Hai tháng đầu năm 2009, số vốn FDI đăng ký bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2008

Hai tháng đầu năm 2009, số vốn FDI đăng ký bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2008

Đứt mạch… thông tin

(ĐTCK) Trên trang thông tin chính thức của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số liệu liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 2 tháng đầu năm 2009 được công bố là 67 dự án được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,513 tỷ USD; 10 lượt dự án được điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 3,815 tỷ USD. Như vậy, tính gộp, 5,328 tỷ USD vốn là con số của 2 tháng đầu năm 2009, bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2008.

Sẽ không có gì đáng nói, ngay cả mức sụt giảm so với cùng kỳ của nguồn vốn FDI, nếu như không nhìn vào nguồn dữ liệu của con số này. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vào thời điểm tổng hợp số liệu thống kê theo quy định (ngày 20 hàng tháng), chỉ có 7 báo cáo từ 7 địa phương trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gửi về. Có nghĩa là trên thực tế, con số trên 5,3 tỷ USD vốn đăng ký trong hai tháng đầu năm chỉ thuộc về TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Trong khi đó, những thông tin trên báo chí cho thấy, cùng thời điểm này, không ít dự án FDI được cấp phép trên cả nước. Có thể nhắc tới Công ty Hữu hạn quốc tế Effinville (thành viên của Tập đoàn Khoa học và kỹ thuật Foxconn - Đài Loan), với dự án 200 triệu USD đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 18/2/2009. Chỉ tính thêm một dự án này thôi, tổng số vốn FDI đã thay đổi.

Cũng cần nhắc lại rằng, những bất cập trong phối hợp trong lĩnh vực quản lý FDI không phải bây giờ mới nổi cộm. Vào đợt rà soát các dự án FDI trên cả nước hồi cuối năm ngoái, Cục Đầu tư nước ngoài đã phát hiện ra một số lượng không nhỏ dự án đã được địa phương cấp phép, song lại không có trong danh sách tổng hợp được báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong số những dự án này, có những dự án quy mô vài trăm triệu USD, có nhu cầu sử dụng đất lớn. Vào thời điểm đó, nhiều người đã đặt dấu hỏi về một cuộc đua dành giật những đại dự án giữa các địa phương. Và đương nhiên chất lượng, tính khả thi của các dự án này vẫn nằm trong vòng nghi ngờ không dễ giải toả.

Thực ra, mấu chốt không nằm ở bản thân số vốn đăng ký, số lượng dự án ít hay nhiều. Các chuyên gia về FDI đang thực sự đau đầu với công tác phối hợp thu thập số liệu, cũng như thông tin về tình hình FDI tại các địa phương. Cơ chế phân cấp đã giao phần lớn quyền và trách nhiệm liên quan đến quản lý đầu tư nước ngoài tại các địa phương cho UBND tỉnh, ban quản lý dự án, trong khi lại thiếu cơ chế phối hợp, báo cáo thông tin giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Khoảng trống này khiến bức tranh chung về FDI thời gian qua khá lỗ chỗ với những nhận định không thực sự đầy đủ dữ liệu. Rõ ràng, hệ lụy của nó là những khó khăn lớn trong đề xuất cũng như quyết định chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước và của cả Thủ tướng Chính phủ trong điều hành cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả của dòng vốn quan trọng này.

Hơn thế, những kế hoạch tiếp theo liên quan đến xây dựng các chương trình thu hút FDI, lựa chọn các lĩnh vực, địa điểm xúc tiến, kêu gọi đầu tư của cả nước cũng như của mỗi địa phương sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ do thiếu thông tin và thiếu phối hợp. Nguy cơ dàn trải lại xuất hiện từ những dấu hiệu bất ổn này.

Mới đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 901/BKH-ĐTNN ngày 16/2/2009 gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị các địa phương rà soát, nêu rõ các dự án FDI gặp khó khăn và các vướng mắc cụ thể. Theo kế hoạch, trên cơ sở thu thập dữ liệu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với các bộ, ngành, địa phương, hoặc các dự án cụ thể để có biện pháp hỗ trợ hữu hiệu, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giải ngân FDI năm 2009.

Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đang gặp phải cản trở lớn do lấn cấn trong phối hợp giữa các đơn vị liên quan. Nếu như tình trạng trên không được giải toả, mục tiêu tăng hiệu quả nguồn vốn FDI sẽ là áp lực không dễ gánh cho cả các cơ quan Trung ương và địa phương…