tử tổng hợp), các mạng xã hội.

Các trang thông tin điện tử tổng hợp thắng báo chí nhờ công thức: giảm chi phí sản xuất bằng cách ăn cắp tin tức của báo chí, nhưng làm tốt hơn trong khâu phân phối.

Còn mạng xã hội đã trao cho quyền sản xuất, phân phối thông tin cho tất cả mọi người, xóa bỏ thế độc quyền của cơ quan báo chí.

Những cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội cũng chủ yếu ăn cắp tin tức của báo chí. Tại Việt Nam, hai đối thủ này còn có lợi thế hơn báo chí là ít phải chịu trách nhiệm nên đưa tin vô tội vạ và trốn thuế.

Tình cảnh đó khiến phần lớn cơ quan báo in chuyển đổi sang báo điện tử đang ở trong tình trạng “cháy nhà hai đầu”: trong khi báo in ngày càng giảm số lượng, đồng nghĩa với giảm doanh thu, lợi nhuận, thì báo điện tử chưa cân đối được thu chi.

Những cơ quan báo chí không còn hoặc không có nguồn dự trữ thì “bỏ sở trường làm sở đoản” để tăng nguồn thu như tổ chức sự kiện. Thực tế cho thấy, báo chí chưa tìm được một mô hình kinh tế chung trong thời đại truyền thông số.

Không thể đứng một mình

Có một điều trùng hợp là khi các mạng xã hội lớn như YouTube và Facebook xuất hiện thì doanh thu quảng cáo của báo chí sụt giảm mạnh. Chính vì thế, nhiều người cho rằng, những mạng xã hội này là đối thủ, là “kẻ cướp miếng cơm” của báo chí, nhưng thực chất không phải như vậy.

Mạng Internet là miễn phí, là tự do, nhưng không có đối thủ nào cung cấp các dịch vụ xoay quanh Internet tốt hơn Google. Khi chọn cách phân phối tin tức trên website thì cũng đồng nghĩa với việc sử dụng nền tảng của ông lớn này.

Ðối với các báo điện tử, có hai dịch vụ của Google rất quan trọng. Thứ nhất là phân phối nội dung thông qua công cụ tìm kiếm (Google Seach).

Ngày nay, trung bình số lượng người đọc truy cập thẳng vào địa chỉ website của các cơ quan báo chí chỉ dưới 20%, trong khi thông qua công cụ Google Seach trên dưới 50%, phần còn lại đến từ các nền tảng giới thiệu khác, trong đó lớn nhất là Facebook. Muốn phân phối được nhiều tin tức qua Google Seach, tòa soạn cần “đóng gói” theo một tiêu chuẩn nhất định của Google.

Công việc này thường được gọi là SEO (Search Engine Optimization - Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm). Dịch vụ thứ hai là làm đại lý quảng cáo thông qua dịch vụ Google Adsen.

Google giúp nhận quảng cáo của khách hàng từ bất kỳ nơi đâu trên thế giới, thu tiền và thanh toán hàng tháng cho các tòa soạn. Họ lấy hoa hồng khoảng 40 - 45%, tương đương với mức chiết khấu hoa hồng mà nhiều tòa soạn áp dụng cho nhân viên và cộng tác viên.

Mặc dù đang “sinh sống” trên “đất” của Google, nhưng rất nhiều tòa soạn lại không sử dụng các dịch vụ của Google, thậm chí còn tìm cách “đấu tranh” với nó.

Hiện nay, có nhiều tòa soạn báo điện tử “không cần SEO” và “tắt quảng cáo Google” để biến website như là một tờ báo giấy đưa lên mạng Internet. Làm báo điện tử nghĩa là chấp nhận mô hình kinh doanh biếu không tin tức để thu hút người dùng, qua đó thu tiền quảng cáo. Hay nói cách khác, nếu báo điên tử không thu hút được người đọc thì sẽ không có nguồn thu.

Hiện nay, ngoài Google Adsen, có hàng trăm hệ thống quảng cáo tự động khác hoạt động tương tự (Ad Netwok). Nhưng dù sử dụng hệ thống quảng cáo tự động nào thì các báo điện tử vẫn phải có người đọc mới có doanh thu.

