Trạm thu phí giao thông (Ảnh minh họa)

Trạm thu phí giao thông (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp vận tải đang phải “oằn mình” vì phí BOT

Một số dự án BOT đã cho thấy sự bất hợp lý và người dân đang phải “oằn mình” hứng chịu sự bất hợp lý này.
Nhiều dự án BOT như: Xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu, cầu Yên Lệnh, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… đã rút ngắn thời gian đi lại, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí khấu hao phương tiện, thay đổi cơ bản bộ mặt giao thông ở nước ta. Tuy nhiên, gần đây có một số dự án BOT đã cho thấy sự bất hợp lý và người dân đang phải “oằn mình” hứng chịu sự bất hợp lý này.

Theo lộ trình phương án tài chính xây dựng đường, từ 1/4, mức phí trên quốc lộ 5 tăng lên 50%; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng khoảng 25% so với trước.

Đến thời điểm hiện nay, nước ta có 71 dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT, với số tiền lên tới vài trăm nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn của những dự án này chủ yếu vay từ các ngân hàng thương mại và đang phải trả phần lãi vay cho các ngân hàng thương mại qua phí đường bộ BOT. Điều đáng nói là trong lúc kinh tế còn khó khăn thì hiện nay người dân phải trả phí cho việc đi lại là quá cao, bất hợp lý ngay từ thuế khi mua một chiếc xe nay lại đến lượt phí BOT.

Khi phí tăng kéo theo cước vận tải tăng và đương nhiên giá cả các loại hàng hóa đều tăng. Ông Nguyễn Tuấn Anh, doanh nghiệp vận tải Đức Anh ở Hải Phòng cho biết: Một năm doanh nghiệp này phải nộp khoảng 17 triệu phí bảo trì đường bộ, cộng với phí đã được tính trên một lít xăng dầu, nay đi đến đâu lại phải trả phí BOT, nên doanh nghiệp vận tải hiện chỉ làm cầm chừng, đủ tiền trả lãi ngân hàng và nuôi lái xe. So với cách đây 5 năm, hiện giá cước tăng gấp đôi, tất cả các chí phí tăng rất nhiều ảnh hưởng cước vận tải, người dân phải chịu. Người làm vận tải thì phải có lãi, chỉ có lãi ít hay lãi nhiều.  

Từ 1/4, mức phí trên quốc lộ 5 tăng lên 50%; cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng khoảng 25% so với trước. Lý do được chủ đầu tư đưa ra là tăng theo lộ trình phương án tài chính xây dựng đường. Việc điều chỉnh tăng phí là theo quy định tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính.

Ông Ngô Đức Giang, Giám đốc Công ty vận tải Giang Nhi ở Gia Lâm, Hà Nội cho biết: Việc tăng giá phí quốc lộ 5 như một cú đánh mạnh vào các doanh nghiệp vận tải trong thời điểm hiện nay. Cạnh tranh trong vận tải hiện rất phức tạp, có quá nhiều phí qua các trạm BOT nên giá cước vận tải đương nhiên tăng và giá cả hàng hóa sẽ tăng theo. Doanh nghiệp mong điểu chỉnh thu phí đường bộ cho hợp lý nhất để hài hòa, chứ phí tăng thì cước sẽ rất cao.

Trước tình hình trên, Hiệp hội vận tải Việt Nam có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Cụ thể, đề nghị xem xét lại giá phí, khoảng cách giữa các trạm BOT cho phù hợp, phải áp dụng công nghệ thu phí không dừng để tránh ùn tắc giao thông, đảm bảo tốc độ lưu thông.

"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm chấm dứt thu phí 2 trạm quốc lộ 5 cũ, chấm dứt các trạm thu phí đặt bất hợp lý như trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam kiến nghị."

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho biết: Việc tăng phí căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng CPI là chưa đủ, cần phải tính toán trên thu nhập bình quân GDP người dân và nhiều yếu tố khác. Nếu cho rằng, ở nước ta mức phí trên đường cao tốc BOT là 2 nghìn đồng vẫn rẻ hơn các nước xung quanh khu vực nên phải tăng phí là hoàn toàn sai, vì thu nhập bình quân GDP đầu người ở nước ta thấp hơn tới hàng chục lần so với các nước quanh khu vực.

Về việc tăng phí quốc lộ 5 mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị: Đường 5 cũ người dân đã phải trả phí bảo trì đường bộ hàng năm rồi, nay vẫn phải trả phí mà còn tăng tới 50% là bất hợp lý.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm chấm dứt thu phí 2 trạm quốc lộ 5 cũ, chấm dứt các trạm thu phí đặt bất hợp lý như trạm Bắc Thăng Long- Nội Bài. Vì phải có ý kiến của Thủ tướng đó là giai đoạn trước còn bây giờ chính phủ cần xem xét lại tránh bức xúc cho doanh nghiệp.”- ông Thanh kiến nghị.

Những năm gần đây, khi lĩnh vực bất động sản trầm lắng cộng với lãi xuất ngân hàng thấp, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhòm ngó tới các dự án BOT. Do cơ chế chỉ cần thẩm định, không cần đấu thầu nên, xuất hiện những dự án không minh bạch, có dấu hiệu lợi ích nhóm. Các dự án này đều lợi dụng trên cốt đường cũ của nhà nước, chỉ cạp rộng thêm, thảm lại mặt đường và có một điểm chung dễ nhận biết từ các dự án này đó là đều cộng tất tần tật các loại vốn dự phòng( chiếm tới 1/3 cả tổng dự án) để tăng mức đầu tư, kéo dài thời gian thu phí.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: “Chủ trương BOT là đúng, tuy nhiên hiện nay xuất hiện nhiều bất hợp lý, như đường Pháp Vân- Cầu Giẽ chỉ nâng cấp, mở rộng lan can, thảm mặt đường chưa xong đã thu, vừa làm vừa thu là không đúng. Từ Hà Nội đi Thái Bình có 100 km mà có tới 4 trạm thu phí, không tính toán đến sức mua của người dân mà chỉ muốn bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Duy ý chí là làm bằng được thu bằng được gây hiệu ứng tiêu cực. BOT là tốt phải có kiểm soát từ khâu đầu, có đấu thầu kiểm soát của nhà nước, thậm chí quốc tế. Suất đầu tư hiện nay BOT chỉ giữa nhà nước và tư nhân nên chúng tôi không tin có sự minh bạch”.

Trong phiên họp Chính phủ vừa qua,Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong lúc kinh tế gặp nhiều khó khăn không được tăng thêm phí BOT. Tuy nhiên, nhiều dự án BOT đã kịp tăng phí từ ngày 1/4. Doanh nghiệp vận tải mong muốn được giảm phí BOT thì trong Thông tư 159 Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ, hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ chỉ có lộ trình tăng chứ không hề có lộ trình giảm!

Tin bài liên quan