Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê)

Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê)

GDP tăng thấp không phải do “vốn mồi” giải ngân chậm

(ĐTCK) Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp so với mục tiêu, theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và Vốn đầu tư (Tổng cục Thống kê), chỉ có một phần nguyên nhân là giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,73% - thấp so với mục tiêu đặt ra là 6,7%. Theo ông, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có phải là nguyên nhân chủ yếu?

Tôi cho rằng, kinh tế 6 tháng vẫn tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra chỉ có một phần nguyên nhân từ việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Bởi vốn đầu tư công gồm 3 hợp phần: đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ và đầu tư từ nguồn vốn tín dụng nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước so với kế hoạch đạt 38,7%, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016; nhưng tốc độ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và vốn tín dụng nhà nước đúng là quá chậm.

Đến thời điểm này, vốn trái phiếu chính phủ mới giải ngân được 7.400 tỷ đồng và vốn tín dụng nhà nước giải ngân đạt 24.200 tỷ đồng, so với tốc độ giải ngân cùng kỳ năm trước giảm tương ứng 53,2% và 8,7%.

Tuy nhiên, 2 nguồn vốn này không lớn so với vốn từ ngân sách nhà nước, nên tổng hợp lại, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay cũng tương đương cùng kỳ các năm trước.

Vì thế, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay thấp không phải do giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Nhiều chuyên gia kinh tế không nghĩ như vậy, thưa ông?

Vốn đầu tư công chỉ chiếm 29-30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ lệ này sẽ ngày càng giảm xuống, nên giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch chỉ tác động một phần không lớn làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Nếu vốn đầu tư công giải ngân chậm mà các nguồn vốn đầu tư khác như vốn từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác tăng, đặc biệt là vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (chiếm khoảng 47 - 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) tăng, thì sẽ bù đắp được lượng thiếu hụt do giải ngân đầu tư công chậm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, đặc biệt là trong quý II, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giải ngân được 375.900 tỷ đồng, tăng 77.000 tỷ đồng so với quý I và tăng đáng kể (34.200 tỷ đồng) so với cùng kỳ cùng kỳ năm 2016.

Đây là nhân tố quan trọng giúp GDP quý II tăng trưởng ngoạn mục với - tăng 6,17% trong khi quý I chỉ tăng 5,15%. Vì thế phải hiểu, ý của nhiều chuyên gia kinh tế muốn nói rằng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giải ngân chậm sẽ tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong đó vốn đầu tư công chỉ đóng góp một phần.

Nhưng vốn đầu tư công được coi là vốn mồi và chỉ khi Nhà nước đầu tư mới khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư, làm tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

Vốn đầu tư công chiếm 29-30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng vốn đầu tư công cần phải giải ngân trong 6 tháng cuối năm còn vào khoảng 300.000 tỷ đồng, nếu giải ngân được hết số tiền này sẽ thu hút thêm 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ thành phần kinh tế khác. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay.

Nói như vậy không có nghĩa là đầu tư công tăng, thì đầu tư từ nguồn khác tăng với tỷ lệ tương ứng 30 - 70, mà vốn đầu tư ngoài xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh, chính sách khuyến khích đầu tư, chi phí đầu tư…

Rất mừng là những yếu tố này ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã và đang vào cuộc thực sự.

Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư công bỏ ra đầu tư là 146.600 tỷ đồng, nhưng đã thu hút được tổng cộng 528.200 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, tức là vốn mồi bỏ ra khoảng 22 đồng thu hút được 78 đồng chứ không phải là 30-70.

Ngày 8/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2016. Theo ông, năm nay có cần thiết phải ban hành một văn bản chỉ đạo điều hành tương tự?

Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng năm nay không cần phải ban hành Nghị quyết của Chính phủ hay Quyết định của Thủ tướng để “đốc thúc” giải ngân vốn đầu tư công vì như vậy sẽ dẫn tới tiền lệ không tốt là các bộ, ngành, địa phương chờ văn bản đốc thúc của Trung ương mới chủ động đẩy nhanh vốn đầu tư công.

Năm nay, theo tôi, nếu thực hiện đầy đủ, quyết liệt các giải pháp được đặt ra trong Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực, thì đầu tư công có thể hoàn thành kế hoạch.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, Tổ công tác Chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực sẽ vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Từ nay đến cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra tại một số địa bàn, lĩnh vực trọng điểm nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư tư nhân; tổng hợp các kiến nghị về khó khăn, vướng mắc đề xuất hướng xử lý, tháo gỡ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Với sự vào cuộc quyết liệt của Tổ công tác và và các đoàn công tác kiểm tra tại một số địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tôi tin rằng, năm nay không chỉ hoàn thành yêu cầu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công, mà tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể đạt mức tương đương 34-35% GDP, cao hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 31,5% GDP. Đây là cơ sở quan trọng để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra.

Tin bài liên quan