Ban lãnh đạo Traphaco, với nòng cốt là các đảng viên đã đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp dược lớn nhất cả nước.

Ban lãnh đạo Traphaco, với nòng cốt là các đảng viên đã đưa Công ty trở thành một trong những doanh nghiệp dược lớn nhất cả nước.

Đổi mới hoạt động Đảng trong các công ty cổ phần: Bản lĩnh người tiên phong

(ĐTCK) Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được triển khai mạnh mẽ hàng chục năm qua. Sau chuyển đổi, hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước có lãi, nhiều doanh nghiệp có quy mô tăng trưởng gấp cả chục lần, nhiều thương hiệu đã vươn tầm quốc tế. Đóng góp trong những thành công này, có vai trò lớn của các tổ chức Đảng tại doanh nghiệp. 

Bài 1: Bản lĩnh người tiên phong  

Song, trong bối cảnh kinh doanh mới, hoạt động của các tổ chức Đảng (hoạt động Đảng) trong nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước thấp hoặc Nhà nước đã thoái hết vốn nảy sinh nhiều thách thức, lúng túng, chệch choạc. Thực trạng này đòi hỏi mỗi đảng viên cũng như các tổ chức Đảng phải liên tục đổi mới, chủ động, để giữ vai trò trong môi trường doanh nghiệp đang thay đổi như vũ bão.

Chiếc áo doanh nghiệp nhà nước thường đem lại cảm giác an yên với những người lâu nay quen sống trong môi trường ít biến động, vì thế, khi bước chân vào môi trường hoàn toàn mới mẻ sau cổ phần hóa, không khỏi xuất hiện những dao động và thách thức.

Song với bản lĩnh, ý chí, tính gương mẫu và đặc biệt là niềm tin vào chủ trương lớn của Đảng, nhiều tổ chức Đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã cùng tập thể tạo ra những bước ngoặt chiến lược, viết tiếp câu chuyện thành công của doanh nghiệp. Đây là những kinh nghiệm được đánh giá cần nhân rộng và lan tỏa.

Đổi mới hoạt động Đảng trong các công ty cổ phần: Bản lĩnh người tiên phong ảnh 1

Ý chí Ðảng tại Traphaco

Công ty cổ phần Traphaco, một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 300 nhân viên và vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng tiến hành cổ phần hóa vào năm 1999.

Đây là doanh nghiệp đầu tiên của ngành giao thông vận tải, cũng là doanh nghiệp đầu tiên của ngành dược thực hiện cổ phần hóa, trước khi hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước được đẩy lên cao trào sau đó vài năm, khi Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khóa IX ban hành Nghị quyết về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước vào tháng 8/2001.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Traphaco, người đã gắn bó với doanh nghiệp hàng chục năm, nhớ như in những ngày ấy.

“Lúc đó, nào ai đã hiểu cổ phần hóa nghĩa là gì. Ai dám tự tin rằng thoát khỏi bầu sữa mẹ là sẽ trưởng thành, sẽ sống tốt? Giả sử chuyển đổi mà không đứng vững được thì hàng trăm nhân viên Traphaco sẽ sống sao”, bà Thuận nhắc lại thời điểm năm 1999.

Chi bộ Traphaco khi ấy có 10 người, đều là cán bộ chủ chốt, sau những cuộc họp kéo dài, với niềm tin lớn vào chủ trương đổi mới của Đảng đã có sự quyết tâm rất cao.

Cuộc họp chi bộ đầu tiên quyết định Traphaco triển khai cổ phần hóa diễn ra vào tháng 6/1999 thì chỉ 3 tháng sau, đơn xin cổ phần hóa đã được nộp lên Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ có quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa.

Ngày 15/11/1999, Traphaco tiến hành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đầu tiên, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Để có được sự đồng thuận lớn như vậy, mỗi đảng viên đã phải thực hiện công tác dân vận với rất nhiều buổi tranh luận sôi nổi về cổ phần, cổ phiếu, cách thức hoạt động, cách thức làm việc mới, Điều lệ Công ty, quyền của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc…

Cả Công ty hừng hực khí thế mới với niềm tin mãnh liệt rằng khi được làm chủ, có thể phát huy nội lực, cuộc sống của mỗi người chắc chắn tốt đẹp hơn.

