Từ nay đến 2015, EVN phải thoái khoảng 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành

Từ nay đến 2015, EVN phải thoái khoảng 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành

EVN chạy đua thoái vốn ngoài ngành

(ĐTCK) Là một trong những ông lớn trong số các tập đoàn nhà nước có lượng vốn đầu tư ngoài ngành lớn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nằm trong danh sách “nóng” các tập đoàn phải triển khai thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 theo Đề án tái cơ cấu DNNN đã được Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, theo số liệu gần nhất của Ban Quản lý vốn đầu tư của EVN, ngành điện sẽ phải thực hiện thoái vốn với giá trị tổng cộng khoảng 2.000 tỷ đồng trên tổng số vốn 143.000 tỷ đồng vốn đã được đầu tư trải rộng trên nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán thời gian qua. Điều đó cũng có nghĩa là trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2015, EVN sẽ phải thực hiện thoái vốn và giảm vốn tại 7 CTCP trên hầu hết các lĩnh vực này.

Con số này trên thực tế cũng đã được nhắc đến trong Báo cáo thanh tra Chính phủ trước đó về tình hình đầu tư của EVN trong các lĩnh vực. Theo đó, tính đến đầu năm 2014, công ty mẹ EVN có tổng vốn đầu tư ra ngoài ngành xấp xỉ 121.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết, đầu tư mua trái phiếu và cho các đơn vị thành viên vay vốn, trong khi vốn điều lệ chỉ gần 77.000 tỷ đồng.

Trong số này, 2.000 tỷ đồng được EVN tập trung đầu tư vào các ngành tuy được coi là có lợi nhuận cao song cũng kèm theo rủi ro rất lớn là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Cụ thể, tỷ lệ đầu tư của EVN vào các công ty khác bao gồm bao gồm 40% vốn của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực; hơn 29% của CTCP Chứng khoán An Bình, hơn 24% của Ngân hàng TMCP An Bình; 22,5% của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu.

Lý giải cho việc đầu tư ngoài ngành quá lớn, thậm chí là vượt cả số vốn điều lệ theo đánh giá của báo cáo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo EVN cho biết, đó là do trước đây theo điều lệ quy định của Tập đoàn, EVN được phép hoạt động đa ngành đa nghề, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo toàn kinh doanh và thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, EVN đã lên phương án thoái vốn và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện để đảm bảo hoàn thành mục tiêu thoái vốn ngoài ngành đến năm 2015. 

Để triển khai mục tiêu này, ông Cao Đạt Khoa, Trưởng ban Quản lý vốn đầu tư EVN cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay EVN đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong quá trình thoái vốn tại 3 lĩnh vực bất động sản, tài chính và ngân hàng, vốn được xem là lĩnh vực nhạy cảm và khó thoái vốn nhất.

Cụ thể, theo báo cáo mới đây về tình hình đầu tư, sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 của EVN, Tập đoàn đã hoàn thành cơ bản công tác thoái vốn ở các DN bất động sản, giảm vốn ở các tổ chức tài chính. Theo đó, EVN đã thoái toàn bộ vốn tại CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) và CTCP Bất động sản Điện lực miền Trung (Land miền Trung) theo đúng phê duyệt của Bộ Công Thương với hình thức đấu giá công khai với giá trị cổ phiếu bằng hoặc cao hơn mệnh giá.

Tập đoàn cũng đã hoàn thành việc chuyển nhượng 1 triệu cổ phần của EVN tại CTCP Bảo hiểm Toàn cầu cho Công ty International ERGO, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20% vốn điều lệ của CTCP.

Đồng thời, EVN cũng thực hiện xong việc chuyển nhượng 25,2 triệu cổ phần tại Ngân hàng TMCP An Bình cho CTCP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco), giảm tỷ lệ sở hữu của EVN từ 21,27% xuống còn 16,02% vốn điều lệ của Ngân hàng An Bình. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, EVN chỉ còn lại vốn là phần lợi nhuận được chia bằng cổ phiếu, tiền mặt tại Ngân hàng An Bình và sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn khi Chính phủ có nghị quyết về vấn đề này.

Cũng theo ông Khoa, trong 6 tháng đầu năm nay, EVN đã thực hiện xong việc thoái toàn bộ vốn tại CTCP Đầu tư xây dựng Điện lực Việt Nam với số lượng 500.000 cổ phần, đảm bảo công khai, minh bạch và thu hồi vốn có hiệu quả ở mức cao nhất có thể tại thời điểm chuyển nhượng. Đến nay, các thủ tục thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần cho EVN đã hoàn thành.

Đối với số vốn tại CTCP Chứng khoán An Bình, EVN đang thực hiện các thủ tục thoái toàn bộ vốn theo phương án đấu giá công khai toàn bộ 11,4 triệu cổ phần theo phê duyệt của Bộ Công Thương. Còn tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), EVN đã có công văn báo cáo và nhận được sự chấp thuận của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội về phê duyệt phương án giảm vốn của EVN tại EVNFinance từ 40% vốn điều lệ xuống còn 15% vốn điều lệ.

Những động thái trên có thể coi là những bước chạy khá nhanh của EVN trong việc thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành kể từ đầu năm ngoái tới nay, vốn là thời điểm EVN gặp rất nhiều khó khăn trong kế hoạch thoái vốn. Lãnh đạo EVN cho biết, Tập đoàn sẽ nỗ lực duy trì tiến độ trên và coi đây là mục tiêu trọng tâm trong các tháng cuối năm để có thể thực hiện được mục tiêu hoàn thành toàn bộ việc thoái vốn ngoài ngành trong năm 2015.

Tin bài liên quan