Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020: Liệt kê cụ thể nhiều đầu việc

Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến rộng rãi.
Dự thảo Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020: Liệt kê cụ thể nhiều đầu việc

Công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ

Nếu Việt Nam đạt được mục tiêu tăng 5-7 bậc trên Bảng Xếp hạng Môi trường kinh doanh (EoDB) của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm tới như Dự thảo Nghị quyết 02 đặt ra, nghĩa là đứng vào vị trí khoảng 65-63, thì có thể mục tiêu vào Top 4 của ASEAN trong EoDB mới đạt được.

Hiện tại, Việt Nam đứng sau Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 12), Thái Lan (thứ 21) và Brunei (thứ 66). Các nền kinh tế đang ở phía sau Việt Nam là Indonesia (thứ 73), Philippines (thứ 95), Campuchia (thứ 144), Lào (thứ 154), Myanmar (thứ 165) và Đông Timo (thứ 181).

Tuy nhiên, phân tích về điều này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), một trong những người trực tiếp chắp bút cho Dự thảo cho rằng, đó là đặt trong bối cảnh các nền kinh tế khác... đứng yên.

“Thực tế, sẽ không có ai đứng đợi chúng ta cả. Nên mục tiêu bước lên 5-7 nước sẽ không đơn giản là từ thứ hạng 70 của hiện tại. Năm ngoái, điểm số của Việt Nam tăng, nhưng tụt 1 bậc do các nền kinh tế khác đi nhanh hơn. Đây là điều chúng tôi đã xác định rất rõ khi đề xuất các giải pháp đi kèm”, bà Thảo nói.

Đây là lý do Dự thảo Nghị quyết 02 lần đầu tiên yêu cầu các bộ, ngành phải công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hóa và phải thực hiện ngay trong quý I/2020.

Tới thời điểm hiện tại, theo công bố của nhiều bộ, ngành, kết quả cắt giảm vượt khá xa tỷ lệ mà Chính phủ yêu cầu, là ít nhất 50%. Tuy nhiên, trong nhiều báo cáo gửi Chính phủ về thực hiện công việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nhấn mạnh những lo ngại về tính thực chất chưa cao.

Thậm chí, bà Thảo còn phát hiện, trong lĩnh vực kiểm định an toàn lao động, trước đây chỉ phải xin cấp phép tại một đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nay phải xin phép tại 10 bộ quản lý chuyên ngành, với cùng một nội dung công việc...

“Các bộ, ngành còn không thừa nhận kết quả đào tạo của nhau, dẫn đến việc để thỏa mãn các điều kiện của ngành nào, doanh nghiệp phải đi học để được bộ quản lý ngành đó cấp chứng chỉ, dù đó là thẩm định về một sản phẩm là cầu trục hay thang máy... Không so sánh trên tổng thể, sẽ không nhìn thấy các phát sinh này”, bà Thảo cho biết.

Sẽ có nhiều nhiệm vụ mới, cụ thể

Trong Dự thảo Nghị quyết 02, khá nhiều đầu việc cụ thể được liệt kê. Ví dụ, Bộ Tài chính được giao sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài, trong đó, bãi bỏ thủ tục khai lệ phí môn bài, chuyển yêu cầu nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/1 của năm kế tiếp; giám sát việc thực thi quy định về tự in, mua hóa đơn đảm bảo đúng thời hạn 2 ngày theo quy định...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp, nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường.

Các bộ Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện đầy đủ Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; giám sát và tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan...

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích...

Tuy nhiên, các phần việc chưa hoàn thành của Nghị quyết 02/2019/NQ-CP vẫn sẽ được tiếp tục giám sát. Ngay trong Dự thảo Nghị quyết 02, nội dung này đã được ghi rõ.

“Khi nhận nhiệm vụ dự thảo Nghị quyết 02, chúng tôi xác định rõ đây là nghị quyết đặc biệt, vì việc thực hiện thành công Nghị quyết này không phải theo đánh giá của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, mà phụ thuộc vào đánh giá của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Sẽ không có sự nể nang trong việc đánh giá từ các doanh nghiệp”, bà Thảo nói.

Tin bài liên quan