Quá trình chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp đòi hỏi tính chủ động, xông xáo của các đảng viên theo đúng tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Ban lãnh đạo mới của Traphaco với nòng cốt là các đảng viên đã bàn bạc, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp khác biệt, độc đáo, đưa Traphaco từ một doanh nghiệp dược phục vụ ngành thành một trong những doanh nghiệp dược lớn nhất cả nước, làm sống lại nhiều cây thuốc quý của dân gian, nhiều bài thuốc hay của y học dân tộc, tạo ra các sản phẩm Đông dược nổi tiếng của Việt Nam.  

Thay đổi, thích ứng với cái mới đã trở thành nét văn hóa của doanh nghiệp. Bà Thuận kể, sau cổ phần hóa, cả chi bộ và ban lãnh đạo Traphaco phải tham gia lớp học về quản lý kinh tế và ngoại ngữ tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ 7 – 8 giờ tối hàng ngày trong suốt ba, bốn tháng liền.

Nắm vững lý thuyết, rồi học thêm từ thực tiễn, các đảng viên, cán bộ lãnh đạo của Traphaco luôn đủ bản lĩnh và sự nhạy bén để chèo lái Công ty vượt qua mọi sóng gió. Cuộc chuyển mình lớn nhất của Traphaco đã thành công.

Đảng bộ Traphaco hiện đã phát triển lên 145 người, từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa đến nay vẫn giữ vai trò lãnh đạo toàn diện tại doanh nghiệp. Trong cơ cấu sở hữu của Công ty, nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm xấp xỉ 49% cổ phần, song hoạt động của tổ chức Đảng luôn được họ ủng hộ tuyệt đối và tôn trọng.

Xuyên suốt quá trình hoạt động, Đảng bộ Traphaco đã phát động nhiều chương trình triển khai trong thực tế, không sáo rỗng, mang tính hình thức.

Đơn cử, mỗi năm, Đảng bộ Traphaco đều phát động một chương trình thi đua hướng đến thực hiện “Thông điệp năm” như một nét văn hóa tiêu biểu trong hoạt động thường niên của doanh nghiệp. Năm 2018, mùa giải thứ 8 đang diễn ra với thông điệp “Hiện thực hóa các mục tiêu theo chiến lược”.

Dù hiện nay nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới 60% cổ phần tại Vinamilk, Nhà nước chỉ còn nắm gần 36%, nhưng Đảng bộ Vinamilk vẫn duy trì hoạt động vững mạnh.    

Trước đó, năm 2017 được lựa chọn là năm “Hiệu quả công việc” nhằm tập trung vào các mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh thông qua nâng cao hiệu quả công việc của từng bộ phận, cá nhân trong toàn Công ty.

Gần 300 chương trình do người lao động Traphaco trên khắp cả nước đặt ra, với mục tiêu và giải pháp triển khai cụ thể, được đăng ký từ tháng 2. Sau khi được ban lãnh đạo Công ty phê duyệt, 261 chương trình đã được triển khai và cuối tháng 11, đúng vào dịp kỷ niệm thành lập Công ty là thời điểm đánh giá kết quả.

Các chương trình đã phát huy hiệu quả rất tốt, nâng cao tính tuân thủ quy trình, tự giác trong công việc của người lao động. Cùng với nhiều hoạt động khác, Đảng bộ Traphaco đã được trao danh hiệu “Top 100 Đảng bộ tiêu biểu” của cả nước, liên tục nhiều năm giữ danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh. 

Những doanh nghiệp “vừa hồng, vừa chuyên”

Còn rất nhiều câu chuyện như ở Traphaco cần được tham khảo, nhân rộng, khi tỷ lệ vốn nhà nước chỉ còn thấp hoặc Nhà nước đã thoái toàn bộ vốn nhưng hoạt động Đảng vẫn được coi trọng và đóng vai trò quan trọng trong thành công của doanh nghiệp. Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong số đó.

