Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tạo kết nối quan trọng tới đặc khu Vân Đồn. Ảnh: Đức Thanh

Dự án Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tạo kết nối quan trọng tới đặc khu Vân Đồn. Ảnh: Đức Thanh

Đường băng đã sẵn sàng cho các đặc khu

Dù phải tới kỳ họp sau, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cũng như Đề án Thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu) mới chính thức được thông qua, song sự đồng thuận rất lớn từ các đại biểu Quốc hội trong các vấn đề này đang mở ra cơ hội chưa từng có cho việc hình thành và phát triển các đặc khu ở Việt Nam.

Chấp nhận những thử nghiệm đột phá

Có một sự thống nhất rất lớn từ các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chiều 22/11 tại Quốc hội, khi tất cả đều đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, cũng như hình thành 3 đặc khu là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Đồng thời, các đại biểu đồng tình với các nội dung đổi mới, đột phá về thể chế hành chính và chính sách vượt trội được áp dụng tại các đặc khu để từ đó tạo động lực và cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, có tính lan tỏa trong khu vực và cả nước, cũng như đưa đặc khu trở thành phòng thí nghiệm về thể chế.

Tất nhiên, vẫn còn những quan điểm khác nhau, nhất là liên quan đến 2 phương án tổ chức chính quyền đặc khu. Song nếu đặt lên bàn cân, đa số đại biểu vẫn nghiêng về phương án tổ chức chính quyền đặc khu theo hướng không có HĐND, UBND, thay vào đó là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Sự ủng hộ lớn đến nỗi, chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo Luật giải trình trước Quốc hội đã không ngớt lời bày tỏ sự cảm ơn đối với sự ủng hộ này, cũng như cảm ơn các ý kiến phát biểu, góp ý hết sức tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu, để từ đó có thể hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp sau.

“Mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất, khó nhất và được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất về tính phù hợp với Hiến pháp và tính đột phá, đổi mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đề xuất 2 phương án xây dựng mô hình chính quyền đặc khu và khẳng định cả 2 phương án đều phù hợp với Hiến pháp, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ ưu tiên lựa chọn phương án xây dựng thiết chế Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Có tới 4 lý do được Bộ trưởng dẫn giải vì sao Chính phủ lại lựa chọn như vậy.

Vẫn phù hợp với Hiến pháp là một chuyện, chuyện khác là xây dựng mô hình chính quyền như phương án này sẽ tạo được sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời đổi mới cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, tổ chức chính quyền theo phương án này sẽ bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, nhanh nhạy, hiệu lực, hiệu quả; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

“Đây cũng chính là sự thử nghiệm đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Trên thực tế, phát biểu tại Hội trường, đông đảo ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng đã khẳng định điều này. Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) khẳng định, mô hình này gọn nhẹ, nhưng được phân cấp, phân quyền mạnh, đảm bảo tính tự chủ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt phát triển kinh tế một cách toàn diện, mạnh mẽ.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), từ kinh nghiệm của TP.HCM trong xây dựng chính quyền đô thị, trong đó có thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả các quận, huyện, phường trong thời gian qua để khẳng định, phương án thiết chế Trưởng đơn vị là có tính khả thi và mang tính đột phá.   

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chính là một trong những vấn đề quan trọng nhất, khó nhất và được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều nhất.   

Mặc dù cho rằng, Chính phủ đã có một sự thận trọng cần thiết và đầy trách nhiệm khi đề xuất 2 phương án, song bà Tâm vẫn quyết định lựa chọn phương án 1. “Tôi cũng đồng tình với việc tạo thể chế, cơ chế đột phá vượt trội cho các đơn vị này, thậm chí còn cần phải thoáng hơn, vượt trội hơn nữa”, bà Tâm nói.

Nhiều đại biểu đã đồng tình với những quan điểm này. Phải khẳng định rằng, sự đồng tình đó đã mở ra một cơ hội chưa từng có cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các đặc khu, đưa các đặc khu này trở thành cực tăng trưởng mới của nền kinh tế và là sự thể nghiệm các mô hình chính quyền mới, vượt trội.

Sẵn sàng cho sự hình thành các đặc khu

Một câu hỏi được đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đặt ra là, lấy nguồn lực ở đâu để đầu tư các đặc khu và liệu có thành công hay không? Thực ra, đó là câu hỏi chung của toàn xã hội hiện nay khi kế hoạch phát triển các đặc khu đang được ráo riết đặt trên đường băng để cất cánh.

Câu trả lời cũng đã được chính vị đại biểu này nhấn mạnh trên nghị trường Quốc hội. Đó là phải có thể chế, cơ chế đặc biệt nhằm thu hút đầu tư, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế.

“Để trả lời được câu hỏi đó, trước hết Quốc hội phải cho 3 khu hành chính - kinh tế đặc biệt trên một cơ chế đặc biệt, cơ chế vượt trội để gỡ bỏ những rào cản về thể chế, để giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu hành chính - kinh tế đặc biệt thì sẽ thu hút được nguồn lực xã hội, nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài”, đại biểu Phạm Hồng Phong nói.

Chấp nhận thể chế khác biệt, các cơ chế, chính sách vượt trội đã được đề xuất trong Dự thảo luật được xem là cách tốt nhất để tạo nguồn lực và nền tảng cho việc xây dựng và phát triển các đặc khu.

“Rất nhiều nhà đầu tư đã tới Quảng Ninh và họ cần luật để có cơ sở pháp lý, tạo niềm tin, từ đó đầu tư vào Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn”, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nói và viện dẫn rằng, với 5 năm chuẩn bị, đến nay, Quảng Ninh đã sẵn sàng với đặc khu Vân Đồn.

Ngay cả khi chưa có cơ chế, chính sách, Quảng Ninh đã chủ động tự huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối. Chẳng hạn, đường cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hà Nội - Hải Phòng, Vân Đồn - Móng Cái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, bến cảng và nhiều dự án giao thông kết nối, với tổng số vốn đầu tư 55.000 tỷ đồng.

Quảng Ninh cũng chủ động xúc tiến đầu tư và đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư, tìm hiểu, ký kết ghi nhớ. “Khi chính sách được ban hành, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chính thức được thành lập, thì sẽ có hàng chục ngàn tỷ đồng nữa đầu tư vào Quảng Ninh.

Chúng tôi đã có nhà đầu tư chiến lược, như Sun Group, sẵn sàng đầu tư nhiều dự án quy mô tại Quảng Ninh”, đại biểu Đỗ Thị Lan nói.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) khẳng định: “Chúng tôi đã có tư thế chuẩn bị sẵn sàng thực hiện các bước, lấy ý kiến đồng thuận trong xã hội và cơ bản đã sẵn sàng thực hiện những bước kế tiếp”.

Còn đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) thì cho biết đã “chờ đợi quá lâu”, nên kỳ họp này cho ý kiến và kỳ họp tới (giữa năm 2018) nên xem xét thông qua Dự luật.

Đó chính là nền tảng pháp lý quan trọng cho sự hình thành và phát triển của các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tin bài liên quan