Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

“Đổi mới 2”: Đầu bài cho giai đoạn phát triển mới

(ĐTCK) Việt Nam cần có “Đổi mới 2” với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới, hội nhập và song hành cùng nền kinh tế toàn cầu.

Với kết quả chung của kinh tế 8 tháng đầu năm khả quan, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Việt Nam có khả năng sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đã được Quốc hội giao trong năm nay là 6,8%. Bộ trưởng cũng chia sẻ rằng, với tinh thần bàn tiến, không bàn lùi, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành để năm nay phải hoàn thành và hoàn thành vượt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao.

8 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP được hỗ trợ tích cực bởi sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá; xuất siêu tăng mạnh, đạt 3,4 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và cầu nội địa tiếp tục tăng...

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, nền kinh tế vẫn còn không ít điểm hạn chế, yếu kém. Cụ thể, ngành nông nghiệp gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái; giá một số sản phẩm công nghiệp quan trọng giảm (dầu thô giảm 6,9%, xe máy giảm 8,3%, đường kính giảm 16,2%…); giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa có nhiều cải thiện.

Một khó khăn khác, theo người phát ngôn của Chính phủ là tình hình sản xuất - kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 8 tháng qua, số doanh nghiệp giải thể tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 90%.

Trong bối cảnh trên, điểm đáng chú ý tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 là Thủ tướng nêu ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế cho rằng, công cuộc Đổi mới nền kinh tế bắt đầu từ năm 1986 đã đưa đến những thành công vang dội trong hơn 30 năm qua, nhưng các động lực cho nền kinh tế hiện đã tới giới hạn.

Công cuộc này được gọi ngắn gọn là “Đổi mới 1”. Bước tiếp theo, Việt Nam cần có “Đổi mới 2” với những cải cách thể chế, chính sách kinh tế mạnh mẽ để tạo ra động lực phát triển mới, hội nhập và song hành cùng nền kinh tế toàn cầu.

Nêu đề bài “Đổi mới 2”, người đứng đầu Chính phủ gợi mở nhiều định hướng mang tầm chiến lược đang chờ các cấp, các ngành sáng tạo, tích cực, năng động, bám sát thực tiễn, đưa ra và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh đổi mới, nâng cấp thể chế kinh tế để tăng sức cạnh tranh, thu hút các nguồn lực từ công nghệ, trình độ quản trị hiện đại đến vốn đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao với quy mô đủ lớn để phát triển vượt lên.

Tập trung cao độ cho rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ hội nhập, cạnh tranh và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Vừa ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải đưa ra các giải pháp tạo thêm dư địa cho điều hành, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh nhiều nước đang áp dụng các gói kích thích kinh tế...

Quyết tâm đã được nêu lên và định hướng cũng đã thấy rõ. Tuy nhiên, việc chi tiết hóa lời giải cho bài toán “Đổi mới 2” trong bối cảnh nền kinh tế không còn nhiều dư địa cho tăng trưởng “thô” sẽ phải trông chờ vào sức bật của các không gian tăng trưởng mới, tăng trưởng về chất.

Công cuộc “Đổi mới 2” thiên về đổi mới tư duy quản lý, điều hành, xây dựng và thực thi cơ chế, đổi mới từ sức sáng tạo, vượt qua mọi giới hạn của chính mình, nhất là khối tiên phong trong phát triển kinh tế là các doanh nghiệp, doanh nhân...

Tin bài liên quan