Doanh nghiệp nghìn tỷ có gì trong tay trước cổ phần hóa, thoái vốn?

Doanh nghiệp nghìn tỷ có gì trong tay trước cổ phần hóa, thoái vốn?

(ĐTCK) Trong danh mục doanh nghiệp nhà nước được đề xuất cổ phần hóa, thoái vốn tới năm 2020, có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn đang quản lý khối tài sản lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Trong số này, doanh nghiệp có quy mô tài sản “khủng” nhất phải kể tới Agribank. Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng tài sản hợp nhất của toàn hệ thống Agribank đạt 1.282.449 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2017; vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn hệ thống đạt 58.181 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017.

Tiếp theo là công ty mẹ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), với tổng tài sản tính đến cuối quý II/2019 là 84.578 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý II đạt 37.237 tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm.

Đáng chú ý, các chỉ tiêu tài chính của TKV có xu hướng tốt hơn so với đầu năm 2019; trong đó, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn Tập đoàn là 2 lần, giảm 0,28 lần so với cuối năm 2018, tại Công ty mẹ là 1,2 lần, giảm được 0,24 lần so với cuối năm 2018. Trong nửa đầu năm nay, TKV đã trả nợ 3.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.

Năm 2018, tổng doanh thu toàn Tập đoàn TKV đạt 121.700 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu từ sản xuất than đạt 62.260 tỷ đồng. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2017 và đạt gấp đôi kế hoạch.

Hai “ông lớn” ngành viễn thông cũng là những cái tên sáng giá trong danh sách này. Trong đó, Tập đoàn Viễn thông VNPT đang quản lý khối tài sản lên tới 80.547 tỷ đồng (trên vốn chủ sở hữu là 63.541 tỷ đồng).

Sáu tháng đầu năm nay, Công ty mẹ VNPT ghi nhận 21.012 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế đạt 2.404 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, với khối tài sản ước đạt khoảng 29.181 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2019, vốn góp của chủ sở hữu Nhà nước đạt 15.000 tỷ đồng, Mobifone là một trong những cái tên được giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

Nửa đầu năm nay, doanh thu từ hoạt động tài chính của Mobifone đạt 535 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần cùng kỳ, giúp lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty tăng trưởng 9% so với cùng kỳ, đạt 2.644 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tính đến cuối quý II/2019, hai “ông lớn” viễn thông đều có lượng tiền mặt gửi ngân hàng rất lớn. Số dư tiền gửi ngân hàng của Mobifone vào khoảng 13.423 tỷ đồng, tương đương 46% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Ngoài ra, Mobifone còn sở hữu Quỹ đầu tư phát triển hơn 5.080 tỷ đồng. Tổng giá trị tiền gửi và các khoản tương đương tiền của VNPT tính dến cuối tháng 6/2019 là 2.418 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng công ty có các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 35.310 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong danh mục cổ phần hóa nhà nước nắm giữ dưới 50% còn có những ông lớn sở hữu tài sản nghìn tỷ như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), các tổng công ty phát điện 1 và 2 (Genco 1, Genco 2)…

Trong danh mục thoái vốn đến năm 2020, Tổng công ty Viglacera là cái tên đáng quan tâm với khối tài sản đạt trên 18.245 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2019, tăng 10% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản của Viglacera hiện đều tập trung ở danh mục bất động sản với hàng loạt các khu công nghiệp lớn tại miền Bắc.

Ước tính, danh mục tài sản bất động sản của Viglacera tính đến cuối quý II/2016 là trên 4.100 tỷ đồng, ngoài ra tài sản cố định có tổng giá trị gần tương đương với trên 3.990 tỷ đồng.

Theo phương án thoái vốn mới nhất được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, sẽ thoái toàn bộ 38,58% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, bên cạnh những khối tài sản đầy hấp dẫn, thì trong nội tại hoạt động của một số doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về doanh nghiệp nhà nước công bố mới đây đã chỉ rõ thực trạng tồn tại trong nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước là việc quản lý nợ chưa chặt chẽ, vẫn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi cao.

Bên cạnh đó, việc xác định phương án xử lý đất đai vô cùng phức tạp do hồ sơ pháp lý không rõ ràng khiến việc xác định giá trị doanh nghiệp của nhiều tổng công ty, tập đoàn vẫn giậm chân tại chỗ.

Tin bài liên quan