Dự án tăng trưởng xanh có thể nhận được 49% vốn từ VCF

Dự án tăng trưởng xanh có thể nhận được 49% vốn từ VCF

Những dự án liên quan tới nông nghiệp, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng có cơ hội nhận được 49% tổng mức đầu tư của dự án từ Quỹ Thách thức doanh nghiệp Việt Nam (VCF) do Bộ Phát triển quốc tế Vương Quốc Anh (DFID) tài trợ. Ông Javier Ayala, Giám đốc điều hành VCF cho biết, Quỹ được thiết kế nhằm hỗ trợ các dự án liên quan tới nông nghiệp, tăng trưởng xanh và cơ sở hạ tầng.

Theo đó, những dự án nông nghiệp phải chứng minh rõ khả năng tạo giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp qua phương thức sản xuất, công nghệ thân thiện với môi trường.

Ở lĩnh vực tăng trưởng xanh, dự án phải nêu bật khả năng giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện kinh tế của cộng đồng có thu nhập thấp thông qua chuyển đổi chất phế thải thành năng lượng.

Trong khi đó, việc cung cấp các giải pháp về nhà ở, nước sạch và dịch vụ vệ sinh, cơ sở hạ tầng nông thôn (cầu cống, hệ thống thủy lợi...), giúp người thu nhập thấp tiếp cận dịch vụ thông tin, tài chính là yêu cầu với dự án chuyên về cơ sở hạ tầng, dịch vụ cơ bản.

Tại Việt Nam, từ năm 2009 (khi VCF bắt đầu hoạt động) đến nay, 8 dự án đã chính thức được DFID tài trợ không hoàn lại 2,5 triệu USD để thực hiện, thông qua VCF.

Sáng nay (14/2), VCF tổ chức Hội thảo “Đánh giá hiệu quả của các ý tưởng kinh doanh do Quỹ VCF tài trợ” nhằm tìm ra các dự án có khả năng nhận được tài trợ từ Quỹ.

Gần đây nhất, Dự án “Xây dựng hệ thống nhân giống và phát triển lúa Japonica hàng hóa phục vụ nội tiêu và xuất khẩu khu vực Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc” hoạt động với mô hình tổ chức sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị lúa gạo Japonica, với chủ thể chính là Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) đã nhận được hỗ trợ.

Với tổng vốn đầu tư gần 35 tỷ đồng (thực hiện từ năm 2014 đến 2017), Dự án đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ gần 12 tỷ đồng từ VCF trong 2 năm đầu.

Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinaseed cho biết, Dự án Xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo Japonica với mô hình mới là thu hút người nông dân thu nhập thấp ở 10 tỉnh Đồng bằng sồng Hồng và trung du miền núi phía Bắc tham gia kinh doanh cùng doanh nghiệp để nâng cao thu nhập.

Theo đó, Dự án sẽ thành lập 20 tổ hợp tác sản xuất lúa giống, với tổng quy mô: 200 ha, sản lượng 1.000 tấn (2014 - 2015) và đến năm 2018, sản xuất 500 ha giống, sản lượng 2.500 tấn giống với quy trình kỹ thuật sản xuất an toàn, chất lượng cao, công nghệ và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững SRI.

Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra 600 việc làm trực tiếp, thu hút sự tham gia trên 1 triệu nông dân (chủ yếu là người thu nhập thấp, trong đó 70% là nữ).

Tuy nhiên, trước khi nhận được nguồn vốn từ VCF, các doanh nghiệp phải đề xuất các ý tưởng sáng tạo theo các tiêu chí của từng lĩnh vực.

Đứng trên góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Chè Hùng Cường (Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) cho biết, Công ty đã phải cạnh tranh, với hơn 200 đơn vị khác trên khắp lãnh thổ Việt nam, trước khi ý tưởng chè hữu cơ lọt vào danh sách rút gọn gồm 21 ý tưởng thuyết phục nhất và được VCF hỗ trợ xây dựng thành đề án.

Sau khi xây dựng xong, đề án được một nhóm chuyên gia độc lập của VCF xét duyệt lần cuối, trước khi Quỹ này chính thức ký hợp đồng tài trợ.

Tuy nhiên, phần tài trợ 40% tổng giá trị dự án từ Quỹ (trị giá 215.000 USD) cũng chỉ được giải ngân dần dần, qua từng mốc thời gian thực hiện dự án.

“Mặc dù vậy, những doanh nghiệp nhận được vốn từ VCF sẽ có những tác động tích cực trong việc sản xuất sản phẩm sạch hơn, mang lại giá trị thặng dư cao hơn so với sản phẩm thông thường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân và quan trọng là bảo vệ được môi trường”, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty Chè Hùng Cường khẳng định.

Với những ưu thế về sản phẩm, ông Khoa cho biết, trong 2 năm 2012-2013, Công ty đã sản xuất được trên 2.000 tấn chè và hầu hết lượng chè này được xuất khẩu đem lại doanh thu trên 2 triệu USD.

Mặc dù đặt ra khá nhiều yêu cầu khắt khe, nhưng VCF cũng là khởi nguồn giúp một số doanh nghiệp biến ý tưởng thành hiện thực.

Công ty Thương mại Quảng Trị là một ví dụ. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết, năm 2010, Công ty sản xuất tinh bột sắn thải ra lượng rác thải khoảng 4.000 tấn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Từ thực tế này, ông Hiếu đã lên ý tưởng biến rác thải thành phân bón vi sinh, nhưng ông không thể vay vốn ngân hàng, do đây là vấn đề chưa có trong tiền lệ. Đối chiếu với những tiêu chí của VCF, ông đã tiếp cận và được vay gần 2 tỷ đồng để xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh.

Đây là phân vi sinh được sản xuất từ phế thải của sản phẩm nông nghiệp thải ra trong quá trình chế biến tinh bột sắn của nhà máy, gồm: 60% vỏ lụa của củ sắn, 20% phân bò, 10% than bùn kết hợp tỷ lệ đạm, lân, kali giúp tận dụng 100% phế thải của quá trình chế biến sắn củ tươi của nhà máy.

Với việc phân bón vi sinh hiệu Sêpôn của nhà máy sản xuất đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp phép lưu hành sử dụng, phân vi sinh của nhà máy đã cung cấp ra thị trường Huế, Gia Lai và Đắc Lắc.

Tin bài liên quan