Hàng trăm tổ chức đầu tư trong và ngoài nước đã tham dự hội nghị Gateway to Vietnam để mổ xẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Hàng trăm tổ chức đầu tư trong và ngoài nước đã tham dự hội nghị Gateway to Vietnam để mổ xẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Gateway to Vietnam: “Đau đớn” sau tăng trưởng cao là tất yếu

(ĐTCK-online) Các NĐT trong và ngoài nước mang tâm lý bi quan về TTCK, về nền kinh tế lúc này có lý do để lạc quan hơn sau khi tham dự Hội nghị Gateway to Vietnam với chủ đề "Khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) - động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam", do CTCK Sài Gòn (SSI) chủ trì tổ chức sáng 11/11 tại TP. HCM.

Với kinh nghiệm lâu năm về thị trường mới nổi và về Việt Nam, các diễn giả tham gia Hội nghị đã chia sẻ một cái nhìn sâu sắc khi đánh giá về sự bất ổn của nền kinh tế trước mắt, nhưng bình tĩnh và lạc quan khi nhìn về Việt Nam trong trung và dài hạn.

Ông Thomas W. Tobin, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam phát biểu: "Chúng tôi lo về lạm phát và tỷ giá, nhưng lạc quan dài hạn về nền kinh tế. Điều này đặc biệt đúng với khu vực KTTN Việt Nam. Thách thức trước mắt là lòng tin vào VND của người dân và Chính phủ còn nhiều việc phải làm để tránh tình trạng đô la hóa, nhưng chúng tôi cho rằng, không có lý do gì để phá giá quá mức VND".

Theo phân tích của ông Thomas W. Tobin, mặc dù lãi suất vay vốn tăng lên, làm chi phí vốn của DN cao hơn, nhưng các DN tư nhân sẽ chấp nhận và vượt qua được, bởi tăng trưởng của DN tư nhân là 25 - 30%.

Với con mắt khách quan, ông David Skilling, Viện trưởng Viện Nghiên cứu toàn cầu Mckinsey tại Đông Nam Á xem xét 12 chỉ số kinh tế của Việt Nam và dự báo, nhiều khả năng có thách thức trong ngắn hạn, khi phần lớn các chỉ số đều màu vàng, riêng tăng trưởng tín dụng và bong bong tài sản đánh giá mức độ báo động là màu đỏ. Dự trữ ngoại tệ giảm chỉ còn 7 tuần nhập khẩu là chỉ tiêu cần ổn định hơn. Cần xem xét nâng cao năng suất lao động thêm 50% trong các lĩnh vực bằng cách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng suất nội ngành. "Xem xét các chỉ số này thì NĐT nước ngoài đến Việt Nam ngắn hạn không ổn, phải đầu tư vào trung và dài hạn", ông David Skilling nói.

Mặc dù thừa nhận kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tốt trong 20 năm qua và tiềm năng tăng trưởng còn lớn, nhưng ông David Skilling cũng cảnh báo, nhìn sang Hàn Quốc và Philippines sẽ thấy bài học tăng trưởng kinh tế không quá dễ. Những năm 70 của thế kỷ trước, thế giới không tính điểm cao cho Hàn Quốc vì tiết kiệm thấp, lao động không có kỹ năng cao, nhưng cuối cùng Hàn Quốc đã phát triển rất nhanh, còn Philippines lại không "bốc" lên được so với tiềm năng có được khi đó.

Là NĐT giàu kinh nghiệm về thị trường đang phát triển và mang quan điểm đầu tư dài hạn, ông Jose Isodro N. (Lito) Camacho, Phó chủ tịch Credit Suisse châu Á - Thái Bình Dương kiêm Giám điều hành Credit Suisse Singapore bình luận, dù có khó khăn trước mắt, nhưngViệt Nam đã mạnh hơn nhiều so với thời điểm năm 2000, khi có Luật DN. Các nước đang phát triển ở khu vực Đông Âu, Mỹ La-tinh và châu Á đều trải qua chu trình dài để điều chỉnh kinh tế cho thích hợp. Việt Nam đã tăng trưởng nhanh 8%/năm trong giai đoạn 2003 - 2007, là thành tựu đáng kể với bất cứ quốc gia nào.

"Nếu NĐT nào vào Việt Nam khi thị trường đang phát triển năm 2007 hoặc chỉ biết đến Việt Nam qua báo chí sẽ thấy sợ hãi, còn những người biết đến Việt Nam lâu hơn sẽ hiểu rằng, những đau đớn trong quá trình tăng trưởng là tất nhiên, cần thời gian để khắc phục. Bản thân chúng tôi tin tưởng đầu tư dài hạn ở Việt Nam như chúng tôi đã thành công ở các thị trường đang phát triển khác", ông Jose Isodro N. (Lito) Camacho nói.

Đồng thời, ông nhấn mạnh, độ lớn tiềm năng của kinh tế Việt Nam được đánh giá ở chính khu vực KTTN. Những năm tăng trưởng kinh tế cao cũng là những năm mà khu vực KTTN phát triển mạnh mẽ. “Dù DN nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo, nhưng nếu không có khu vực KTTN phát triển mạnh mẽ thì không có nền kinh tăng trưởng cao và đồng đều. Những ngân hàng đầu tư lớn có cam kết với Việt Nam cần làm việc không ngơi nghỉ để thu hút NĐT tới Việt Nam và "Credit Suisse đang đi đầu trong hoạt động này", ông Jose Isodro N. (Lito) Camacho khẳng định.

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Trung ương, hết năm 2010 cả nước có khoảng 540.000 DN, trừ đi 1.200 DN nhà nước và 500 - 600 DN nước ngoài, còn lại là DN tư nhân. Vốn đăng ký trung bình của một DN đã tăng từ 900 triệu đồng năm 2000 lên 9 tỷ đồng hiện nay. Mục tiêu từ nay đến năm 2015, Việt Nam sẽ có 1,2 triệu DN, trong đó khu vực KTTN có vai trò quan trọng, chỉ còn 500 - 600 DN có vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công ích, độc quyền nhà nước.

Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI, bà Lê Lệ Hằng, đưa ra số liệu tổng kết: khu vực tư nhân thu hút 77% lực lượng lao động. Năm 2008, với 1 tỷ đồng vốn, khu vực tư nhân có thể làm ra 1,18 tỷ đồng, trong khi DN nhà nước tạo ra 0,8 tỷ đồng và DN có vốn đầu tư nước ngoài làm ra 0,89 tỷ đồng.

Dù còn nhiều hạn chế về công nghệ, trình độ quản lý, quy mô sản xuất, nguồn nhân lực…, nhưng khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ.