Gỡ vướng trong hỗ trợ người dân gặp khó vì Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Đều khẳng định chính sách đúng đắn, song chính quyền từ cấp xã, huyện, tỉnh còn gặp không ít vướng mắc khi triển khai hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Việc xác định đối tượng để nhận hỗ trợ còn nhiều vướng mắc.

Việc xác định đối tượng để nhận hỗ trợ còn nhiều vướng mắc.

Nhiều đối tượng chưa được hỗ trợ

Nếu không phải dừng bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp, thì hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bước đầu đánh giá các chính sách liên quan đến đại dịch Covid-19 đi vào cuộc sống thế nào.

Trước đó, trong tháng 7/2020, các đoàn khảo sát của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành khảo sát tại một số tỉnh, thành phố về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ 6 nhóm đối tượng.

Nhóm 1 là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương.

Nhóm 2 là hộ kinh doanh.

Nhóm 3 là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhóm 4 là người lao động không giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Nhóm 5 gồm người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.

Nhóm 6 là người sử dụng lao động được hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam cho thấy, mới có nhóm đối tượng thứ 5 được nhận hỗ trợ, 5 nhóm còn lại đều chưa có đề nghị được hỗ trợ, hoặc có đề nghị mà chưa được hỗ trợ.

Với Quảng Ngãi, con số lớn nhất được hỗ trợ, cả về số đối tượng và số tiền cũng nằm ở nhóm 5, nhóm thứ 1 và thứ 6 chưa nhận hỗ trợ. Ở các nhóm còn lại có 190 hộ kinh doanh, 13 người lao động thuộc nhóm 3 và 37 người lao động thuộc nhóm 4 (đáng chú ý là số lượng đề nghị của nhóm này 2.306 người) được nhận tiền hỗ trợ.

Tương tự, tỉnh Phú Yên cũng chưa có đối tượng nào thuộc nhóm 1 và nhóm 6 được hỗ trợ. Con số đã nhận hỗ trợ/số lượng đề nghị tại nhóm 2 là 564/811 đối tượng, nhóm 3 là 17/18 đối tượng và nhóm 4 là 10.688/16.570 đối tượng. Với nhóm 5 thì 100% đối tượng được đề nghị đều được nhận hỗ trợ. 

Vướng mắc ở đâu?

Lý giải về việc đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ, UBND tỉnh Phú Yên nêu hàng loạt vướng mắc trong việc thẩm định điều kiện doanh nghiệp không còn nguồn tài chính để trả lương thực hiện xác nhận như thế nào. Nguồn tài chính là nguồn gì (nguồn nào), cụ thể là tiền vay, quỹ lương, công nợ phải thu, quỹ phúc lợi, quỹ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tài sản hiện có, viện trợ, các nguồn lợi nhuận các năm trước mang lại… tồn đến thời điểm lập hồ sơ đề nghị có số dư đến ngày 31/3/2020 có thể xem là nguồn tài chính dùng trả lương hay không, đều chưa được hướng dẫn cụ thể.

Với đối tượng nhóm 1, điều kiện để hỗ trợ tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ phải đảm bảo thời điểm bắt đầu tạm hoãn, nghỉ việc từ ngày 1/4/2020. Như vậy, đối với những doanh nghiệp do khó khăn trong sản xuất đã tạm ngừng việc trước ngày 1/4/2020 (đây là những doanh nghiệp rất khó khăn) thì không được xem xét hỗ trợ. Điều này, theo UBND tỉnh Phú Yên, là chưa phù hợp với thực tế.

Nhìn vào kết quả, đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng chưa có doanh nghiệp nào đăng ký vay vốn. Lý do được nêu tại báo cáo của tỉnh là do một số điều kiện ràng buộc đối với doanh nghiệp xin vay vốn để trả lương cho người lao động quá chặt, nên doanh nghiệp không tiếp cận được chính sách như “đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020, hoặc đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc...".

Thiếu hướng dẫn cụ thể cũng là một trong những khó khăn được nêu tại báo cáo của UBND tỉnh Hà Nam và Quảng Ngãi.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, với nhóm 1, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương là nhóm đối tượng chịu tác động nặng nề do Covid-19, những người này hầu như mất thu nhập, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Chính phủ hỗ trợ cho đối tượng này là phù hợp với thực tế.

Song, biểu mẫu tổng hợp danh sách chưa được hướng dẫn cụ thể, chỉ có biểu mẫu tổng hợp dành cho doanh nghiệp, còn đối với cấp huyện, tỉnh thì không có biểu mẫu, gây lúng túng cho địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.

Đấy là cấp tỉnh, còn ở cấp dưới, báo cáo của UBND thị xã Đông Hòa (Phú Yên) phản ánh, ở nhóm 1, điều kiện hỗ trợ là doanh nghiệp phải có báo cáo tài chính quý I/2020, nhưng có một số công ty chỉ làm báo cáo tài chính theo năm chứ không làm theo quý nên không đủ điều kiện hỗ trợ.

Với nhóm 3, UBND thị xã Đông Hòa báo cáo rằng "rất khó cho các địa phương trong việc xác định thu nhập của người lao động; một số lĩnh vực vẫn bắt buộc nghỉ trong thời gian xảy ra Covid-19, nhưng không được hỗ trợ, do không phải là lĩnh vực có trong quy định của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg".

"Điều kiện hỗ trợ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg so với tình hình thực tế của địa phương chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng người dân ý kiến", lãnh đạo UBND phường Hòa Hiệp Trung (thị xã Đông Hòa) phản ánh với đại biểu Quốc hội.

Nên kéo dài thời gian giảm tiền điện cho doanh nghiệp

Ông Đỗ Xuân Cửu, Phó tổng giám đốc Công ty Dệt Hà Nam

Trong rất nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chúng tôi thấy hiệu quả nhất, rõ ràng nhất, không vướng mắc thủ tục giấy tờ gì cả, là giảm 10% tiền điện. Tính sơ bộ như doanh nghiệp chúng tôi 1 tháng phải nộp hơn 10 tỷ đồng tiền điện, được giảm 10% là con số tương đối trong lúc khó khăn này.

Tôi kiến nghị nên kéo dài thời gian giảm tiền điện như vậy, cho đến khi dịch bệnh dừng hoặc có dấu hiệu giảm, thay vì hết tháng 6/2020. Vì hiện nay dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, sản phẩm của doanh nghiệp chúng tôi 80-90% xuất khẩu, cho dù trong nước có kiểm soát được dịch, nhưng các nước khác vẫn đóng cửa thì khác nào Việt Nam vẫn đóng, nên nếu chỉ giảm đến hết tháng 6 thì không hợp lý.

Tin bài liên quan