Doanh nghiệp phải học cách chấp nhận chuẩn mực cao

Khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp sẽ thay đổi theo chuẩn mực quản trị quốc tế tốt nhất, buộc doanh nghiệp, nhà đầu tư phải học cách chấp nhận luật chơi mới.
Theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp có thể chọn con dấu hoặc chữ ký số.

Theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp có thể chọn con dấu hoặc chữ ký số.

Rõ quyền của cổ đông

Có thể là tình cờ, nhưng sẽ là lý do để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thực sự để tâm đến khung pháp lý liên quan đến quản trị doanh nghiệp.

Ngay trong thời điểm Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, theo lịch trình là ngày hôm nay (17/6), thì những tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cổ đông trong nội bộ Công ty Coteccons tiếp tục căng thẳng. Quỹ PXP mới phát đi thông báo ủng hộ các hành động của Kustocem và The8th đối với các vi phạm liên tục về quản trị doanh nghiệp và xung đột lợi ích tại Coteccons.

Nội tình vụ việc cần phải phân tích nhiều, nhưng ở góc độ khung khổ pháp lý, một số quy định chưa thực sự thuận lợi để cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Luật Doanh nghiệp 2014 có yêu cầu, điều kiện gây khó khăn cho cổ đông, nhóm cổ đông nhỏ tham gia vào quyết định quan trọng của công ty, như đề cử người vào HĐQT, tiếp cận thông tin về hoạt động của công ty. Cổ đông không có quyền tiếp cận thông tin về giao dịch giữa công ty với người có liên quan, không được tiếp cận các nghị quyết của HĐQT…

“Cuộc chơi hiện đại với những người chơi hiểu luật không cho phép tồn tại những trở ngại này. Đây chính là lý do  Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đặt mục tiêu xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế”, ông Hiếu phân tích.

Cụ thể, Dự thảo đề cập nhiều nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp, bao gồm mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông công ty, tạo điều kiện thuận lợi bảo vệ lợi ích của mình và khởi kiện người quản lý công ty nhằm hạn chế cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.

Dự thảo cũng bãi bỏ, giảm bớt điều kiện không hợp lý đối với cổ đông khi thực hiện quyền đề cử, tiếp cận thông tin về hoạt động kinh doanh; bổ sung quyền yêu cầu Tòa án buộc công ty cung cấp thông tin cần thiết để thực hiện quyền khởi kiện người quản lý...

“Quy định về bảo vệ cổ đông tốt sẽ đóng góp quan trọng làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh an toàn, thông qua đó sẽ thúc đẩy huy vốn động đầu tư”, ông Hiếu kỳ vọng.

Thay đổi hoàn toàn tư duy về con dấu doanh nghiệp

Với nội dung doanh nghiệp quyết định có hoặc không có con dấu trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), tư duy về con dấu doanh nghiệp chính thức sang trang mới.

Ông Hiếu đã nhắc tới điều này ngay trước thời điểm Quốc hội bấm nút thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Nhưng, điều ông muốn chia sẻ hơn, đó là đòi hỏi thay đổi không dễ dàng.

“Chúng ta phải làm quen và chấp nhận văn bản của doanh nghiệp chỉ có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, không có con dấu, nhưng có đầy đủ giá trị pháp lý. Có thể nhiều người sẽ phải học cách chấp nhận điều này, kể cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và công chức nhà nước. Nhưng đã đến lúc phải chơi chung luật chơi với thế giới”, ông Hiếu nói.

Chặng đường này thực sự không phải ngắn.

Theo Luật Doanh nghiệp 2005 và trước đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn hoạt động phải xin phép khắc dấu và phải được cơ quan quản lý đồng ý.

Mọi việc bắt đầu thay đổi khi Luật Doanh nghiệp 2014 trao lại các quyền quyết định liên quan đến con dấu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của mình, nhưng phải bảo đảm có thông tin tên doanh nghiệp, mã số doanh nghiệp và phải thông báo mẫu dấu đó với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Giới chuyên gia kinh tế khi đó đã coi đây là một bước chấm dứt quyền lực vô hình dành cho người nắm giữ con dấu doanh nghiệp, nguyên do của nhiều vụ “chiếm giữ con dấu” khi nội bộ doanh nghiệp có tranh chấp.

Tuy nhiên, việc quy định doanh nghiệp phải sử dụng con dấu vẫn khiến các cuộc tranh chấp về con dấu chưa dừng lại. Nếu như năm 2015, vụ khiếu kiện kéo dài từ năm 2005 của Công ty cổ phần Hữu Nghị Hà Nội về việc nhóm cổ đông chiếm giữ con dấu, vô hiệu quản lý của người đại diện theo pháp luật của Công ty được lấy làm ví dụ điển hình cho đề xuất trao quyền quyết định về con dấu cho doanh nghiệp, thì lần này, vụ tranh chấp liên quan đến con dấu của Công ty cổ phần Trung Nguyên được đề nghị nên xem như giọt nước cuối cùng trong thói quen “thích dấu đỏ” của doanh nghiệp Việt Nam.

“Sự phát triển về công nghệ, cơ sở pháp lý về chữ ký số và đặc biệt là xu hướng phát triển giao dịch  điện tử, chính quyền điện tử cho phép con dấu doanh nghiệp không còn là công cụ pháp lý, công cụ quyền lực, mà chỉ là một quy định tùy chọn”, ông Hiếu nói.

Chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam có thể tăng 20 bậc

Phân tích Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh (Doing Business) năm 2020 của Việt Nam, trong 4 chỉ số giảm bậc, thì chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư có mức giảm lớn nhất so với năm trước, tới 8 bậc, đứng thứ 97/190, xếp sau Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia trong khu vực ASEAN.

Nội dung bị đánh giá thấp là các quy định về trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý công ty trong ký kết các giao dịch với người có liên quan; mức độ dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty… Năm 2013, Việt Nam xếp thứ 169/190, tăng đột phá vào năm 2017, ở vị trí 97/190, được cho là nhờ quy định mới về quản trị doanh nghiệp của Luật Doanh nghiệp 2014. Các quy định mới về bảo vệ quyền lợi cổ đông, nhà đầu tư... của Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) kỳ vọng nâng chỉ số này tăng 20 bậc.

Tin bài liên quan