Đổi mới hoạt động Đảng trong các công ty cổ phần: Bản lĩnh người tiên phong ảnh 2

Nhờ liên tục được "làm mới", doanh thu, lợi nhuận, tài sản của Vinamilk đã cao gấp 10 - 14 so với khi cổ phần hóa. 

Vinamilk tiến hành cổ phần hóa vào năm 2003 và ghi dấu ấn bằng việc cùng 4 doanh nghiệp nhà nước khác đấu giá cổ phần tập trung, giúp Nhà nước thu vượt dự kiến 450 tỷ đồng, trở thành một động lực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam sau này.

Bà Mai Kiều Liên, từng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, hiện đảm nhận vị trí Bí thư Đảng bộ kiêm Tổng giám đốc Công ty quan niệm, việc đưa doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, có đóng góp cho cộng đồng, cho đất nước là thực hiện tốt nhiệm vụ của đảng viên. Bà Liên và các đảng viên là cán bộ lãnh đạo của Vinamilk liên tục có những đổi mới tư duy, đột phá trong chính sách mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Lê Thành Liêm, Đảng ủy viên Giám đốc Tài chính Vinamilk kể, đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và khá quyết liệt giữa các đảng viên về chiến lược M&A của Vinamilk, nhất là những thương vụ mua doanh nghiệp ở nước ngoài.

Tuy nhiên, cuối cùng tất cả đều thống nhất nhận thức, Vinamilk sẽ đầu tư để giành được vị trí tại các thị trường sữa phát triển nhất, nơi sẽ học được những xu hướng người tiêu dùng và sản phẩm mới nhất. Doanh thu và lợi nhuận đến từ M&A sẽ đóng góp đáng kể trong cơ cấu nguồn thu của doanh nghiệp.

Hiện thực hóa chiến lược này, Công ty đã chi 10 triệu USD để sở hữu 100% Driftwood (Mỹ), đầu tư vào Miraka Limited tại New Zealand, chi 21 triệu USD mua Angkormilk (Campuchia)… Khi thực hiện M&A quốc tế, Vinamilk đặt yêu cầu quy mô tối thiểu đạt doanh số 25 triệu USD trong 5 năm, chỉ tiêu lý tưởng là 50 - 100 triệu USD mỗi năm cho sự vận hành.

Nhờ liên tục được “làm mới”, doanh thu, lợi nhuận, tài sản của Vinamilk hiện nay đã cao gấp 10 - 14 lần so với khi cổ phần hóa.

Dù nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu tới 60% cổ phần, Nhà nước chỉ còn nắm gần 36% tại doanh nghiệp, Đảng bộ Vinamilk vẫn duy trì hoạt động vững mạnh, chèo lái con tàu Vinamilk đi tới những mục tiêu lớn như doanh thu đến năm 2021 đạt 80.000 tỷ đồng; trở thành công ty sữa tạo ra giá trị nhiều nhất tại Đông Nam Á.

Trong bước ngoặt đột phá của nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được người trong cuộc chia sẻ, đều đọng lại vai trò quan trọng của các tổ chức Đảng trong lòng doanh nghiệp.    

Hoạt động Đảng hiệu quả, công tác phát triển đảng viên mới ở Vinamilk do vậy cũng rất thuận lợi. Từ hơn 100 đảng viên sau cổ phần hóa, hiện Đảng bộ Vinamilk đã phát triển lên hơn 500 đảng viên.

Thực tế, cho thấy, bản lĩnh và tài năng của nhiều đảng viên trên mặt trận kinh tế đã xoay chuyển nghịch cảnh ở nhiều doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.

Vicostone, doanh nghiệp được Forbes bình chọn trong Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam, từng đứng bên bờ vực phá sản vào năm 2005. Thời điểm đó, Đảng viên Hồ Xuân Năng, một trong những tiến sỹ trẻ nhất tại Đại học Bách khoa Hà Nội, được Tổng công ty Vinaconex (công ty mẹ của Vicostone) điều về như niềm hy vọng cuối cùng khi Công ty đã thay hai giám đốc.

