Dĩ bất biến, ứng vạn biến và bản lĩnh Việt Nam

Dĩ bất biến, ứng vạn biến và bản lĩnh Việt Nam

Nhắc tới chủ đề “Bản lĩnh Việt Nam”, tôi nghĩ ngay đến chuyện làm thế nào để chúng ta có bản lĩnh ứng phó với những thay đổi quá nhanh của thời cuộc hiện nay.

5 thay đổi lớn của thời cuộc

Có 5 thay đổi lớn mà tôi cảm nhận được trong hơn một năm qua.

Thứ nhất là điều mà ai cũng đang cảm thấy, một trạng thái “bình thường mới” của một xã hội sau Covid-19. Con người giữ khoảng cách trong tiếp xúc xã hội nhiều hơn, làm việc ở nhà thường xuyên hơn và tương tác với nhau qua các công nghệ dựa vào mạng Internet nhiều hơn, bao gồm cả những hoạt động rất cần sự tiếp xúc mặt đối mặt như giảng dạy và hẹn hò yêu đương.

Thứ hai là sự suy giảm đột ngột của kinh tế thế giới do tác động của Covid-19. Tác động lớn nhất cho đến lúc này mà người ta cảm nhận được là với thị trường hàng không, du lịch và dầu khí. Giá dầu theo hợp đồng tương lai về mức âm, dù chỉ trong một ngày, cũng báo hiệu một trạng thái trì trệ kéo dài không chỉ vài tháng với các nền kinh tế lớn.

Hãng sản xuất máy bay lớn Airbus đang chảy máu “tiền mặt”, mất 1/3 số hợp đồng trong vài tuần. Vietnam Airlines dự kiến, nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, con số lỗ có thể lên tới hơn 19.500 tỷ đồng. Hãng hàng không Norwegian Air Shuttle dự đoán, phần lớn máy bay của họ sẽ “nằm chơi” trên mặt đất cho đến quý I/2021 và ngành hàng không chỉ có thể phục hồi lại hoàn toàn vào năm 2022. Nhiều nhà phân tích cho rằng, nhận định này vẫn quá lạc quan.

Việc hãng giải trí khổng lồ Disney dừng trả lương cho hơn 100.000 nhân viên cũng là một điều điên rồ khác vừa trở thành sự thật. Một kinh tế gia tôi quen đang làm cho một tổ chức quốc tế dự báo, đợt sóng thất nghiệp tiếp theo sẽ “quật” vào nền kinh tế Mỹ và Anh trong 1-2 tháng tới, sau khi mở cửa nền kinh tế trở lại và các khoản chi trả hỗ trợ cho người dân bị dừng hẳn.

Nhưng đó chỉ mới là bề nổi. Sóng ngầm còn lớn hơn nhiều. Nhiều hãng sản xuất quần áo của nước ngoài đã bắt đầu cắt giảm đơn hàng và một người quen của tôi ở TP.HCM đã bị hủy đơn hàng gần chục tỷ đồng. Nhà máy của anh đang ở trạng thái “lơ lửng” không biết đi về đâu.

Tất nhiên, đằng sau đó là hai vấn đề đáng sợ: thất nghiệp và phá sản. Nói cách khác, nhiều người không còn thu nhập để chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản nhất và ngân hàng sẽ đối mặt với sự gia tăng nợ xấu. Quan trọng hơn, điều này diễn ra một cách bất ngờ, khiến không doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị kịp thời. Cú sốc đối với nhiều doanh nghiệp không chỉ ở quy mô của cuộc suy thoái kinh tế này, mà còn ở sự bất ngờ của nó.

Thứ ba, xu thế không thể cưỡng lại của các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng công nghệ, đang tạo ra đổ vỡ cho các mô hình kinh tế cũ. Mua sắm qua mạng đang giết dần các thương xá lộng lẫy. Taxi công nghệ cạnh tranh với taxi truyền thống.

Và Covid-19 đang làm nhiều thành phố ở Anh không còn cưỡng lại các đơn xin xây dựng các kho hàng vận hành toàn bộ bằng robot nữa. Trước đây, họ sợ rằng, những kho hàng như vậy sẽ khiến các siêu thị sa thải hàng trăm ngàn nhân viên. Covid-19 đã đập vỡ phòng tuyến này và có thể tạo ra một trào lưu không thể đảo ngược.

Điều tương tự đang diễn ra với việc thay thế nhân viên bằng robot tại các trung tâm phục vụ khách hàng (call centre) ở Ấn Độ. Trí tuệ nhân tạo, dịch vụ doanh nghiệp qua điện toán đám mây và công nghệ sinh học sẽ trở thành trào lưu thu hút dòng tiền đầu tư “khủng khiếp” sau Covid-19, bạn tôi đang làm quản lý quỹ đầu tư ở New York dự đoán như vậy.

