Giảm thu ngân sách chỉ là tạm thời trong ngắn hạn

Lần đầu tiên Quốc hội thông qua dự toán thu ngân sách năm sau thấp hơn năm trước, nhưng ngành thuế vẫn đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu 5%. “Năm 2014, ngân sách không tăng thu so với năm 2013 là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ vốn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Bùi Văn Nam chia sẻ.
Giảm thu ngân sách chỉ là tạm thời trong ngắn hạn

Tình hình sản xuất, kinh doanh đang có dầu hiệu ấm dần. Vậy vì sao ngành thuế vẫn đặt mục tiêu tăng thu khá khiêm tốn so với dự toán, thưa ông?

Không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, mà ngay cả Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, cho dù thị trường tài chính toàn cầu đang hồi phục, nhưng triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 ở khu vực sản xuất vẫn còn trì trệ, các hoạt động đầu tư và thương mại chưa lấy được đà tăng trưởng tốc độ cao trở lại. Còn trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 dự kiến không cao hơn nhiều so với năm 2013 (tăng 5,8% so với 5,42%); việc huy động và hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho phát triển còn hạn chế... Vì vậy, dự toán thu nội địa năm 2014 chỉ là 624.200 tỷ đồng, thấp hơn dự toán năm 2013 (644.472 tỷ đồng) và thấp hơn số thực thu năm 2013 (676.696 tỷ đồng) là hợp lý.

Trên cơ sở này, cộng với việc số thu từ dầu thô sẽ giảm mạnh (từ mức 120.436 tỷ đồng năm 2013 xuống chỉ còn 85.200 tỷ đồng) do giá dầu thô trên thị trường thế giới dự báo ở mức thấp và do chủ động giảm sản lượng khai thác, nên trước mắt, chúng tôi chỉ dám đặt mục tiêu tăng thu nội địa 5% so với dự toán, tức là phấn đấu tăng thu cỡ 31.210 tỷ đồng, xấp xỉ bằng số tăng thu năm 2013 (32.196 tỷ đồng).

Nhưng số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động đang giảm dần; số lượng DN thành lập mới có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Điều này sẽ góp phần tăng thu ngân sách?

Đúng là tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại (kể từ quý III/2013) đã thúc đẩy số lượng DN thành lập mới năm 2013 lên con số 76.955, tăng hơn 10% so với năm 2012. Nhưng về tổng thể, năm 2013, số DN giải thể hoặc ngừng hoạt động, tạm ngừng và ngừng hoạt động, nhưng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước vẫn tiếp tục tăng mạnh so với năm 2012 (tăng tương ứng 5%, 35,7% và 8,6%).

Tôi muốn nói thêm rằng, DN thành lập mới thường chưa phải nộp thuế ngay do chưa có thu nhập, trong khi đó, DN đang hoạt động khi giải thể, ngừng hoạt động hay tạm ngừng hoạt động lại thì ngay lập tức dừng đóng thuế vào ngân sách.

Mặc dù vậy, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành thuế, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh vẫn gợi ý, ngành thuế nên đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu cỡ 18-20% so với dự toán. Ông bình luận về gợi ý này thế nào?

Năm nay, ngành thuế đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu 5%, cộng với dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,8% và lạm phát khoảng 7%, nếu cộng dồn lại thì tốc độ tăng thu ngân sách vào khoảng 18%. Nhưng đây chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế thì không diễn ra như vậy, bởi ngoài những khoản giảm thu kể trên, trong năm 2014 do thực hiện các chính sách thuế mới, ngân sách chắc chắn sẽ giảm thu rất lớn.

Cụ thể, chưa tính đến sự tác động của Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi, bổ sung) đến số thu ngân sách nhà nước trong năm nay, chỉ riêng việc thực hiện Luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi, bổ sung) cùng với việc hạ thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22%, áp thuế suất 20% đối với DN nhỏ và vừa, ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng… sẽ khiến ngân sách giảm thu 22.145 tỷ đồng. Việc triển khai Luật Thuế thu nhập cá nhân cùng với việc nâng khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/người/tháng cũng khiến ngân sách giảm thu cỡ 13.350 tỷ đồng nữa.

Tôi muốn nói thêm rằng, số hụt thu ở trên mới chỉ là tính toán trên lý thuyết, còn trên thực tế,  số giảm thu do thực hiện các chính sách thuế mới thường lớn hơn so với con số tính toán. Nhưng sau Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2014, chúng tôi dự kiến đặt mục tiêu phấn đấu tăng thu cao hơn 5% như gợi ý của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Vậy cụ thể mục tiêu phấn đấu tăng thu năm nay của ngành thuế là bao nhiêu, thưa ông?

Các cục thuế địa phương đặt mục tiêu tăng thu tối thiểu 5% và cũng như mọi năm, sẽ có địa phương tăng cao hơn mục tiêu rất nhiều, nên tổng hợp lại thu nội địa năm nay dự kiến tăng khoảng 8% so với dự toán, tức là tăng cỡ 50.000 tỷ đồng so với dự toán và giảm khoảng 2.560 tỷ đồng so với số thực thu năm 2013. Ngân sách giảm thu chỉ là tạm thời trong ngắn hạn, bởi các chính sách thuế mới giảm mức động viên vào ngân sách cho DN, cá nhân, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tích tụ vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng sẽ tạo đà để ngân sách tăng thu ổn định, vững chắc trong năm 2015 và những năm tiếp theo.             

Tin bài liên quan