Còn các mạng xã hội lớn như YouTube, Facebook cũng là một nền tảng tương tự như website, cũng cung cấp miễn phí hình thức phân phối nội dung để được làm đại lý quảng cáo cho những người sản xuất nội dung.

Trên thực tế, các nền tảng như YouTube và Facebook còn cung cấp nhiều công cụ cho người sản xuất nội dung hơn website nhiều.

Thứ nhất, các nền tảng này khắc phụ được một điểm yếu của việc đăng tải nội dung trên website là vấn đề bảo vệ bản quyền. Những công cụ bảo vệ bản quyền của Facebook, YouTube có thể tự động cảnh báo khi có ai đó ăn cắp, dù chỉ là vài giây hình ảnh hoặc âm thanh.

Hệ thống còn cho phép chủ sở hữu nội dung có quyền yêu cầu xóa bỏ ngay lập tức hoặc được hưởng toàn bộ doanh thu quảng cáo mà người ăn cắp nội dung có được. Không những thế, các nền tảng này còn cung cấp CMS (bộ quản trị nội dung) và lưu trữ nội dung miễn phí.

Nhưng thêm một lần nữa, nhiều tòa soạn báo dù sử dụng phương thức đăng tải tin tức lên website nhưng lại xem YouTube và Facebook như kẻ thù, mặc dù chúng chỉ là những cái chợ bán tin tức khác nhau.

Việc các tòa soạn xuất bản thông tin trên Internet nhưng lại cự tuyệt tham gia đăng tải nội dung thêm trên các nền tảng mạng xã hội đang dẫn dắt thời đại như YouTube, Facebook đã tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, cá nhân khác “ăn trên lưng mình”.

Ước tính, không dưới 90% tin tức ở trên Internet (website, YouTube, Facebook) có nguồn gốc từ các cơ quan báo chí. Ở Việt Nam, tỷ lệ này có thể cao hơn, vì chỉ có các cơ quan báo chí mới được pháp luật trao quyền sản xuất và xuất bản tin tức.

Như vậy, một khoản doanh thu quảng cáo rất lớn đáng lẽ các cơ quan báo chí được hưởng đang rơi vào túi những người khác.

Bản thân Google, YouTube, Facebook không phải là các cơ quan thông tấn, không hề sản xuất tin tức, mà chỉ thu hút người đăng tin tức trên nền tảng của họ, lôi kéo người dùng về nền tảng của họ để họ làm đại lý quảng cáo.

Hiện nay, thị phần quảng cáo của các mạng xã hội chiếm phần lớn trong tổng thị trường quảng cáo trực tuyến; các hình thức quảng cáo trực tuyến chiếm ưu thế và thị phần tuyệt đối so với quảng cáo báo chí truyền thống.

Trong mô hình kinh doanh tin tức theo kiểu “miễn phí thông tin để thu hút người dùng, qua đó tạo doanh thu quảng cáo” cần phải nhớ nguyên tắc: bạn đọc ở đâu thì quảng cáo ở đó. Do vậy, để tối ưu hóa doanh thu từ tin tức, các cơ quan báo chí cần đăng tải trên tất cả các nền tảng có chia sẻ doanh thu quảng cáo hoặc doanh thu khác (ví dụ bản quyền).

Hay nói cách khác, mô hình kinh tế báo chí phù hợp trong thời đại truyền thông đa phương tiện là tòa soạn phải đăng tải nội dung trên càng nhiều nền tảng có chia sẻ doanh thu (quảng cáo hoặc bản quyền) thì càng tăng được doanh thu.

Tin tức, thông tin ngày càng có giá trị, người sản xuất tin tức vẫn đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi cung ứng. Tổng số tiền xã hội chi cho truyền thông, quảng cáo ngày càng lớn. Chỉ có điều, phương thức phân phối tin tức, phân phối quảng cáo đã thay đổi.

Trong thời đại truyền thông số có đa nền tảng phân phối tin tức và người dùng sử dụng đa phương tiện để tiếp cận tin tức. Trong xu thế kinh tế chia sẻ, nếu báo chí vẫn đứng một mình thì sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tin bài liên quan