Để có mức tăng trưởng 5%, Việt Nam cũng cần phải chấp nhận một mức lạm phát nhất định.

Để có mức tăng trưởng 5%, Việt Nam cũng cần phải chấp nhận một mức lạm phát nhất định.

Giải pháp nào hạn chế áp lực lạm phát?

(ĐTCK) Nhằm hạn chế tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, hầu hết các nước đều đưa ra gói giải pháp kích cầu, hỗ trợ nền kinh tế. Các giải pháp tập trung vào giải quyết trực tiếp nguyên nhân gây khủng hoảng và suy thoái kinh tế.

Tại Việt Nam , hàng loạt giải pháp chống suy giảm và kích thích kinh tế nhanh chóng được thực thi và đến nay bước đầu đã có tác động tích cực. Tăng trưởng kinh tế quý II cao hơn quý I, đạt mức 4,5%, 6 tháng đạt 3,9%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tương ứng tăng 0,9%, 3,9% và 2,5%. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ tháng 2/2009, giá trị sản xuất tháng sau cao hơn tháng trước: tháng 3 tăng 2,5%,  tháng 4 tăng 5,6%, tháng 5 tăng 7,2%, tháng 6 tăng 8,2%; thị trường tín dụng không lâm vào tình trạng “đóng băng” như nhiều nước, mà đã sôi động trở lại...

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đó, thì một vấn đề đáng lo ngại đang nổi lên không chỉ đối với Việt Nam mà với nhiều nước, đó là áp lực lạm phát?

Theo Milton Friedman, “lạm phát luôn luôn và ở đâu cũng là hiện tượng tiền tệ”, nhưng  nguyên nhân gây ra các mức lạm phát thì rất đa dạng. Sự gia tăng mức giá có thể bắt đầu từ  nguyên nhân do các yếu tố “cầu kéo” và/hoặc “phí đẩy”.

Trong mỗi trường hợp cụ thể, các yếu tố có tác động ở mức khác nhau đến mức giá chung, song sự gia tăng mức giá bắt đầu từ các yếu tố trên nếu không có sự hỗ trợ bởi các chính sách làm tăng cung tiền qua chính sách tài khoá (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT) nới lỏng, như tăng chi tiêu chính phủ bằng nguồn phát hành, giảm thuế, mở rộng đầu tư quá mức, tín dụng tăng trưởng nóng… thì mức tăng giá chỉ trong ngắn hạn sẽ không gây ra lạm phát.

Hiện nay, nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học trên thế giới tỏ ra lo ngại về  lạm phát do hàng nghìn tỷ USD của các quốc gia được bơm ra để cứu nguy thị trường tài chính, điều đó sẽ làm thâm hụt ngân sách lớn, khối lượng tiền M1 tăng mạnh thay cho khối lượng tiền M3, M4... nảy sinh từ các sản phẩm phái sinh bị mất đi và qua đó sẽ gây áp lực lạm phát.

Đối với Việt Nam , đến hết tháng 6/2009 chỉ số giá tiêu dùng mới ở mức 2,68% so với tháng 12/2008; so với tháng 6/2008 là 3,39% - một mức tăng giá thấp nhiều so với tháng 6/2008 và nhìn chung mức tăng giá cùng kỳ đang có xu hướng đi xuống (xem đồ thị).

Tuy nhiên, tiềm ẩn lạm phát đã bắt đầu xuất hiện, bởi sự gia tăng nhanh của lượng tiền trong lưu thông từ nhiều kênh, như kênh tín dụng - ngân hàng, từ ngân sách, thu nhập DN có xu hướng tăng do giảm thuế và được hỗ trợ lãi suất. Thêm vào đó, thâm hụt ngân sách gia tăng (Quốc hội đã phê duyệt mức thâm hụt ngân sách năm nay là không vượt quá 7% GDP). Tổng mức luân chuyển hàng hoá bán lẻ tháng 6 tăng 20%, nếu loại bỏ yếu tố tăng giá là 16,6% thì tăng hơn nhiều so với mức tăng 8% của tháng 6/2008 và tăng hơn mức tăng 15% của năm 2007. Mặt khác, giá cả trên thị trường quốc tế, nhất là giá các mặt hàng chủ lực như dầu thô, còn có những diễn biến khó lường...

Trước những dấu hiệu đó, vấn đề đặt ra là cần phải có những giải pháp để hạn chế sự gia tăng áp lực này. Giải pháp chỉ có hiệu quả khi nó có thể hạn chế hoặc triệt tiêu những nguyên nhân căn bản gây ra lạm phát. Các nghiên cứu về tình hình lạm phát của Việt Nam đều khẳng định, những nguyên nhân sâu xa gây ra lạm phát cao năm 2007 - 2008, ngoài những ảnh hưởng của giá cả trên thế giới và thiên tai dịch bệnh, mất mùa, là do cơ cấu kinh tế bất hợp lý với hiệu quả đầu tư thấp và đi liền với nó là khối lượng tiền trong nền kinh tế tăng nhanh từ tăng trưởng tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều và chi tiêu Chính phủ. Chính vì vậy, để giảm áp lực về nguy cơ tiềm ẩn lạm phát chúng ta cần:

 

Có chiến lược thay đổi lại cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng

Nếu như trước đây, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng cuối cùng nhiều hơn đầu tư, thì nay cần chuyển hướng sang việc tăng trưởng dựa vào đầu tư là chủ yếu.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mức trung bình giai đoạn 1991 - 2008 tiêu dùng cuối cùng đóng góp vào tăng trưởng GDP hơn 5%, đầu tư đóng góp vào GDP là 4,3%. Riêng năm 2008 tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,18%, trong đó tiêu dùng cuối cùng đóng góp 6,6%, còn đầu tư chỉ là 2,77%, xuất khẩu ròng đóng góp âm 3,24%. Hơn nữa, mối quan hệ giữa tiêu dùng cuối cùng đóng góp vào GDP với mức tăng lạm phát từ năm 1991 - 2008 là có xu hướng cùng chiều. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất sản phẩm trong nước phải dựa nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu (kể cả các sản phẩm xuất khẩu), do vậy giá thành bị ảnh hưởng đáng kể vào giá cả quốc tế. Chính vì vậy, cần có sự thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và sản xuất trong nước. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các DN sản xuất sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, qua đó giảm áp lực về ngoại tệ và giá cả trong nước ít chịu tác động bởi giá thế giới.

 

Hoàn thiện pháp luật, tăng cường kỷ cương trong quản lý và sử dụng tài chính nhà nước, để nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế

Đây là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo gói giải pháp chống suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng qua công cụ CSTT và CSTK của Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% và lạm phát dưới 10% trong năm nay. Đặc biệt, lượng tiền được sử dụng trong gói giải pháp này cần phải được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, nếu không thì một lượng tiền nhất định sẽ rơi vào túi một nhóm người, làm thu nhập cao ở một nhóm người đẩy mức giá chung theo nguyên lý Balassa - Samuelson gây áp lực lạm phát. Nếu lượng tiền đưa vào lưu thông được sử dụng có hiệu quả thì một lượng hàng hoá tương ứng được tạo ra sẽ hạn chế được áp lực lạm phát:

- Để giảm áp lực lạm phát, trong quá trình thực thi CSTK cần quản lý chặt chẽ các khoản chi, thu hẹp phạm vi trang trải của ngân sách, mở rộng phạm vi xã hội hoá, nâng cao chất lượng đầu tư từ nguồn ngân sách. Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh để nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ bản...

Giải pháp nào hạn chế áp lực lạm phát? ảnh 1

- Vấn đề nâng cao chất lượng tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng cũng là một giải pháp hữu hiệu để giảm áp lực lạm phát tiềm ẩn. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang thực thi nhiều giải pháp, chỉ đạo NHTM thực hiện giải ngân các khoản vay hỗ trợ lãi suất đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp này, NHNN cũng đối mặt với những khó khăn trong việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu, do công cụ mạnh để kiểm soát tốc độ gia tăng này là lãi suất thì hiện còn có những giới hạn nhất định. Vì vậy, về mặt pháp lý, cần tạo cho NHNN quyền chủ động trong sử dụng công cụ này mang tính thị trường hơn để kiểm soát cung tiền và tín dụng.

Trong điều kiện việc kiểm soát tín dụng thông qua công cụ lãi suất còn hạn chế, thì việc kiểm soát tốc độ và chất lượng tín dụng là cần thiết. Bên cạnh việc tăng cường thanh tra giám sát, NHNN đã yêu cầu các NHTM đẩy mạnh cho vay để mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng nhưng không được nới lỏng điều kiện cho vay. Đây là một sự chỉ đạo rất đúng về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn.

Để giải pháp này phát huy hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho các công cụ CSTT, NHNN nên cần có quy định khung về các điều kiện vay vốn cho cả hệ thống NHTM thực hiện. Ngoài ra, để giảm áp lực lạm phát, việc hạn chế cho vay tiêu dùng ở mức độ hợp lý sẽ góp phần vào việc chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế hướng vào kích cầu đầu tư để tăng trưởng hơn là tiêu dùng cuối cùng.

 

Thiết lập mô hình xác định điểm cân bằng tương đối về tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay

Nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua tăng trưởng dựa nhiều vào tiêu dùng cuối cùng và đầu tư, trong đó yếu tố tiêu dùng đóng góp vào tăng trưởng với tỷ trọng lớn hơn đầu tư. Điều đó cho thấy lạm phát là một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Chính vì vậy, để có được mức tăng trưởng 5%, Việt Nam cần phải chấp nhận một mức lạm phát nhất định. Song mức lạm phát nào là hợp lý?

Để xác định được mức lạm phát tốt cho tăng trưởng bền vững, cần tiến hành nghiên cứu xác định điểm cân bằng tương đối giữa cung và cầu về hàng hoá và tiền tệ của nền kinh tế Việt Nam, để chúng ta có những điểm dừng thích hợp của các giải pháp chống suy giảm kinh tế hiện đang thực hiện. Bởi các gói giải pháp cứu trợ nền kinh tế chỉ có tác động hữu hiệu trong một khoảng thời gian nhất định, nếu tiếp tục kéo dài thì có thể sẽ có tác động ngược chiều với mục tiêu mong muốn.

 

Phối hợp đồng bộ CSTT và CSTK

Đây là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả của hai công cụ này trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô của năm 2009 và những năm tiếp theo.