Doanh nghiệp APEC ưu tiên phát triển kinh tế số và sáng tạo

Doanh nghiệp APEC ưu tiên phát triển kinh tế số và sáng tạo

(ĐTCK) Một nông dân ở Việt Nam có thể trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu hay ở bất kỳ quốc gia nào là không còn quá xa vời, nếu giải quyết được những vấn đề liên quan đến thanh toán, hậu cần vận chuyển hàng hóa hoặc giao nhận dịch vụ, và quan trọng hơn là vấn đề xác lập thị trường thương mại điện tử đáng tin cậy, cũng như vấn đề an ninh, bảo vệ dữ liệu.

Bốn nhóm vấn đề lớn sẽ được cộng đồng doanh nghiệp APEC tập trung thảo luận và đề cập tại những cuộc đối thoại với lãnh đạo các quốc gia APEC trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) 2017 bao gồm: Đẩy mạnh liên kết khu vực và phát triển kinh tế số; tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs); phát triển sáng tạo, bao trùm và phát triển bền vững. Trong đó, vấn đề phát triển hạ tầng kinh tế số và sáng tạo sẽ là ưu tiên số 1 của các doanh nghiệp APEC.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch APEC CEO Summit 2017, hội nhập về thương mại và đầu tư vẫn được cộng đồng doanh nghiệp APEC tin tưởng là con đường tốt nhất cho phát triển kinh tế. Vì vậy, việc theo đuổi các mục tiêu toàn cầu hóa, đẩy mạnh tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực để đạt được các mục tiêu Bogor, hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), theo đuổi chương trình nghị sự mới về dịch vụ… luôn là những hướng đi quan trọng của APEC.

Đặc biệt, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số được cộng đồng doanh nghiệp APEC nói chung, cũng như các công ty Việt Nam nói riêng rất chú trọng.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang dành sự ưu tiên hàng đầu cho các giải pháp xoá bỏ sự chia cắt kỹ thuật số, xây dựng thương mại kỹ thuật số và khuyến khích di chuyển dữ liệu và thông tin qua biên giới trên khắp khu vực, coi đây là giải pháp thúc đẩy hội nhập, mở rộng thương mại, bảo đảm lợi ích của nền kinh tế số được lan tỏa đến tất cả các quốc gia.

“Những nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh (ABAC) về đầu tư cho ICT (Viễn thông, tin học, công nghệ thông tin) và tiềm năng tương lai cho thấy, sự gia tăng bất bình đẳng giữa các nền kinh tế tiên phong và các nền kinh tế đi sau là do chênh lệch về năng lực cạnh tranh. Trong kỷ nguyên mới, khi nguồn dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi, mỗi nền kinh tế phải coi phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để nâng cao năng lực cạnh tranh là ưu tiên đặc biệt”, ông Lộc cho biết.

Cùng quan điểm này, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, các nền kinh tế APEC cần xoá bỏ những rào cản không cần thiết đang tồn tại trong môi trường pháp lý, từ đó tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng vật chất (đường sá, bến cảng, đường sắt, lưới điện …) và kết nối thể chế (sự gắn kết luật pháp quốc tế, tạo điều kiện hội nhập khu vực) đều là những vấn đề trọng tâm được đặt ra nhằm tăng cường kết nối kinh tế khu vực và toàn cầu.

Cùng với phát triển kinh tế số, việc tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), tạo thuận lợi cho khu vực này tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu được coi là nền tảng chính cho một hệ sinh thái kinh tế sáng tạo sinh sôi, nảy nở. Theo đánh giá chung, MSMEs được coi là huyết mạnh của mọi nền kinh tế trong khu vực, khi chiếm tới 90% số lượng doanh nghiệp, sử dụng trên 60% lực lượng lao động, trong khi mới đạt 35% kim ngạch xuất khẩu.

Với sự phát triển của công nghệ hiện đại và đặc biệt là sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin, truyền thông, các MSMEs có thể trực tiếp tham gia vào thương mại xuyên biên giới với chi phí thấp thông qua kinh tế số và các nền tảng thương mại điện tử.

“Đổi mới và sáng tạo là công cụ mở đường cho tương lai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây sẽ là môi trường giúp các doanh nghiệp này tìm được lối đi và động lực cho chính mình, tạo cơ hội để trở thành những người khổng lồ đi đầu trong kỷ nguyên sáng tạo”, ông Omar Channawi, Phó Chủ tịch P&G châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các doanh nghiệp, chi phí giới thiệu, quảng bá sản phẩm có thể rất tốn kém nên việc kết hợp với doanh nghiệp lớn trong các chuỗi giá trị rất có ý nghĩa đối với MSMEs. Chưa kể, để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cho MSME, cần phải vượt qua được các rào cản về các quy định pháp lý.

Do đó, VCCI, ABAC, cùng các doanh nghiệp thống nhất đề xuất việc xây dựng hệ thống thông tin về tài chính, sáng kiến thành lập Mạng lưới Khởi nghiệp APEC và Thị trường doanh nghiệp MSMEs APEC… như các nền tảng thúc đẩy sự phát triển và quốc tế hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Tin bài liên quan