Theo nghiên cứu của Nielsen, 77% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn để mua được các sản phẩm xanh, sạch

Theo nghiên cứu của Nielsen, 77% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn để mua được các sản phẩm xanh, sạch

Doanh nghiệp Việt cần đón đầu cơ hội tăng trưởng xanh

(ĐTCK) Người tiêu dùng đang sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các thương hiệu, sản phẩm xanh và đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp tận dụng khai thác, nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Chia sẻ tại hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” được tổ chức mới đây, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc cho biết, hiện nay, người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều hơn tới xu hướng tiêu dùng xanh. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được nhu cầu này để có chiến lược phát triển sản phẩm đúng đắn và tận dụng các cơ hội mà tăng trưởng xanh mang lại để nâng cao hiệu quả kinh doanh, gia tăng lợi nhuận.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Nielsen, sức khỏe và sự thân thiện với môi trường đang đứng vị trí hàng đầu trong 6 yếu tố được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay. Điều này khẳng định xu hướng thực tế là người tiêu dùng ngày càng hướng tới các sản phẩm xanh và sạch hơn khi chất lượng cuộc sống được cải thiện. Do đó, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có xu hướng đạt mức tăng trưởng lớn hơn so với các thương hiệu chưa có cam kết này. Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng trung bình cao hơn so với trung bình toàn thị trường (4%) từ 2,5-11,4%.

“Điều này giải thích tại sao nhiều doanh nghiệp có cam kết tăng trưởng xanh đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với những doanh nghiệp khác. Chẳng hạn, các thương hiệu có cam kết tăng trưởng xanh của Unilever tăng trưởng nhanh hơn tổng thể hoạt động kinh doanh của Unilever toàn cầu 30% trong năm 2015…”, bà Hà cho biết.

Cũng theo số liệu nghiên cứu của Nielsen, người tiêu dùng đang sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có cam kết mang lại những tác động tích cực đến môi trường và sức khỏe con người. Cụ thể, có tới 4/5 người tiêu dùng Việt Nam (tương đương với 77% người tiêu dùng trên toàn thị trường) quan tâm đến mức độ xanh, sạch của sản phẩm và sẵn sàng chi trả cao hơn để mua được các sản phẩm này.

“Hiện tổng doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh tại thị trường Việt Nam ước đạt khoảng 9,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn trong thị trường hàng tiêu dùng. Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp phát triển mạnh các sản phẩm xanh, sạch và lựa chọn chiến lược phát triển thương hiệu bền vững gắn liền với tăng trưởng xanh”, bà Hà nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho rằng, “chất lượng xanh” có thể coi là một “vũ khí mềm”, chiến lược đang được rất nhiều doanh nghiệp lớn áp dụng để tăng khả năng cạnh tranh, tạo sự khác biệt tốt hơn và chiếm thị phần lớn hơn. Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã thành công từ chiến lược này như: Mac Donald với triết lý GoGreen sử dụng túi giấy thay túi nylon; Coca Cola sử dụng nguyên liệu lá cây thay đường để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…

Tại Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp đang đi theo chiến lược này và đạt được những kết quả khả quan như: chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động cam kết chuyên cung cấp thực phẩm xanh và sạch; nhãn hiệu Cam Kỳ Yến (Cam Vinh) của CTCP Trang trại nông sản Phủ Quỳ không sử dụng chất bảo quản; CTCP Bóng đèn Điện Quang với mục tiêu phát triển bóng đèn tiết kiệm điện, thân thiện môi trường; trong lĩnh vực bất động sản, Ecopark thu hút sự quan tâm của khách hàng và nhà đầu tư với các dự án bất động sản xanh thân thiện với môi trường...

“Nếu nhìn ở góc độ này, với sự kết nối chặt chẽ giữa người tiêu dùng với bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh doanh bền vững, phát triển thương hiệu xanh đã mang lại kết quả tích cực cho các doanh nghiệp”, ông Trường nói.

Mặt tích cực của tăng trưởng xanh là rõ ràng, nhưng theo nhiều chuyên gia, một vấn đề được đặt ra là để có thể áp dụng chiến lược phát triển xanh, doanh nghiệp phải đầu tư nhiều công sức và chi phí để xây dựng hệ thống sản xuất đạt quy chuẩn, còn người tiêu dùng cũng phải chi trả nhiều hơn để mua được các sản phẩm xanh. Điều này có phần mâu thuẫn với xu thế giảm chi phí và tăng chất lượng sản phẩm được nhiều doanh nghiệp lựa chọn áp dụng hiện nay.

Bên cạnh đó, việc làm sao để có được quy trình thẩm định và xác nhận thương hiệu, sản phẩm xanh một cách minh bạch, chuẩn xác cũng là câu hỏi lớn. Điều này đòi hỏi phải có được một đơn vị độc lập đủ năng lực, cơ sở vật chất và đặc biệt là “có tâm” để chứng thực thương hiệu và chất lượng “xanh” của doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng được niềm tin của thị trường và người tiêu dùng.

“Đây là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đòi hỏi phải có được lời giải hợp lý, hài hòa. Khi đó, doanh nghiệp mới yên tâm lựa chọn chiến lược này và bỏ vốn đầu tư”, đại diện CTCP Eurowindow nhấn mạnh. 

Tin bài liên quan