Bệnh viện dã chiến Mê Linh được cải tạo, nâng cấp để phòng chống dịch COVD-19. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN).

Bệnh viện dã chiến Mê Linh được cải tạo, nâng cấp để phòng chống dịch COVD-19. (Ảnh: Nguyễn Văn Cảnh/TTXVN).

Dịch COVID-19: Chủ động phòng chống lây nhiễm tại bệnh viện

Ngày 24/3, Bộ Y tế đã có có văn bản gửi các Sở Y tế chấn chỉnh lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có bệnh nhân mắc COVID-19.

Sau khi xuất hiện trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam, trao đổi bên lề với báo chí ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Chúng tôi luôn đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và cống hiến của đội ngũ y bác sỹ  đang ngày đêm theo dõi, chăm sóc, điều trị cho người mắc COVID-19."

Họ thực sự  là những chiến sỹ hàng đầu trên trận tuyến. Toàn thể ngành y tế luôn chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, bất trắc và cả những rủi ro mà đội ngũ y, bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 đang phải đối diện.

Tuy nhiên việc đã có 1 bác sỹ  mắc COVID-19  là điều rất đáng tiếc. Để phòng  tránh lây nhiễm, tiếp sau đây, ngành y tế yêu cầu rà soát, chấn chỉnh lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có bệnh nhân mắc COVID-19. Các nhân viên cần thực hiện đúng, tuân thủ đầy đủ công tác chống nhiễm khuẩn.

Cần chủ động phòng chống lây nhiễm tại bệnh viện 

Sau khi có 2 điều dưỡng ở Trung tâm truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai và 1 bác sỹ ở khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương nhiễm COVID-19 trực tiếp từ bệnh nhân trong quá trình điều trị cho người bệnh, ngày 24/3, Bộ Y tế đã có có văn bản gửi các Sở Y tế chấn chỉnh lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện có bệnh nhân mắc COVID-19.

Được biết nam bác sỹ 29 tuổi mắc COVID-19 làm việc tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2- đơn vị trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đã tham gia chống dịch từ ngày 31/1, làm nhiệm vụ khám sàng lọc bệnh nhân nghi COVID-19 đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính, tham gia cấp cứu bệnh nhân nặng.

Trong suốt gần 2 tháng qua bác sỹ làm việc, nghỉ, sinh hoạt hoàn toàn tại bệnh viện.

Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ nhiều người có lẽ cũng khó hiểu là tại sao nhân viên y tế được trang bị rất kỹ lưỡng như vậy rồi mà vẫn bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19.

Chúng tôi cũng xác nhận đây là trường hợp lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình thao tác không phải lúc nào chúng ta cũng đảm bảo được hoàn toàn những điều kiện tốt nhất, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng đã diễn biến gần ba tháng tại nước ta và các đồng nghiệp của chúng tôi đã có đôi lúc mệt mỏi có thể lơ là.

Nhưng đối với bác sỹ đồng nghiệp này của chúng tôi, việc lây nhiễm có thể thông qua những lúc bác sỹ làm thủ thuật rất gần với đường miệng, đường thở của bệnh nhân và tôi nghĩ đây là cơ hội để cho virus có thể lây lây lan qua nhân viên y tế này.

Đây cũng là bài học đáng tiếc, tuy nhiên cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá giúp cho ngành y tế sẽ có những chấn chỉnh để làm tốt hơn trong những thao tác, thủ thuật cũng như công tác chăm sóc, đặc biệt liên quan đến vấn đề bảo vệ cho cá nhân, bảo vệ cho bệnh viện và bảo vệ cho cộng đồng - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ. 

“Hiện nay, sức khỏe của đồng nghiệp nam của chúng tôi ổn định, không sốt, có thể sinh hoạt bình thường.

Qua sự việc này, chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tăng cường hơn nữa công tác phòng chống nhiễm khuẩn, công tác đảm bảo các trang bị bảo hộ, đặc biệt là khi làm thủ thuật, tiếp xúc gần với đường thở của người bệnh.

Bên cạnh đó, công tác theo dõi sức khỏe cho các nhân viên y tế trong khi tiếp cận điều trị cho các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nặng sẽ phải được quan tâm hơn,” Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định.

Ngay sau khi trường hợp đồng nghiệp nam này dương tính với virus gây bệnh COVID-19, tất cả các nhân viên của Khoa cấp cứu gồm 28 người đã được làm các xét nghiệm cần thiết và cách ly ngay tại Khoa. Kết quả xét nghiệp lần đầu tiên rất mừng là tất cả mọi người đều âm tính.

"Hôm nay, chúng tôi xét nghiệm lại một lần nữa, hy vọng kết quả cũng sẽ là âm tính cho các nhân viên y tế " - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết. 

Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng khuyến cáo đội ngũ nhân viên y tế cần chủ động hơn trong ngăn chặn lây nhiễm từ người bệnh vì trong quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nguy cơ lây nhiễm rất cao.

"Chúng tôi khuyến cáo tất cả các đồng nghiệp khi làm các thao tác thủ thuật gần với đường thở của người bệnh thì rất dễ nhiễm, phải chủ động hơn trong ngăn chặn nhiễm bệnh bằng việc sử dụng đồ bảo hộ. Chúng tôi luôn cung cấp những đồ bảo hộ chất lượng tốt nhất cho cơ sở thu dung, điều trị cho bệnh nhân COVID-19.”

Dịch COVID-19: Chủ động phòng chống lây nhiễm tại bệnh viện ảnh 1

Nhân viên y tế trực tại điểm cách ly tự nguyện ở khách sạn Bưu Điện, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long). (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).

Sẽ có đủ khẩu trang cho nhân viên y tế

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, theo kế hoạch Bộ Y tế sẽ tổ chức mua sắm khoảng 30 triệu khẩu trang, đảm bảo khẩu trang y tế cho tất cả các nhân viên y tế khi tiếp cận với các bệnh nhân.

Đây là mục tiêu mà chúng tôi đã xác định bước đầu cũng sẽ có khó khăn nhưng cho đến bây giờ công việc sản xuất của các cơ sở khẩu trang cũng đã bắt đầu đi vào ổn định, nguồn nguyên liệu cũng đã được nhập về.

Vì vậy trong thời gian tới, chúng ta hoàn toàn có thể đảm đủ khẩu trang y tế cho các nhân viên y tế.

Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được khẩu trang vải đúng tiêu chuẩn, có kháng khuẩn, có ngăn ngừa giọt bắn nên người dân có thể yên tâm sử dụng.

“Trong thời điểm khó khăn này bà con nên nhường khẩu trang y tế cho nhân viên y tế trong công tác tiếp xúc, thu dung điều trị người bệnh sẽ an toàn cho nhân viên y tế hơn. Chính sự an toàn của nhân viên y tế giúp bảo đảm cho sự an toàn của cộng đồng,” Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết.

Tin bài liên quan