Định hình rõ cơ hội từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

Định hình rõ cơ hội từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước

(ĐTCK) Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, giai đoạn này sẽ cổ phần hóa 137 doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 707/QĐ-TTg, phấn đấu đến cuối năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp (chưa bao gồm các công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty Mua bán nợ Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, công ty thủy nông thực hiện sắp xếp theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).

Bên cạnh đó, xử lý các hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường. Đồng thời, hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; sớm tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương.

Theo Quyết định số 707/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước sẽ tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ; ngành, lĩnh vực mang tầm chiến lược, có tính dẫn dắt, định hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, có hàm lượng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.    

Đối với 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, cần tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém.

Về giải pháp thực hiện, đáng chú ý là giải pháp rà soát, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

“Tập trung triển khai thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm”, Đề án nêu rõ. Theo đó, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước sẽ phải rà soát, xác định nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính, xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, xây dựng kế hoạch kinh doanh...

Đặc biệt, cơ quan đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thông qua người đại diện đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán; nghiêm túc thực hiện quy định về minh bạch, công khai hóa thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Nhìn nhận về những mục tiêu mà Đề án đặt ra, một số ý kiến cho rằng, có thể gặp không ít thách thức. Ông Trần Tiến Cường - chuyên gia kinh tế cho biết, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước hiện nay có điểm khó là nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn, mức độ phức tạp cao.

Trong khi đó, các quy định mới về cổ phần hóa dự kiến sắp được ban hành, trong đó có quy định liên quan đến kiểm toán định giá doanh nghiệp cũng như tính toán lợi thế đất đai, giá trị quyền sử dụng đất. Đây là những đầu việc dự kiến mất nhiều thời gian thực hiện.

Quý I/2017, cả nước cổ phần hóa được 8 doanh nghiệp nhà nước và 1 đơn vị sự nghiệp; công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa 41 doanh nghiệp; đang tiến hành xác định giá trị của 108 doanh nghiệp; giải thể được 1 doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam và phê duyệt giá trị cho 1 doanh nghiệp để cổ phần hóa.

“Hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành” - yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với người đứng đầu các bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước đang được giới đầu tư kỳ vọng sớm đi kèm với các chế tài để những mục tiêu đã đề ra trong Đề án sẽ được thực hiện thành công.

Tin bài liên quan