Ông Năng đã bẻ hướng, thay đổi hoàn toàn chiến lược sản phẩm, thị trường của Vicostone, từ sản xuất hàng tiêu thụ trong nước sang làm hàng cao cấp, xuất khẩu toàn bộ.       

Với doanh thu mỗi năm hơn 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, Vicostone hiện lọt vào Top 4 thế giới ngành đá nhân tạo gốc thạch anh, đưa thương hiệu đá ốp lát Việt Nam vang danh trên toàn cầu, làm mưa làm gió ở các thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu.

Điểm đặc biệt ở doanh nghiệp này cũng như con người đảng viên Hồ Xuân Năng, theo nhận xét của Giáo sư Trần Vĩnh Diệu (Đại học Bách khoa Hà Nội) là ngay từ đầu đã nhận ra giá trị của R&D (nghiên cứu và phát triển), đầu tư mạnh cho nó và coi đó là vấn đề sống còn.

Vicostone không chỉ làm chủ hoàn toàn công nghệ mua từ Ý, mà còn tự nghiên cứu, phát triển, liên tục tung ra nhiều bộ sưu tập sản phẩm của riêng mình được đánh giá cao tại các triển lãm quốc tế và thu về “quả ngọt” là doanh số tăng vọt

Đảng bộ Vicostone hiện phát triển lên hơn 100 đảng viên, luôn được đánh giá là tổ chức Đảng vững mạnh. Đội ngũ cán bộ quản lý chủ chốt của doanh nghiệp đa phần thuộc thế hệ 8x đều là đảng viên.

Tài thao lược của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG Nguyễn Văn Thời đã giúp doanh nghiệp bỏ lại quá khứ u ám, thua lỗ triền miên kể từ sau cổ phần hóa gần 15 năm trước.

TNG hiện là một trong các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, sở hữu 4 nhà máy tại Thái Nguyên với gần 15.000 lao động. Trong Top 20 “ông lớn” ngành dệt may thế giới, có nhiều khách hàng của TNG như Decathlon, The Children’ Place, Zara, Levi’s...

Đảng bộ TNG hiện có hơn 200 đảng viên, tham gia lãnh đạo toàn diện hoạt động doanh nghiệp, dù trong cơ cấu sở hữu của TNG hiện không còn vốn nhà nước và có sự tham gia lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Đảng ủy và Hội đồng quản trị TNG thường xuyên ban hành các nghị quyết liên tịch, định hướng hoạt động và các chiến lược quan trọng của doanh nghiệp.

Một trong những nét nổi trội trong chỉ đạo của Đảng bộ TNG, theo nhận xét của ông Vũ Đức Giang, nguyên Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dệt may Việt Nam, là thúc đẩy việc triển khai áp dụng các hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại để đạt được khả năng minh bạch tuyệt đối, kiểm soát chặt chẽ chi phí và định mức giá thành.

Nhờ vậy, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng cao, được các đối tác quốc tế ưu tiên trong đàm phán hợp đồng.

Việc rèn giũa, tôi luyện đảng viên là vô cùng hữu ích cho thế hệ trẻ về lý tưởng, tính gương mẫu, ý thức trong công việc.

Hai con trai của ông Thời hiện đang làm việc ở TNG, tuổi còn rất trẻ, được đào tạo bài bản từ nước ngoài cũng luôn có ý thức phấn đấu và hiện đều đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đây chính là đội ngũ kế cận “vừa hồng, vừa chuyên” theo kỳ vọng của ông và doanh nghiệp.

Trong bước ngoặt đột phá của nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước được người trong cuộc chia sẻ, đều đọng lại vai trò quan trọng của các tổ chức Đảng trong lòng doanh nghiệp.

Đó chính là nguồn gene trội, những hạt giống quý giá, cần phải gìn giữ và tiếp tục vun dưỡng, bồi đắp, lan tỏa ở những doanh nghiệp nhà nước đã và đang đứng trước những cuộc chuyển mình.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan