Lần đầu tiên một phiên đối thoại riêng về Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị thường niên WEF.

Lần đầu tiên một phiên đối thoại riêng về Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị thường niên WEF.

Định hình tương lai Việt

“Việt Nam sẽ gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?”- câu hỏi cuối cùng mà Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đặt ra với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên WEF tại Davos (Thụy Sỹ) mới đây có lẽ sẽ “đeo đuổi” Việt Nam trong ít nhất vài năm tới, qua đó góp phần định hình tương lai cho Việt Nam.

Thực ra, không phải là trong 5 năm tới, mà ngay từ bây giờ, Việt Nam đã gây được bất ngờ với thế giới. Bởi nếu không thế, WEF đã không lần đầu tiên tổ chức một phiên đối thoại riêng về Việt Nam, với chủ đề “Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ hội nghị nêu trên. Nếu không thế, WEF cũng sẽ không ký thỏa thuận với Việt Nam về việc xây dựng Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, biến Việt Nam trở thành tâm điểm về chính sách 4.0 trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở top đầu thế giới, năng động trong cải cách, thu hút được lượng vốn đầu tư nước ngoài không nhỏ chính là điều đã khiến Việt Nam ghi điểm trong mắt cộng đồng quốc tế.

Nhưng như thế là chưa đủ. Câu hỏi của ông Borge Brende có lẽ sẽ đặt ra nhiều bài toán buộc Việt Nam phải tìm ra đáp án thỏa đáng trong ít nhất là 5 năm tới, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến đổi nhanh chóng, kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc.

Trong bối cảnh trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra 4 trụ cột giúp Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm.

Đó là sự ổn định về kinh tế - xã hội, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế. Đó là xây dựng thể chế pháp luật tốt hơn nữa, hướng tới một nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Đó là tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và khu vực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong quá trình hội nhập.

Các động lực tăng trưởng cũng đã được Thủ tướng nhấn mạnh, bao gồm động lực từ phát huy nội lực với sức mạnh của thị trường gần 100 triệu dân có thu nhập ngày càng cao; động lực từ cải cách thể chế, pháp luật tạo điều kiện cho phát triển; động lực từ sự phát triển của kinh tế tư nhân; động lực mới từ phát triển kinh tế số, từ đổi mới sáng tạo và động lực từ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Như vậy, định hướng và tầm nhìn chiến lược đã có. Nhưng liệu Việt Nam sẽ “gây bất ngờ cho thế giới như thế nào trong 5 năm tới?”. Câu trả lời có lẽ không chỉ nằm ở định hướng và tầm nhìn chiến lược, mà ở khâu thực thi, ở mỗi bước đường phát triển của nền kinh tế.

Nhìn nhận ở góc độ khác, câu hỏi của Chủ tịch WEF đã gợi mở cho hàng loạt câu hỏi khác, buộc Việt Nam phải trả lời nếu muốn tiếp tục tăng tốc, phát triển.

Làm thế nào để tăng trưởng bao trùm mà vẫn thân thiện với môi trường? Làm sao để đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Nếu xác định tiếp tục cải cách, vậy có cần cải cách doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong cách mạng công nghiệp 4.0? Khơi dậy khu vực tư nhân trong nước thế nào cho hiệu quả? Chuyển đổi số nền kinh tế ra sao?...

Trả lời được những câu hỏi này cũng có nghĩa, Việt Nam sẽ định hình được tương lai cho mình, sẽ tìm được các giải pháp quan trọng để không chỉ tránh tụt hậu, mà còn đuổi kịp, thậm chí đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, khi năm cũ sắp hết và năm mới, một mùa Xuân mới của Việt Nam sắp bắt đầu.

Tin bài liên quan