DNNVV thực sự lo ngại về tính không chắc chắn của thị trường.

DNNVV thực sự lo ngại về tính không chắc chắn của thị trường.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cố bám trụ

(ĐTCK) Đáng mừng là nỗi lo về tiếp cận vốn vay ngân hàng không còn lớn như trước khi vấn đề này lần đầu tiên được xếp cuối bảng về khó khăn của các DN.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được hoàn thành vào cuối tháng 5 vừa qua, mặc dù rất khó khăn, khu vực DN này vẫn đang cho thấy nỗ lực duy trì hoạt động. 50% trong tổng số hơn 600 DN có số lao động dưới 300 người cho biết, sẽ tiếp tục hoạt động ở quy mô hiện tại. Chỉ có 1% DN lo ngại về khả năng đóng cửa, 9% có thể sẽ thu hẹp sản xuất. Đặc biệt, có tới 37% DN cho biết, đang lên kế hoạch cụ thể để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Phải nói rõ là thời điểm tiến hành khảo sát là hai tháng đầu năm 2009, thời điểm tình hình kinh tế vĩ mô đang có diễn biến phức tạp, thiếu cơ sở để định vị các chiến lược kinh doanh một cách rõ ràng. Đây cũng là thời điểm hàng loạt chính sách mới của Chính phủ được đưa ra nhưng chưa đi vào thực hiện. Hơn thế, trên thị trường thế giới, các thông tin trái chiều về khủng hoảng toàn cầu vẫn chứa đựng nhiều điểm tối khó lường. Sự đổ vỡ của các đại gia tài chính vẫn tiếp tục căng thẳng. Trong bối cảnh đó, những nhận định trên của các DNNVV Việt Nam thực sự là tin tốt.

Có ý kiến cho rằng, cũng các DN này, nếu khảo sát vào thời điểm hiện tại, khi các dấu hiệu phục hồi kinh tế của Việt Nam được ghi nhận rõ rệt hơn, những vận động của thị trường trong nước cũng theo chiều hướng tích cực nhờ sự tăng trưởng tiêu dùng nội địa, tăng trưởng tín dụng cũng như những sự ấm lên của thị trường chứng khoán, các phân khúc của thị trường bất động sản…, thì có lẽ những đánh giá về kế hoạch phát triển của DN sẽ khởi sắc hơn.

Đi kèm với kế hoạch phát triển, các DNNVV tham gia khảo sát cũng đã chủ động lên danh sách ưu tiên các giải pháp cải tiến tình hình kinh doanh cho những kế hoạch cụ thể của mình. Thứ tự ưu tiên được tổng hợp từ ý kiến các DN tham gia khảo sát gồm: trợ giúp khách hàng tốt hơn; củng cố quan hệ với khách hàng, với nhà cung cấp; cắt giảm chi phí; tăng cường tiếp thị; đầu tư vào con người thông qua đào tạo và thu hút tài năng; áp dụng công cụ quản lý mới; đổi mới sản phẩm; đổi mới chiến lược kinh doanh; đầu tư khai thác thông tin thị trường và công nghệ…

Một điều đáng bàn là hầu hết giải pháp đều xoay quanh các yếu tố "tự lực - tự cường" là chính. Các phương án mà phía VCCI đưa ra như đầu tư nâng cấp thiết bị và phương pháp sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất lao động; phối hợp với Chính phủ và các DN khác trong việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh… lại không được nhiều DN lựa chọn làm giải pháp ưu tiên vượt khó.

Đặc biệt, các DNNVV khu vực Hà Nội và TP. HCM là những đối tượng coi nhẹ các giải pháp mang tính liên kết và phát triển chiều sâu này. Có vẻ như những nhận định về sự gia tăng đột biến các DN mới tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước để tranh thủ cơ hội do dung lượng thị trường mở rộng vào thời điểm năm 2007 là một phần của nguyên nhân tỷ lệ các DN "nhìn ngắn" khá cao tại các thành phố lớn.

Các chuyên gia VCCI bình luận rằng, đây là điều đáng phải suy nghĩ, vì xét về lâu dài, các biện pháp này mới chính là hướng đi củng cố sự phát triển bền vững của DN, giúp DN không chỉ vượt bão, mà còn nâng cao sức cạnh tranh vào thời điểm nền kinh tế phục hồi. Hơn thế, nếu thiếu các DN hoạt động dài hạn, phát triển chiều sâu thì điều kiện để nền kinh tế tránh nguy cơ suy giảm sẽ rất chông chênh.

Về những thách thức mới của DN, các chuyên gia VCCI cho biết, đáng mừng là nỗi lo về tiếp cận vốn vay ngân hàng không còn lớn như trước khi vấn đề này lần đầu tiên được xếp cuối bảng về khó khăn của các DN. Một số khó khăn mới nổi lên được các DN liệt kê là nhu cầu thị trường chững lại, chi phí vận chuyển, chi phí nhiên liệu và chi phí lao động tăng. Đặc biệt, các DNNVV thực sự lo ngại về tính không chắc chắn của thị trường. Có thể thấy, các kế hoạch duy trì hay mở rộng hoạt động kinh doanh của DN sẽ không dễ dàng thực hiện nếu như tình hình thị trường không có những biến đổi tích cực và rõ nét hơn.