Chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại quý III/2017 tăng 45,5% so với cùng kỳ năm trước

Chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại quý III/2017 tăng 45,5% so với cùng kỳ năm trước

GDP tăng cả về lượng và chất

(ĐTCK) GDP quý III/2017 đạt mức tăng kỷ lục 7,46% trong nhiều năm trở lại đây, nhờ sự tăng trưởng ngoạn mục của 3 trụ cột lớn trong nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, sự phục hồi và tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và kết quả ấn tượng của các ngành dịch vụ là những điểm sáng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 16,63%, đạt mức cao nhất kể từ năm 2011, với sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm từ kim loại...

Cụ thể, chỉ số sản xuất ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại quý III/2017 tăng 45,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng đầu năm tăng 25,1%, chủ yếu do Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất các mặt hàng điện tử giá trị cao. Ngành sản xuất kim loại 9 trong tháng đạt mức tăng 21,4%, trong đó có sự đóng góp của Tập đoàn Formosa mới đi vào sản xuất. Ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 14,2%...

GDP 9 tháng đầu năm 2017 tăng 6,41%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, đóng góp 2,45 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,25%, đóng góp 2,80 điểm phần trăm vào mức tăng chung.   

Bên cạnh đó, sự phục hồi và tăng tốc mạnh mẽ của ngành thủy sản là điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp, với việc chuyển một phần diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, mang lại giá trị cao hơn 1,5 lần.

Điểm nhấn thứ hai được ông Lâm chỉ ra là tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Riêng tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đầu năm đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.

Trụ cột lớn thứ ba được bà Phạm Quỳnh Lợi, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ nhấn mạnh là kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng năm 2017 ước tính đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu 2 tháng liên tiếp đạt kỷ lục về xuất khẩu; tháng 8 đạt 19,8 tỷ USD, tháng 9 đạt 19 tỷ USD.

“Tăng trưởng trong 9 tháng, đặc biệt là 2 quý trở lại đây không chỉ vượt về số lượng, mà đã có sự cải thiện trong chất lượng tăng trưởng so với năm trước, thể hiện ở sự gia tăng về giá trị và hiệu suất tăng trưởng. Một ví dụ cụ thể có thể thấy là các quý đầu năm nay, thực hiện vốn đầu tư phát triển chưa đạt kế hoạch đặt ra, song tốc độ tăng trưởng vẫn đạt và tăng kỷ lục so với các năm trước. Đó là sự cải thiện rõ ràng về chất lượng tăng trưởng, thị trường phát triển theo hướng dựa vào chiều sâu, chứ không quá phụ thuộc vào quy mô vốn đầu tư”, ông Lâm nói.

Theo Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu GDP cả năm tăng 6,7% thì quý IV phải đạt mức tăng khoảng 7,31%.

Quý III GDP tăng kỷ lục 7,46%, CPI bình quân 9 tháng chỉ tăng 3,79%

“Nhiều năm trở lại đây, chưa có năm nào kinh tế tăng trưởng đạt 7,31% vào quý cuối năm. Mặc dù vậy, trên nền tảng thuận lợi từ sự bứt phá của các ngành và GDP trong quý III như đã phân tích, tôi cho rằng, nếu giữ vững được đà tăng này của các ngành trụ cột thì quý IV sẽ đạt, thậm chí có thể vượt mức 7,31%”, ông Lâm dự báo, nhưng cũng khuyến nghị, cần quyết liệt quán triệt tinh thần chung của tất cả các bộ, ngành và địa phương là đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thiểu các thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê đưa ra các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng, tập trung vào tăng chất lượng điều hành, chủ động linh hoạt trong phối hợp chính sách tài chính, tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017; tiếp tục kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là nhập khẩu tiểu ngạch và các hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng nông sản. 

Tin bài liên quan