Thứ tư, xung đột trên đủ các mặt trận giữa Trung Quốc với nhiều siêu cường khác, đứng đầu là Mỹ đã đi đến điểm khó có thể quay đầu. Nhiều nước đã cáo buộc Trung Quốc hành xử không trung thực, thiếu minh bạch, không “có qua có lại” trong việc cung cấp số liệu, cung cấp thiết bị y tế trong Covid-19. Đã thế, họ còn lợi dụng lúc thế giới bận đối phó với đại dịch mà gây căng thẳng trên biển Đông. Cách hành xử và tham vọng ngày càng bộc lộ của Trung Quốc đang đẩy họ vào thế đối đầu căng thẳng với Mỹ, châu Âu và cả nước phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế Trung Quốc như Australia.

Thứ năm, chi tiêu y tế và lương hưu, đặc biệt là với người già trong nhiều nền kinh tế tăng nhanh và việc vỡ quỹ lương hưu và tấm đệm y tế công cộng đã được xem là khó tránh khỏi, nếu không có nguồn tiền ngân sách rót thêm. Thế nhưng, sau đại dịch, các chính phủ liệu có còn bao nhiêu nguồn lực để đắp vào thâm hụt của các quỹ an sinh xã hội này?

Dĩ bất biến, ứng vạn biến: chỉ cần giữ một tấm lòng không đổi “lo cho dân”

Trong bối cảnh của những thay đổi lớn như vậy, không có sách vở hay kinh nghiệm gì có thể chỉ ra con đường chắc chắn đúng cho Việt Nam. Nhưng Đảng và Nhà nước vẫn có thể sử dụng một kim chỉ nam để chèo lái đất nước đi xuyên qua những thay đổi đó. Kim chỉ nam đó là duy trì một tâm thế bất biến: lo cho dân, vì lợi ích lớn nhất của người dân. Khi mỗi chính sách, mỗi cán bộ nhà nước đều xác định tâm thế này, thì tự nhiên sẽ được những giải pháp đúng đắn.

Rất tiếc, đến lúc này, vẫn còn nhiều trường hợp không xem việc lo cho dân là mục tiêu cao nhất. Ở các cấp cao nhất, các bộ, ngành vẫn có tình trạng đá quả bóng trách nhiệm qua lại cho nhau trong nhiều vụ việc rất trọng đại của đất nước, với những dự án hạ tầng ngàn tỷ. Và họ thể hiện sự thiếu hợp tác trong các tham mưu chính sách cho Thủ tướng, như vụ tạm dừng xuất khẩu lúa gạo gần đây. Như vậy, không lạ khi ở những cấp thấp hơn người ta còn có những hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Một người quen của tôi làm việc trong lĩnh vực hàng không nói, bạn sẽ bị nói là “điên rồ” nếu đề cập những con số và dự báo xấu vào đầu tháng 1, khi người ta bắt đầu nói về coronavirus. Nhưng bây giờ, nó đang từng bước trở thành sự thật.   

Vụ hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ 2,3 tỷ đồng, nhưng CDC Hà Nội mua vào với giá 7 tỷ đồng gần đây là một ví dụ cho thấy, ở nhiều nơi, cán bộ nhà nước đang trục lợi tiền của dân, chứ không phải lo cho dân. Trục lợi từ dịch bệnh là tham lam và vô cảm. Nhưng nó cũng cho thấy, nhiều người xem những chuyện như vậy là “bình thường”, nên giữa dịch bệnh, họ vẫn tiếp tục để nó diễn ra tự nhiên như họ hít thở vậy thôi.

Việt Nam cần có một trạng thái “bình thường mới”, trong đó người ta xem tham nhũng, trục lợi chính sách là những điều bất thường. Và điều đó nghĩa là những nhóm lợi ích không thể tác động đến các chính sách theo kiểu vận động hành lang để cài cắm vài điều khoản vào văn bản luật và dưới luật để họ hưởng lợi.

Lãnh đạo một ngân hàng lớn ở TP.HCM từng bức xúc với tôi là, có nhiều chính sách của Nhà nước nghe thì thấy rất hay, học tập từ kinh nghiệm tốt nhất của nước ngoài, nhưng coi lại thì nó là một thứ “quái thai” sau khi bị đem về Việt Nam và “cắm râu”, “thêm chân” vào khi làm luật và thực thi chính sách. Những thứ đó chúng ta thấy thấp thoáng trong rất nhiều vụ đại án gần đây, như vụ việc Thủ Thiêm. 

Làm sao giữ được bản lĩnh lấy một tấm lòng bất biến là lo cho dân, quyết nói không với những thứ hại dân, hại nước về dài hạn, nhưng mang lại siêu lợi nhuận trong ngắn hạn cho một vài người giàu và có quyền lực là điều không hề dễ. Nhưng làm được như vậy rồi thì không sợ gì những thay đổi muôn hình vạn trạng sẽ đổ tới.

Tin bài liên quan