Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lao động

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lao động

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, bởi những hướng dẫn thực hiện thiếu thực tế, thậm chí là bất khả thi.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử cho biết chưa tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Tương tự, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo nghị quyết của Chính phủ cũng có những yêu cầu khiến  doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), các doanh nghiệp đã gửi văn bản đề nghị được hỗ trợ nhưng chưa được giải quyết do vướng điều kiện: số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc chiếm từ 50% tổng số lao động trước khi doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc doanh nghiệp bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo các quy định hiện hành.

“Việc đưa ra các điều kiện để được nhận hỗ trợ thiếu tính thực tế, thậm chí nhiều điều kiện bất hợp lý mà doanh nghiệp khó có thể thực hiện được”, Tổng thư ký VEIA Nguyễn Phước Hải nhận xét.

Theo phân tích của ông Hải, điều kiện số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, chưa khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đang tìm đủ mọi giải pháp để vượt qua khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chi tiêu rất nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người lao động, cố gắng duy trì công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội với Chính phủ.

Tương tự, để có thể chứng minh đáp ứng đủ điều kiện bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) theo hướng dẫn của cơ quan BHXH đưa ra, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức.

Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH 4P, Công ty cổ phần Viettronics Tân Bình cho biết đã lập danh sách người lao động phải nghỉ không lương hoặc cho nghỉ luân phiên do đơn hàng sụt giảm gửi đến cơ quan chức năng và đang nóng lòng chờ hướng dẫn giải quyết để có thể tiếp các cận gói hỗ trợ này.

Đây cũng là nỗi niềm khiến nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, vận tải hàng hóa đường bộ, logistics, du lịch, hàng không... loay hoay để đáp ứng được các tiêu chí mà Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra cho gói hỗ trợ lùi thời hạn đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020.

“Doanh nghiệp hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc” dù thực tiễn hết sức khó khăn”, một doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may cho biết.

Họ đã phải “co kéo” để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho lao động mà không trông chờ ở sự trợ giúp.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường, các doanh nghiệp dệt may xác định, nếu cho ngừng việc, nghỉ việc thì khả năng mất trên 50% lao động của ngành là nguy cơ chắc chắn bởi dù có nhận được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng, người lao động vẫn phải tìm việc khác để đảm bảo thu nhập cho cuộc sống trước mắt.

Dù thị trường có sớm khôi phục trở lại, doanh nghiệp cũng không đủ nhân lực để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh chứ chưa nói tới việc đón nhận cơ hội gia tăng sản xuất để bù đắp các tổn thất trong giai đoạn cao điểm bởi dịch bệnh.

“Không nên xây dựng các chính sách hỗ trợ khi doanh nghiệp đã gần “kiệt quệ”. Nếu đợi doanh nghiệp cắt giảm 50% lao động có lẽ không còn doanh nghiệp để hỗ trợ. Khi đó, gánh nặng đè lên các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn nặng hơn”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, đại diện Ban Nghiên cứu kinh tế tư nhân nhận định và cho rằng các cơ quan thực thi cần lưu ý triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giữ được dòng vốn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động trước khi doanh nghiệp đổ vỡ và không thể nào khắc phục khi tác động vòng sau của dịch Covid được dự báo kéo dài. 

“Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần triển khai nhanh, qua ít bước xét duyệt thủ công mà dựa trên cơ sở dữ liệu đang có”, ông Lê Tiến Trường thẳng thắn kiến nghị.

Đồng quan điểm, hầu hết các doanh nghiệp thành viên của VEIA đều kiến nghị cơ quan BHXH nên loại bỏ điều kiện trên hoặc có hướng dẫn về quy trình hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng hơn.

VEIA cũng cho rằng Bảo hiểm Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nên sửa đổi, điều chỉnh lại quy định hiện nay và thay thế bằng điều kiện doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu hoặc lợi nhuận giảm từ 20% so với cùng kỳ trở lên sẽ được tiếp cận hỗ trợ.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất bổ sung thêm quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp để giữ chân người lao động có tay nghề phải nghỉ việc.

Đối với lĩnh vực sản xuất điện tử chẳng hạn, đòi hỏi thời gian đào tạo nghề lâu hơn, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi sản xuất tăng trở lại mà không có lao động lành nghề.

Tin bài liên quan