Năm 2020, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,8%, con số được cho là thận trọng và hợp lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn. Trong ảnh: Cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

Năm 2020, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,8%, con số được cho là thận trọng và hợp lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn. Trong ảnh: Cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn

GDP tăng 7,02%, nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao

Kinh tế Việt Nam đã hai năm liên tiếp kể từ năm 2011 đạt tốc độ tăng trưởng trên 7%. Liệu có phải nền kinh tế đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao?

Kinh tế tăng tốc, tiếp tục tăng trưởng trên 7%

“Ấn tượng”, “khởi sắc”, “quá tốt”… là những cụm từ đã được không ít chuyên gia kinh tế sử dụng để bình luận về kinh tế Việt Nam 2019. Đó là sự thật, bởi trái ngược với nỗi lo từ đầu năm, là nền kinh tế khó có thể đạt được ngưỡng tăng trưởng cao (6,8%) trong mục tiêu mà Quốc hội quyết nghị (6,6-6,8%), cuối cùng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 đã đạt tới 7,02%.

Con số này đã chính thức được Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tuần qua và chắc chắn, sẽ trở thành tâm điểm chú ý tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, diễn ra trong hôm nay (30/12) và ngày mai (31/12/2019) để bàn về các giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020. “Đây là kết quả ấn tượng, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Mức tăng trưởng GDP trên 7% trên thực tế đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến với một sự khẳng định “chắc chắn”, nên khi Tổng cục Thống kê công bố chính thức con số 7,02%, không còn nhiều người bị bất ngờ.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân đã thốt lên rằng: “Tăng trưởng được trên 7% là quá tốt. Nó cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế”. Với ông Ân, cái “quá tốt” ấy của nền kinh tế không chỉ là tăng trưởng kinh tế cao, mà còn là lạm phát thấp, các cân đối vĩ mô đều ổn định.

Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại, giá dầu diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và vấn đề địa chính trị đang làm gia tăng đáng kể tính bất ổn của hệ thống thương mại toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin kinh doanh, quyết định đầu tư và thương mại toàn cầu, cũng như thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế…

“Kết quả tăng trưởng này đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2019”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Phân tích kỹ hơn, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng, động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính - ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Số liệu thống kê cho thấy, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,9%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

Như vậy, công nghiệp và dịch vụ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng, tốc độ tăng trưởng đều cao hơn năm ngoái (năm ngoái, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, còn khu vực dịch vụ tăng 7,03%). Năm nay, ngành nông nghiệp gặp khó nên tốc độ tăng trưởng chỉ là 2,01%, trong khi năm ngoái, tốc độ tăng trưởng là 3,76%. Có lẽ vì vậy, tốc độ tăng trưởng của năm nay dù vẫn trên 7%, song không cao bằng con số 7,08% của năm ngoái.

Nền kinh tế đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao?

Hai năm liên tiếp, kể từ năm 2011, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng trên 7%. Điều này đang đặt ra kỳ vọng rằng, nền kinh tế bắt đầu quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao. Tuy nhiên, khá thận trọng, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, còn quá sớm để nói về điều này.

“Mới chỉ qua được ngưỡng 7%, nền kinh tế cần phải đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa và kéo dài trong nhiều năm. Như hiện tại thì mới gọi là chúng ta vừa vượt qua được giai đoạn khó khăn. Hiện tại, vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nói.

Các yếu tố rủi ro mà chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nhắc tới, đó là chuyện thiếu điện, những khó khăn trong thúc đẩy xuất khẩu… “Năm 2019, dù nền kinh tế xuất siêu gần 10 tỷ USD, nhưng dự báo năm tới có thể có xuất siêu, Quốc hội vẫn quyết nghị mục tiêu kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đó có nghĩa, yếu tố rủi ro, chưa bền vững vẫn còn”, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: “Chỉ nên nói là nền kinh tế mới đang trên đà phục hồi, tiến tới tốc độ tăng trưởng cao như trước”.

Còn ông Lê Đình Ân cho rằng, chưa thể nói đến câu chuyện “quỹ đạo”, bởi dù đúng là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực khó khăn, Việt Nam đã gồng mình lên để đạt được tốc độ tăng trưởng trên 7%, song mới chỉ 2 năm thì chưa đủ để khẳng định xu thế đi lên của nền kinh tế.

“Tính bền vững của tốc độ tăng trưởng cao này là chưa cao, yếu tố rủi ro vẫn còn. Kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, chịu tác động rất lớn của kinh tế toàn cầu, trong khi kinh tế thế giới 2020 ẩn chứa nhiều yếu tố bất định. Cần dè chừng điều này”, ông Lê Đình Ân nói và cho rằng, cần phân tích kỹ các động lực khiến tăng trưởng GDP năm 2019 đạt mức cao như vậy và trả lời câu hỏi liệu các động lực đó có bền vững không, có phát huy được hiệu quả trong năm tới hay không.

Chính ông Dương Mạnh Hùng, dưới góc độ của cơ quan thống kê, cũng bày tỏ lo ngại khi tốc độ tăng trưởng GDP trong quý IV/2019 đã chậm lại. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế tính theo quý lần lượt đạt 6,82%; 6,73%; 7,48% và 6,97%.

“Quý IV/2019, tăng trưởng thấp hơn là do những khó khăn trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong quý này, cả 3 ngành trụ cột đều tăng trưởng thấp hơn quý trước, trừ một số ngành như bán buôn, bán lẻ, vận tải…”, ông Dương Mạnh Hùng nói và cho rằng, thách thức hiện nay là công nghiệp chế biến, chế tạo đang có xu hướng đi xuống.

Thêm vào đó, theo ông Hùng, điều cần quan tâm là độ mở kinh tế Việt Nam rất cao, nếu kinh tế, thương mại thế giới tăng trưởng tốt, thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển, còn nếu không thì ngược lại.

Rủi ro, thách thức còn lớn, nên dù nền kinh tế đúng là đang trên đà phục hồi, song chưa thể nói là quỹ đạo tăng trưởng cao đã quay trở lại.

Kinh tế 2020 tăng trưởng dựa vào đâu?

Năm 2020, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,8%. Một con số được cho là thận trọng và hợp lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước khó khăn. Mục tiêu này được đưa ra vừa bảo đảm được sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, đây cũng là cách để Quốc hội “dành” dư địa để Chính phủ điều hành nền kinh tế theo hướng tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, thay vì tăng trưởng cao bằng mọi giá. Chính phủ đã ngày càng coi trọng hơn các yếu tố chất lượng, tính bền vững, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thêm vào đó, mặc dù đà hồi phục của nền kinh tế ngày càng rõ nét hơn, song để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra không phải là chuyện dễ dàng.

“Tôi cho rằng, năm tới, để thực hiện mục tiêu đề ra, Chính phủ vẫn phải tập trung vào cải cách. Đây chính là một động lực quan trọng. Bên cạnh đó, tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh và mạnh các công trình lớn, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, giúp đầu tư tư nhân mở rộng thêm nữa”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Ông Cung chính là người đã rất nhiều lần nhấn mạnh yếu tố “cải cách”. Theo ông Cung, nếu tập trung “cải cách” tốt, thì kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng tới 7,5-8%.

Có cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020, cần tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, liên quan đến các luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quy hoạch… Bên cạnh đó, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển.

“Dư địa và động lực phát triển chính là ở đây”, ông Trần Du Lịch nói.

Ở một khía cạnh khác, tại phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia vào cuối tuần qua, các thành viên của Hội đồng đã đề nghị Chính phủ nên nới lỏng kiểm soát chính sách tiền tệ, tài chính để tranh thủ thời cơ, thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Bên cạnh đó, trong năm 2020, Chính phủ cũng cần tiếp tục khơi thông thị trường vốn để tiếp tục giảm thiểu các rủi ro tín dụng, hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết, Hội đồng sẽ đề xuất lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có 3 trọng tâm đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. “Đặc biệt, năm 2020 cần là năm cơ cấu lại ý thức công vụ trong phối hợp công tác và phục vụ doanh nghiệp”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Các giải pháp cụ thể hơn cho kinh tế 2020 chắc chắn sẽ được thảo luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các địa phương. Sau Hội nghị, như thường lệ, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết số 01 và 02 về các giải pháp điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2020, cũng như các giải pháp về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây sẽ là những nền tảng cơ bản để kinh tế 2020 đạt mục tiêu đề ra.

Tin bài liên quan