Ảnh Internet

Ảnh Internet

Góc khuất trong đấu giá tài sản

(ĐTCK) Nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đấu giá tài sản hôm 24/10 đã cho thấy thực tế nhức nhối trong lĩnh vực đấu giá tài sản, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn như đất đai...  

Mặc dù đã đưa ra được những quy định, chế tài khiến quy trình đấu giá tài sản chặt chẽ hơn, song để ngăn chặn triệt để tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, vẫn là những thách thức đã nảy sinh nhiều trên thực tế mà Dự thảo Luật cần phải tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thu Trang đã nêu ra thực trạng, hiện nay, nhiều cuộc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản, bị chi phối bởi một nhóm đối tượng, thậm chí, ở nhiều phiên đấu giá, còn có cả nhóm “xã hội đen”, mặc dù không tham gia trực tiếp, nhưng vẫn bằng mọi cách uy hiếp những người tham gia đấu giá để chi phối, làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá, thu lời bất chính và vô hiệu hóa các quy định pháp luật của Nhà nước, gây hoang mang trong nhân dân. Do đó, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng công an và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là những phiên đấu giá tài sản bán đấu giá có giá trị lớn.

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân đề nghị quy định chặt chẽ để hạn chế tình trạng các tổ chức, cá nhân cùng thông đồng hợp lý hồ sơ và tập trung một số đơn vị hoặc một người trúng đấu giá; cần quy định cụ thể về việc hủy kết quả đấu giá khi phát hiện ra các sai phạm và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi để xảy ra vi phạm, phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương cho rằng, nếu chúng ta không làm kỹ sẽ xảy ra hình thức thông đồng, móc nối “quân xanh, quân đỏ”, nhằm hạn chế người tham gia đấu giá. Vì vậy, ông đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá, trả giá, chấp nhận giá là trường hợp đấu giá không thành.

Trên thực tế, còn rất nhiều góc khuất, vi phạm xảy ra thường xuyên với các cuộc đấu giá tài sản, nhất là tài sản Nhà nước. Báo chí cũng đã phản ánh không ít vụ việc được tổ chức đấu giá kém minh bạch, thậm chí vi phạm cả các quy định về đấu giá tài sản. Dễ thấy nhất là các trường hợp hạn chế thông tin, hoặc đặt ra các quy định khó thực thi nhằm hạn chế số lượng người tham gia đấu giá.

Trong câu chuyện bên lề, đại diện của một doanh nghiệp có chức năng bán đấu giá tài sản, nhất là tài sản công, còn nói thẳng rằng, quá trình thực hiện bán đấu giá bắt đầu từ rất lâu, trước khi các thông báo được đưa ra thị trường. Đã có những “cái bắt tay” từ việc định giá tài sản nhằm đưa ra được giá khởi điểm ở mức “dễ chịu” nhất… Vì thế, bằng mọi giá, những thành viên tham gia cuộc đấu giá phải thu xếp để “đúng người, đúng tổ chức” trúng giá tài sản được đem ra bán.

Sau rất nhiều năm dựa trên khung pháp lý là Nghị định và các thông tư hướng dẫn, việc xây dựng và ban hành Luật Đấu giá tài sản được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa hoạt động này, hạn chế tối đa các tiêu cực đã và sẽ nảy sinh trong thực tế. Để Dự thảo Luật được xây dựng chặt chẽ, đi vào cuộc sống ngay sau khi được ban hành và có thể bao quát cả những trường hợp chưa nảy sinh trong thực tế, ngay từ giai đoạn này, rất cần những ý kiến xây dựng thẳng thắn và tâm huyết.

Tin bài liên quan