Đề xuất tăng giá mua điện gió

Đề xuất tăng giá mua điện gió

Bộ Công Thương đề xuất tăng giá mua điện gió trên bờ lên mức 8,77 cent một kWh, tương đương 2.000 đồng.

Trong một văn bản gửi Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương đề xuất tăng giá mua điện gió tại Việt Nam lên mức 8,77 cent một kWh với dự án trên bờ và dự án trên biển là 9,95 cent một kWh. 

Với đề xuất này, giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá hiện hành được áp dụng từ năm 2011 đến nay, mức 7,8 cent một kWh (khoảng 1.770 đồng một kWh). 

Theo Bộ Công Thương, hiện điện gió Bạc Liêu là dự án duy nhất được đầu tư trên biển với mức giá mua 9,8 cent một kWh. Các dự án còn lại như điện gió Phú Lạc, Phong điện 1 Bình Thuận... đều có mức giá mua 7,8 cent một kWh, trong đó 6,8 cent do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chi trả, 1 cent chi từ Quỹ Bảo vệ môi trường. 

Riêng Nhà máy điện gió Bạc Liêu, được đầu tư trên biển, mức giá mua điện hiện nay tương đương 9,8 cent một kWh. 

Tính toán của cơ quan quản lý cho thấy, việc tăng giá mua điện gió cũng làm tăng không đáng kể chi phí sản xuất điện của EVN, tăng 0,08 đồng một kWh năm 2017; 0,23 đồng một kWh vào năm 2019.

Tại văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, các dự án điện gió đã đi vào vận hành hầu hết đang gặp khó khăn với mức giá mua điện 7,8 cent một kWh.

Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến chủ đầu tư khó thu xếp vốn vay ngân hàng, lợi nhuận thấp.

Đơn cử, dự án Điện gió Phú Lạc, công suất giai đoạn 1 là 24 MW, đã đi vào vận hành từ tháng 9/2016 và có sử dụng nguồn vốn vay ODA ưu đãi, hiện đã ký hợp đồng mua bán điện ở mức 7,8 cent một kWh, nhưng chủ đầu tư đang đề nghị xem xét tăng giá điện để đảm bảo hiệu quả của dự án.

Ông Trần Vĩnh Thông, phụ trách kỹ thuật Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình (đơn vị chủ đầu tư dự án điện gió Phú Lạc) cho biết, giai đoạn 1 của dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng, mỗi năm doanh thu hơn 100 tỷ, nhưng riêng tiền trả lãi vay cũng khoảng 70-80 tỷ đồng.

"Trừ khoản trả nợ vốn vay, lãi vay ngân hàng, mỗi năm doanh nghiệp chỉ còn khoảng 20-30 tỷ đồng cho tất cả chi phí sản xuất, vận hành, bảo dưỡng, lương cán bộ nhân viên...", ông Thông chia sẻ.

Với giá mua điện hiện 7,8 cent một kWh, chủ đầu tư điện gió Phú Lạc cũng cho hay, phải mất 14 năm dự án này mới có thể hoàn vốn đầu tư, trong khi vòng đời của một dự án điện gió chỉ khoảng 20 năm, sau đó thường phải dỡ bỏ do chi phí bảo dưỡng quá lớn, ngang bằng với đầu tư một dự án mới.

"Khó khăn nhất với mỗi dự án điện gió là giá mua điện hiện quá thấp, thời gian thu hồi vốn lâu", ông Thông thừa nhận. 

Tính toán của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tổng công suất điện gió năm 2017 là 206 MW. Con số này sẽ tăng lên 456 MW vào năm 2018 và 800 MW vào năm 2020. Bến Tre, Bạc Liêu, Trà Vinh và Sóc Trăng... là những địa phương được nhà chức trách đánh giá là nhiều tiềm năng trong phát triển điện gió ngoài khơi.

Do suất đầu tư mỗi dự án trên biển lớn nên nhà chức trách khuyến nghị chỉ nên phát triển dự án khu vực ven bờ, suất đầu tư khoảng 2.100 USD một kWh. 

Dù giá mua điện gió được nhà chức trách đề xuất tăng sau 7 năm "án binh bất động", chủ đầu tư dự án điện gió Phú Lạc cho rằng, ngoài tăng giá thì cần 2 điều kiện là tăng thời gian trả nợ vay ngân hàng và tổng chi phí vay phải thấp hơn 4% một năm... mới đủ sức khuyến khích các nhà đầu tư đến với năng lượng sạch. 

Tin bài liên quan