Giá của những lời hứa suông

Giá của những lời hứa suông

Bộ Y tế cho biết, đang sửa đổi quy định bắt buộc bổ sung muối i-ốt vào thực phẩm chế biến. Cụ thể hơn là đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo sửa đổi quy định này.

Không thể đếm hết đây là lần thứ bao nhiêu Bộ Y tế nói như vậy, kể từ khi quy định về sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm của Nghị định 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm được ban hành. Song chắc chắn, các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp đã đợi cam kết này được thực hiện từ thời điểm đó đến giờ là hơn 3 năm. Cũng có nghĩa, những quy định từng được xác định là vô lý, không cần thiết, thậm chí gây ảnh hưởng đến chất lượng, thay đổi mùi vị của sản phẩm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đã tồn tại 3 năm.

Cần nhắc lại rằng, ngày 18/1/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP. Theo đó, kể từ ngày 15/3/2017, các loại muối ăn trực tiếp và muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được bổ sung i-ốt. Ngay trước thời điểm đó, các hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến chế biến thực phẩm đã phản ánh những bức xúc của doanh nghiệp về quy định sử dụng muối có i-ốt trong chế biến thực phẩm.

Chiều ngày 13/3/2017, cuộc đối thoại đầu tiên về nội dung này giữa đại diện Bộ Y tế và các doanh nghiệp sữa do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì đã diễn ra tại Văn phòng Chính phủ. Kết quả, cuộc đối thoại thống nhất không yêu cầu phải sử dụng muối có chứa i-ốt tại các nhà máy chế biến thực phẩm cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng i-ốt trong thành phẩm thực phẩm. Sau đó, còn nhiều cuộc đối thoại khác được tổ chức với kết quả là cam kết sửa đổi từ Bộ Y tế.

Đến tháng 5/2018, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã ghi rõ phần việc Bộ Y tế phải làm liên quan đến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP.

Vậy nhưng, sau tất cả các chỉ đạo, cam kết chỉnh sửa, cho đến thời điểm này, Bộ Y tế mới phát hành văn bản về việc thực hiện ý kiến kết luận của Tổ công tác Thủ tướng Chính phủ với nội dung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc “chỉ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất muối i-ốt, không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối i-ốt”.

Văn bản của Bộ Y tế chỉ tháo gỡ cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm ở khâu kiểm tra, chưa giải quyết triệt để được các vấn đề ràng buộc về mặt pháp lý bởi quy định bắt buộc bổ sung i-ốt trong thực phẩm vẫn còn hiệu lực.

Đây chỉ là một ví dụ về sự mòn mỏi của doanh nghiệp khi chờ đợi thực thi các lời hứa, các cam kết sửa đổi quy định bất hợp lý, chưa phù hợp, thậm chí là gây rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các đợt ra soát của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành thời gian qua đã điểm danh hàng dài những quy định pháp luật chưa hoàn thiện, không phù hợp, buộc phải sửa đổi, nhưng chưa được thực hiện. Chưa kể việc thiết kế chính sách liên quan đến đầu tư, kinh doanh của nhiều bộ, ngành chưa hoàn toàn thoát khỏi tư duy nhà nước quản lý để chuyển sang nhà nước phục vụ.

Hệ quả là sự ngần ngừ, chần chừ trong thực thi các yêu cầu đổi mới, cải cách đang đẩy doanh nghiệp vào thế rủi ro, chi phí thực thi tăng. Thậm chí, cái giá những lời hứa để đấy là cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ, là sự phát triển không bình thường của nhiều doanh nghiệp và lớn hơn nữa, là sự thiếu an toàn, an tâm của môi trường kinh doanh.

Cũng phải nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa qua. Ông nói đến 6 động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019, trong đó quan trọng nhất là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là một số vướng mắc thể chế đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển.

Rõ ràng, không thể để kéo dài hơn những lời hứa suông.

Tin bài liên quan