Lãnh đạo Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi đang lo lắng với quy định nước thải phải đạt chuẩn cột A.

Lãnh đạo Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi đang lo lắng với quy định nước thải phải đạt chuẩn cột A.

Doanh nghiệp chế biến cao su tỉnh Bình Phước: Sốt xình xịch với án “buộc dừng hoạt động”

Hàng loạt doanh nghiệp chế biến cao su tại tỉnh Bình Phước đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa khi không thể đáp ứng yêu cầu về xả thải của địa phương.

Đứng ngồi không yên với “tối hậu thư”

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, nguồn cơn sự việc xuất phát từ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/3/2017 của Tỉnh ủy Bình Phước về tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Nghị quyết yêu cầu, đến hết năm 2017, 100% các cơ sở chế biến cao su, tinh bột mì có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo cột A của QCVN (quy chuẩn Việt Nam) theo quy định.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước có Công văn số 1495/STNMT-VP ngày 7/7/2017 gia hạn thời gian hoàn thành việc nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đạt cột A của các nhà máy chế biến cao su đến hết năm 2018. Nếu trì hoãn việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt loại A, thì doanh nghiệpbuộc phải dừng hoạt động.

“Tối hậu thư” của tỉnh Bình Phước đang vấp phải hàng loạt ý kiến phản đối của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến mủ cao su. Ông Võ Quang Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi cho rằng, đề nghị trên không khả thi, không phù hợp với quy định của pháp luật và “làm khó” doanh nghiệp.

Theo ông Thuận, Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo đúng giấy phép. Hơn nữa, các quy định của pháp luật hiện hành cũng cho phép các nhà máy chế biến mủ cao su được xả nước thải theo chuẩn cột B.

“Cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhà máy chế biến mủ cao su không phải là việc đơn giản. Việc nâng chuẩn nước thải từ cột B lên cột A đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi giải pháp, quy trình xử lý của hệ thống xử lý nước thải. Rất có thể, chúng tôi phải đập bỏ hệ thống cũ và xây mới lại hoàn toàn. Ngoài chuyện phát sinh chi phí cực lớn (hơn 20 tỷ đồng/hệ thống), thì doanh nghiệp bị ngừng trệ sản xuất, gián đoạn đơn hàng xuất khẩu”, ông Thuận nói.

Với vùng môi trường tiếp nhận nước thải tại Bình Phước phần lớn cho mục đích tưới tiêu thuỷ lợi, thì nước thải chuẩn B là tương thích nhất cho cây cối, thuỷ sinh trong môi trường tự nhiên. “Tại sao doanh nghiệp phải bỏ tiền ra xử lý nước thải đạt chuẩn cột A, trong khi nó không tương thích với môi trường? Chưa kể, để ra chuẩn cột A, trong quá trình xử lý nước thải, chúng tôi cần phải dùng nhiều hoá chất”, ông Thuận nêu nghi ngại.

Không chỉ Công ty TNHH Cao su Thuận Lợi, hàng loạt doanh nghiệp chế biến mủ cao su khác chung cảnh ngộ “đối mặt với nguy cơ đóng cửa”.

Ông Trương Văn Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Quốc Việt bức xúc, việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải theo chuẩn cột A không khả thi, Công ty TNHH Cao su Quốc Việt sẽ đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất. “Hoặc chúng tôi phải dừng hoạt động, đóng cửa nhà máy chế biến mủ cao su, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng trăm lao động làm việc trong nhà máy và hàng ngàn nông dân trồng cây cao su. Hoặc tiếp tục hoạt động, chấp nhận “án phạt”, thì doanh nghiệp bị ghi vào sổ đen và khách hàng nhập khẩu sẽ tẩy chay hàng hoá do chúng tôi sản xuất. Mọi con đường đều dẫn tới cái đích: doanh nghiệp phá sản”, ông Hạnh nói.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, ông Võ Quang Thuận cho biết, cuối tháng 11/2018, nhiều doanh nghiệp đã đứng tên trong văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét lại yêu cầu này. Tuy nhiên, tới nay, giải pháp căn cơ, hợp lý và có tính chất kiến tạo cho sự việc vẫn “bặt vô âm tín” và các doanh nghiệp vẫn đang sốt xình xịch với án “buộc dừng hoạt động”.

“Bức xúc của doanh nghiệp chế biến cao su nếu không tìm được giải pháp thấu đáo, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư, kinh doanh của Bình Phước”, ông Thuận nói.

Nghị quyết phải được thực hiện nghiêm túc

Ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cho biết, đây là chủ trương của Tỉnh ủy Bình Phước, doanh nghiệp phải thực hiện. Quan điểm của tỉnh là nước thải từ nhà máy chế biến mủ cao su phải đạt chuẩn cột A, vì địa phương là đầu nguồn sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức hội thảo với các chuyên gia môi trường và báo cáo với UBND tỉnh, rồi sẽ đối thoại với doanh nghiệp. Tuy nhiên, hướng giải quyết vẫn là phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước.

Ông Lâm cho biết thêm, theo hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường của 12 doanh nghiệp chế biến cao su tại tỉnh Bình Phước, thì có 6 doanh nghiệp được phép xả thải loại B, 6 doanh nghiệp được phép xả thải loại A theo quy chuẩn. Sở Tài Nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 616/STNMT-CCBVMT ngày 29/3/2019 báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo giải quyết vấn đề chuẩn nước xả thải của các doanh nghiệp chế biến mủ cao su.

Theo đó, hướng xử lý đối với 6 doanh nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường xả thải loại A là “buộc phải cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn cột A theo QCVN hiện hành để đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 04-NQ/TU”. Với 6 doanh nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường xả thải loại B thì “tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt chuẩn cột A và thời hạn đến ngày 30/9/2019”. Trường hợp các doanh nghiệp cố tình trì hoãn việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn cột A, thì “buộc dừng hoạt động cho đến khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp”.

Các ông chủ doanh nghiệp chế biến cao su đang “ngồi trên đống lửa”, vì mùa vụ chế biến cao su mới đang cận kề. Chuyện quy chiếu quy định pháp luật để thực thi trong cuộc sống cũng như lựa chọn tuân thủ luật hay nghị quyết đang đặt ra một bài toán khó giải với cả doanh nghiệp, cũng như cơ quan hữu trách về môi trường tại tỉnh Bình Phước.

Nước thải đạt tiêu chuẩn cột A được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt

Theo Quy chuẩn QCVN 01-MT:2015/BTNMT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sơ chế cao su thiên nhiên do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, C là giá trị của thông số ô nhiễm trong nước thải sơ chế cao su thiên nhiên. Giá trị C được phân thành cột A và cột B dựa trên các thông số như pH, BOD5, COD, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), tổng Nitơ và Amoni. Trong đó, cột A quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải sơ chế cao su thiên nhiên khi xả ra nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; cột B quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải sơ chế cao su thiên nhiên khi xả ra nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Tin bài liên quan