Đề xuất thay đổi gốc tính chỉ số CPI

(ĐTCK) Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm diễn ra vào sáng 28/6, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, đang tiếp tục trình Chính phủ đề xuất thay đổi gốc tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo ông Lâm, Tổng cục Thống kê đã nhiều lần đề nghị thay đổi gốc so sánh CPI năm, cụ thể là năm 2009, 2014 đều có đề nghị.

Hiện Việt Nam đang tính CPI làm cơ sở tính lạm phát năm là tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước. Điều này, theo ông Lâm, CPI sẽ phụ thuộc vào giá cả tháng 12, trùng thời điểm lễ tết nên giá thường tăng mạnh, trong khi giá cả các tháng khác trong năm không được tính tới. Cùng với đó, hiện các nước trên thế giới đều dùng CPI bình quân năm để so sánh. Do đó, năm 2009 và 2014, Tổng cục Thống kê đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ, Quốc hội thay đổi gốc tính CPI để lạm phát phản ánh đúng bản chất giá cả năm và phù hợp thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Quốc hội cho rằng trước nay vẫn dùng CPI tháng 12 so sánh với nhau, nên vẫn giữ nguyên như vậy để dễ so sánh.

Theo lý giải của ông Lâm, nếu dùng CPI bình quân cả năm làm gốc so sánh, số liệu lạm phát sẽ thay đổi. Như giai đoạn 2011-2015, nếu tính CPI bình quân cả năm sẽ thấy số liệu lạm phát Việt Nam các năm đều cao hơn so với dùng CPI tháng 12 năm sau so với tháng 12 năm trước.

“Chỉ tiêu lạm phát được dùng làm cơ sở điều hành lãi suất, thời điểm và mức tăng lươg, nên chúng tôi phải có trách nhiệm đề xuất điều chỉnh cách tính cho hợp lý”, ông Lâm nói.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, hàng tháng Tổng cục Thống kê đều tính CPI hàng tháng, tính toán dựa trên 5 gốc so sánh, là so với năm 2014, so với cùng kỳ năm trước, so với tháng trước, so với tháng 12 năm trước.

Mỗi gốc so sánh có mục tiêu khác nhau, Việt Nam hiện đang sử dụng CPI gốc so với tháng 12 năm trước. Cách sử dụng này có một số hạn chế so với thông lệ quốc tế khi các nước trên thế giới hầu hết đang sử dụng so sánh bình quân năm trước.

"Cách tính này không phản ánh đầy đủ biến động giá hàng năm, mà phụ thuộc vào tháng 12 năm trước và giá tháng báo cáo. Chẳng hạn dùng CPI tháng 12 để làm gốc so sánh thì sẽ phải phụ thuộc vào giá cả tháng đó, gần tết hàng hóa sẽ cao hơn, CPI theo đó cũng cao hơn. Nhưng nếu dùng CPI bình quân thì đầu năm 2015 chưa ảnh hưởng của giá dầu nên nếu dùng bình quân sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, dùng CPI tháng 12 năm nay so với tháng 12 năm trước sẽ cao hơn, vì chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nhu cầu mua sắm cuối năm, lễ tết..., nên tính toán so sánh thì không phản ánh đầy đủ biến động giá cả năm", bà Thủy phân tích.

Mặt khác, theo bà Thủy, Việt Nam đang tính toán một số chỉ tiêu quốc gia dựa trên CPI bình quân cả năm, nên đặt mục tiêu lạm pháp, đánh giá mục tiêu theo chỉ tiêu CPI tháng 12 sẽ không đồng nhất với các chỉ tiêu khác. Do đó, Tổng cục Thống kê đã trình Bộ trưởng đề nghị nghiên cứu sửa đổi gốc so sánh, thay vì dùng CPI tháng 12 sẽ dùng CPI bình quân năm làm gốc so sánh để sát thực tế hơn.

Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 6 này về việc thay đổi cách tính CPI làm cơ sở tính lạm phát hằng năm. 

Tin bài liên quan