Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp mạnh vượt khó khăn

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp mạnh vượt khó khăn

(ĐTCK) Hàng loạt giải pháp mạnh tiếp tục được doanh nghiệp đề xuất nhằm vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, trong đó có chính sách chưa từng có tiền lệ.

Nêu thực tế khó khăn tại Hội nghị đối thoại giữa UBND TP. Hà Nội với doanh nghiệp mới đây, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, chủ trương gia hạn thời gian nộp thuế đất và tiền thuê đất cho doanh nghiệp đã được Chính phủ hiện thực hóa với việc ban hành Nghị định 41/2020/NÐ-CP, nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn chính thức, giới hạn tối đa à 20%, nên doanh nghiệp mong muốn sớm có hướng dẫn cụ thể để tiếp cận theo tinh thần Nghị định.

Ðáng chú ý, Chủ tịch BRG đề xuất nhanh chóng cho mở cửa lại các khách sạn, sân golf, kèm theo các điều kiện về an toàn để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp, duy trì công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động.

Ngoài ra, bà Nga cũng đề nghị được TP. Hà Nội cấp giấy phép lưu thông cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân.

Tập đoàn Vingroup cho biết cũng chịu thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng bởi dịch Covid-19 và mong muốn kéo dài thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn tiền thuê đất, giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt…

Vingroup đề nghị hỗ trợ các thủ tục hành chính để gỡ vướng cho các dự án như điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, phê duyệt các danh mục sử dụng đất…

Không phải đến hội nghị này doanh nghiệp mới mạnh dạn đưa ra các kiến nghị. Ðánh giá chung của các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đều cho rằng, phản ứng của Chính phủ thời gian vừa qua là rất kịp thời với việc nhanh chóng ban hành hàng loạt chính sách và giải pháp hỗ trợ quy mô rất rộng, từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cho tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế, các hộ kinh doanh cá thể và cả đảm bảo an sinh cho người lao động, người nghèo, kịp thời đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề cấp thiết nhất đặt ra hiện nay là làm sao để việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ này được nhanh chóng và hiệu quả.

Bởi nếu chính sách của Nhà nước đã có, nhưng việc triển khai thực thi, hướng dẫn không theo kịp, tạo ra độ trễ và khoảng cách từ chính sách đến thực tế, sẽ khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội, thậm chí khiến doanh nghiệp mất đi khả năng tồn tại khi đang đứng bên bờ vực phá sản.

Ðây cũng là tâm tư, nguyện vọng lớn nhất được nhiều doanh nghiệp mong muốn gửi tới trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp diễn ra tới đây.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods, là tập đoàn chế biến nông sản quy mô, có uy tín với bạn hàng, đối tác, song hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng khá khó khăn, thậm chí việc đề nghị giãn nợ cũng bị cảnh báo là sẽ bị đưa vào danh sách nợ xấu.

Ðiều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cân đối đòng tiền để mở rộng sản xuất, đón đầu cơ hội tăng xuất khẩu nông sản sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ở lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Viettravel cho biết, đang rất trông chờ gói hỗ trợ của Chính phủ đối với chính sách hoàn thuế và hỗ trợ lao động mất việc.

Theo ông Kỳ, hiện doanh nghiệp không có doanh thu do phải ngừng hoạt động tạm thời vì dịch bệnh, với Nghị định 41, khoản thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn tương ứng cả chục tỷ đồng sẽ giúp Công ty có được dòng tiền quý giá.

“Chúng tôi thực sự mong chờ gói hỗ trợ này sớm được triển khai để giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, ổn định bộ máy hoạt động trở lại sau dịch”, ông Kỳ bày tỏ nguyện vọng.

Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình Chính sách công và quản lý Fulbright, các bước đi của Chính phủ hiện nay là phù hợp và đảm bảo cân bằng giữa hỗ trợ cho doanh nghiệp và hạn chế gánh nặng cho ngân sách.

Dù vậy, chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh, cần tăng quyền chủ động cho các địa phương để nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vì tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương là khác nhau. Nếu các địa phương có thể chủ động, linh hoạt, sẽ góp phần làm giảm độ trễ của chính sách, từ đó hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp.

Cần phân loại đối tượng để hỗ trợ đúng và trúng khi nguồn lực hạn hẹp

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều giải pháp mạnh vượt khó khăn ảnh 1

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Cần tạo điều kiện lưu thông cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương để kịp thời cung ứng hàng hóa cho người dân, cũng như duy trì sản xuất của doanh nghiệp.

Riêng với đề xuất của Tập đoàn BRG về việc cho phép được mở lại sân golf, khách sạn, theo tôi là nên cân nhắc xem xét. Bởi ở giai đoạn 2 phòng chống dịch hiện nay, Chính phủ đã phân chia thành 3 khu vực có nguy cơ, nguy cơ thấp và nguy cơ cao. Theo đó, tại các vùng ít có nguy cơ và nguy cơ thấp, có thể xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ dần hoạt động trở lại trên cơ sở đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các biện pháp an toàn phòng dịch.

Ðể các chính sách hỗ trợ của Nhà nước sớm đi vào thực tiễn, cần có sự vào cuộc gấp rút của các bộ ngành, cơ quan chức năng, sự hợp tác của các ngân hàng thương mại trên tinh thần cùng chia sẻ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với các khoản vay tín dụng lãi suất thấp, có hướng dẫn thực thi kịp thời về việc miễn giảm, giãn nộp các loại thuế từ các cơ quan thuế…

Ðồng thời, cần phân loại đối tượng cụ thể để hỗ trợ đúng và trúng, tránh tình trạng dàn trải, gây khó khăn, chậm trễ khi nguồn lực hỗ trợ là có hạn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cần minh bạch và có giám sát của các cơ quan truyền thông và toàn xã hội để đảm bảo tiến độ và hiệu quả hỗ trợ như kỳ vọng của Chính phủ.

Tin bài liên quan