Tàu ngầm Trường Sa 1 chạy thử nghiệm trên vùng biển Thái Bình vào năm 2013. Ảnh: NVCC

Tàu ngầm Trường Sa 1 chạy thử nghiệm trên vùng biển Thái Bình vào năm 2013. Ảnh: NVCC

Doanh nhân Thái Bình chi hơn 10 tỷ đóng tàu ngầm Trường Sa 2

Sau tàu ngầm Trường Sa 1 và Hoàng Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa đang chế tạo tàu Trường Sa 2 với chi phí hơn 10 tỷ đồng.

Những ngày này, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa (58 tuổi, quê Thái Bình) đang miệt mài chế tạo tàu ngầm Trường Sa 2. Đây là thế hệ tàu ngầm mini thứ hai do chính tay ông Hoà thiết kế. 

Doanh nhân này vốn là một nhà chế tạo máy nổi tiếng phía Bắc, và vào năm 2013 sau nhiều ngày tháng làm việc, ông đã hạ thủy tàu ngầm đầu tiên mang tên Trường Sa 1 với công nghệ AIP (hệ thống tuần hoàn khí độc lập) được nhiều nhà khoa học trong nước đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo ông Hoà, đó mới chỉ là bản thử nghiệm, còn nhiều lỗi cần khắc phục bởi môi trường biển khác môi trường trong hồ, trên sông.

Đến năm 2015, phiên bản tàu ngầm mini cải tiến mang tên Hoàng Sa ra đời với nhiều tính năng và công nghệ vượt trội, có thể chạy ngầm, lặn sâu và nổi lên mặt biển nhịp nhàng.

Công nhân thi công một thiết bị của tàu ngầm Trường Sa 2. Ảnh: Giang Chinh.

"Chi phí đóng hai chiếc tàu ngầm mini đầu tiên hơn chục tỷ đồng, nhiều người xót cho tôi vì đó là đồng tiền mà tôi đã lao động khó nhọc, tích luỹ trong nhiều năm", ông Hòa chia sẻ.

Nhiều khó khăn đã xảy ra trong quá trình ông Hoà chế tạo hai chiếc tàu ngầm trên, tưởng chừng như ông sẽ dừng lại, nhưng niềm đam mê vẫn "cháy" trong ông khi doanh nhân này quyết chế tạo bằng được "mẫu tàu ngầm thế hệ thứ hai đúng nghĩa chứ không chỉ là bản cải tiến".

Sau 3 năm "thai nghén", được sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học, kỹ sư trong và ngoài nước, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa đã khởi động đóng mới tàu ngầm Trường Sa 2 vào tháng 5/2018. 

Ông Hòa cho hay, tàu ngầm Trường Sa 2 sẽ khắc phục các lỗi của 2 tàu ngầm mini trước đây.

"Trường Sa 2 được xem như phiên bản thu nhỏ của tàu ngầm kilo 636, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật khắt khe nhất của một tàu ngầm mini với hệ thống điều khiển điện tử tự động gần như hoàn toàn", ông nói.

Theo thiết kế, Trường Sa 2 dài 9 m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu 1,8 m, sức chứa tối đa 6 thủy thủ đoàn. Tàu có vận tốc 35 km mỗi giờ, lặn sâu 250 m và tầm hoạt động 3.000 km.

Doanh nhân Thái Bình chi hơn 10 tỷ đóng tàu ngầm Trường Sa 2 ảnh 2

 Tàu ngầm phiên bản cải tiến Hoàng Sa chạy thử nghiệm năm 2015. Ảnh: NVCC.

Theo chủ nhân của tàu ngầm, hiện chưa thể công bố tiến độ đóng Trường Sa 2.

Tuy nhiên, phần vỏ tàu được chia ra làm nhiều hạng mục, các kỹ sư và công nhân đang hoàn thiện từng bộ phận, sau đó sẽ ráp nối với nhau; động cơ cùng một số trang thiết bị quan trọng nhập từ nước ngoài và sẽ được hiệu chỉnh cho phù hợp với tính năng của tàu...

“Trường Sa 2 là mẫu tàu ngầm mini có thiết kế, cấu hình cơ bản. Sau khi hoàn thành, tàu sẽ tùy thuộc vào mục đích sử dụng của khách hàng để thêm các tính năng cần thiết”, ông Hòa nói và cho biết chi phí để hoàn thiện con tàu này khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Tin bài liên quan