9 tháng đầu năm nay, mới có 12 doanh nghiệp tiến hành thoái vốn nhà nước trong số 62 doanh nghiệp theo Quyết định 1232/2017/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng thoái vốn chậm trễ kéo dài?
Tiến trình thoái vốn nhà nước diễn ra rất chậm, vì nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là không ít bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu doanh nghiệp chưa quyết liệt, chưa thực sự nghiêm túc trong triển khai kế hoạch thoái vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, để quá trình định giá khoản thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo minh bạch, tiết kiệm thời gian, bước quan trọng đầu tiên là phải thúc đẩy doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán sau cổ phần hóa.
Thế nhưng, tiến độ đưa cổ phiếu lên sàn của các công ty cổ phần hình thành sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhiều năm qua diễn ra rất chậm, thậm chí gần đây còn có bước lùi.
Cụ thể, năm 2017, cơ quan quản lý công khai danh sách 747 doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng con số này đến tháng 9/2019 tăng lên 755 doanh nghiệp, gồm 601 doanh nghiệp cũ và 154 doanh nghiệp bổ sung mới.
Hà Nội và TP.HCM là những địa phương còn nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định.
Thoái vốn chậm còn do không ít bộ, ngành, địa phương chậm bàn giao doanh nghiệp hậu cổ phần hóa về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mà vẫn níu giữ quyền lợi.
Đặc biệt, thực tiễn cho thấy, một nguyên nhân lớn khiến nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thoái vốn gặp thách thức là vướng mắc trong xác định giá trị lịch sử, văn hóa của doanh nghiệp.
Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEA) nằm trong kế hoạch thoái vốn nhà nước năm 2017, nhưng đến năm 2019 vẫn không thể triển khai, trong bối cảnh nhiều lãnh đạo cấp cao của VEA bị khởi tố hình sự. Như vậy, chậm bàn giao doanh nghiệp về SCIC khiến quá trình thoái vốn không những chậm, mà còn khiến Nhà nước đối mặt với rủi ro sụt giảm giá trị của khoản thoái vốn do phát sinh những sự cố bất ngờ?
Có một thực tế là hiện có nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn chưa được chuyển giao về SCIC theo quy định, khiến cho quá trình thoái vốn chậm. Ở đây thuộc về trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các tỉnh với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp.
Việc sớm chuyển giao doanh nghiệp về SCIC sẽ giúp cho quá trình thoái diễn ra chuyên nghiệp và nhanh hơn, bởi khi tiếp nhận vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, SCIC đóng vị trí là một nhà đầu tư, nên với những doanh nghiệp nằm trong danh mục thoái vốn được phê duyệt, chỉ cần thị trường xuất hiện cơ hội thoái vốn là họ triển khai ngay.
Còn khi doanh nghiệp sau cổ phần hóa mà các bộ, ngành, UBND các tỉnh vẫn đóng vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước, thì ở đây vẫn còn bóng dáng của cơ chế chỉ đạo cấp trên - cấp dưới, vẫn còn mối quan hệ về lợi ích, “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, nên việc thoái vốn bị mắc nhiều thứ, khó diễn ra chuyên nghiệp, nhanh chóng và minh bạch.
Tiến độ thoái vốn càng chậm, càng khiến cho khoản vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp thêm rủi ro, khiến cho hiệu quả thoái vốn khó mang lại kết quả tối ưu như mong đợi.
Về vướng mắc trong xác định giá trị lịch sử, văn hóa của doanh nghiệp, Bộ Tài chính có giải pháp gì để tháo gỡ?
Nghị định 32/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đưa ra nguyên tắc và thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước tại công ty cổ phần và công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Theo đó, việc xác định giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra bên ngoài, bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm), giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có giá trị văn hóa, lịch sử khác theo quy định của pháp luật…
Bộ Tài chính ghi nhận từ thực tiễn áp dụng quy định trên đang bộc lộ vướng mắc, vì việc xác định giá trị lịch sử, văn hóa khó được lượng hóa.
Điều này khiến cho các bên quyết định mức giá khởi điểm của khoản vốn cần thoái sợ trách nhiệm, dẫn đến tiến trình thoái vốn thời gian qua chậm trễ.
Để tháo gỡ vướng mắc trên, Bộ Tài chính đang lên phương án sửa đổi Nghị định 32/2018/NĐ-CP. Trong đó, chúng tôi đề xuất bãi bỏ quy định về tính giá trị văn hóa, lịch sử khi xác định giá trị các khoản vốn nhà nước cần thoái.
Các giá trị này sẽ được quy về tính vào giá trị vô hình như quy định hiện hành đã có cách tính.
Theo kế hoạch, trong tháng 10 này, Bộ Tài chính sẽ công khai dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 32/2018/NĐ-CP để lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia…, trên cơ sở đó hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành.
Chính sách khó chạy song song với thực tiễn, mà thường có độ trễ. Bởi vậy, để quy định pháp lý sát với thực tiễn, có tính khả thi cao, khi công khai dự thảo Nghị định, chúng tôi mong muốn nhận được các góp ý có trách nhiệm, chất lượng từ phía doanh nghiệp, cũng như các bên tham gia vào quá trình thoái vốn, qua đó sửa đổi cơ chế được tốt nhất, tháo gỡ khó khăn cho tình trạng thoái vốn chậm trễ hiện tại.