Đưa nền kinh tế bứt phá đi lên

Đưa nền kinh tế bứt phá đi lên

(ĐTCK) 5 trọng tâm nhằm tạo động lực đưa nền kinh tế bứt phá về đích đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành. 

Nắm bắt thời cơ mới

Theo đánh giá của người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư, năm 2018 Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế. Với ngành kế hoạch và đầu tư, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7,08% là điểm sáng khích lệ nhất.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, yếu tố thận trọng và chắc chắn, không quá lạc quan là rất cần thiết đối với mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, trong năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành không được chủ quan trong thực hiện các giải pháp đã đề ra.

“Với mức tăng trưởng GDP 7,08% trong năm 2018, gần như chắc chắn chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% cho cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. So với quốc tế và khu vực, đây là mức tăng rất tích cực. Tuy nhiên, nhiệm vụ hết sức nặng nề là phải duy trì được đà tăng trưởng cao này để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn, nhất là mục tiêu của tầm nhìn 2035”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tăng trưởng GDP 7,08% là kết quả toàn diện của tất cả các ngành, lĩnh vực. Sự toàn diện này thể hiện ở sự gia tăng chất lượng trong tái cơ cấu cả cung lẫn cầu của nền kinh tế. Về phía cung, đó là sự tăng trưởng đều của cả 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), trong đó đáng chú ý là nông nghiệp.

Trong khi đó, xét về phía cầu, xuất khẩu tăng mạnh với mức xuất siêu hàng hóa 7,2 tỷ USD, nếu tính cả dịch vụ thì xuất siêu 3,5 tỷ USD, đầu tư tăng cao hơn năm ngoái (chiếm 33,5% GDP), tiêu dùng tăng đều trong năm, luôn ở mức hai con số với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trên 11%.

Ngoài ra, về các thành tố đóng góp, yếu tố lao động cũng tăng hơn năm ngoái khoảng 500.000 người; yếu tố vốn cũng được cải thiện rõ rệt về chất lượng và hiệu suất.

Bộ trưởng cho rằng, đang xuất hiện những cơ hội mới mà nếu Việt Nam thực sự nắm bắt được sẽ tạo ra động lực đưa nền kinh tế bứt phá trong năm 2019.

Đó là vận hội mở ra từ việc triển khai thực thi các hiệp định thương mại song phương, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP (có hiệu lực từ đầu năm nay) và EVFTA đang hoàn tất. Bên cạnh đó là các động lực từ quá trình cải cách nội tại trong nước từ những nỗ lực quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo hệ sinh thái tươi mới cho phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy khởi nghiệp…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại cần sớm được giải quyết. Chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh tuy đã có cải thiện, nhưng chưa đạt yêu cầu.

Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao, mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp.

Tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0” còn chưa được khắc phục. Bên cạnh đó, trước nhiều dự báo về diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới 2019, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến rủi ro từ bên ngoài do độ mở lớn của nền kinh tế đã lớn hơn.

“Các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 ở mức khiêm tốn, thậm chí chậm lại. Do vậy, mặc dù kết quả 2018 là rất tích cực, nhưng chúng ta không nên chủ quan, phải luôn sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng với quan điểm năm 2019 là năm bứt phá đề về đích thành công của kế hoạch 5 năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Tạo động lực mới cho nền kinh tế

6 mục tiêu trọng tâm của nền kinh tế - xã hội trong năm 2019 được Bộ trưởng chỉ rõ, bao gồm hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân; xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; nâng cao hiệu quả kinh tế trong đô thị hóa và phát triển lãnh thổ; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội; xây dựng thể chế hiện đại và nhà nước hiệu quả.

Theo đó, để thực hiện được mục tiêu này, cần tập trung vào một số bứt phá trọng tâm, gồm bứt phá về lực lượng sản xuất, tăng tốc đột phá tiến trình tái cơ cấu lại nền kinh tế với đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế…

Cụ thể hóa những mục tiêu, giải pháp trọng yếu này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh, với tư cách là cơ quan là cơ quan tham mưu, nhạc trưởng dẫn dắt định hướng ban hành các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược; nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đầu tư kinh doanh; cụ thể hóa các giải pháp nhằm tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để hoàn thiện công tác xây dựng thể chế tạo thuận lợi cho phát triển của các thành phần kinh tế, Bộ sẽ chuẩn bị tốt các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua, như Luật Đầu tư công sửa đổi;  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư… cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, Bộ sẽ đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số đề án quan trọng, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy cho tăng trưởng toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, bao gồm Nghị quyết của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia; Đề án phân vùng để tổ chức lập quy hoạch vùng;

Đề cương Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; giải pháp phát triển nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam;

Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030... 

“Liên quan đến các giải pháp tạo động lực cho phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đẩy nhanh việc bổ sung các chính sách quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình, gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020-2030; đồng thời xây dựng hoàn thiện kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân và Đề án hình thành và phát triển liên đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam; đưa ra các giải pháp hoàn thiện khung pháp lý về cấp vốn cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực...” Thứ trưởng Trung nhấn mạnh. 

Năm 2019, chính sách thương mại toàn cầu sẽ có tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần lưu ý theo dõi, đôn đốc và điều chỉnh các dự báo trong nước và quốc tế để tham mưu cho Chính phủ trong công tác điều hành và chỉ đạo các bộ, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp. 

Để tạo nền tảng cho tăng trưởng bứt phá trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các bộ ngành liên quan tập trung củng cố vĩ mô, duy trì động lực tăng trưởng; củng cố khối kinh tế tư nhân để thành động lực quan trọng, đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thị trường một cách thực chất; thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết; thu hút FDI chuyển từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào công nghệ cao, gắn kết với sản xuất trong nước; đẩy mạnh vai trò của kinh tế tập thể…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Tin bài liên quan