Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân: Chọn phương án có lợi cho dân

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân: Chọn phương án có lợi cho dân

Hai phương án điều chỉnh giảm số lượng bậc thuế thu nhập cá nhân (TNCN) lũy tiến từ 7 bậc hiện nay xuống còn 5 bậc, đồng thời điều chỉnh thuế suất như đề xuất của Bộ Tài chính được cho là sẽ dẫn tới những thay đổi lớn đối với cá nhân trong diện nộp thuế và ngân sách nhà nước nếu đưa vào áp dụng.

Điều dễ thấy nhất khi áp dụng một trong hai phương án nêu trên thể hiện ở hai khía cạnh: hoặc cá nhân được hưởng lợi, hoặc ngân sách nhà nước tăng thu.

Điều này tùy thuộc vào việc Quốc hội lựa chọn Phương án I hoặc Phương án II do Bộ Tài chính đề xuất.

Cụ thể, theo Phương án I, hàng tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng sẽ được giảm 3 triệu đồng/năm; thu nhập tính thuế 30 triệu đồng được giảm 10,2 triệu đồng/năm; thu nhập tính thuế 40 triệu đồng được giảm 9 triệu đồng/năm; thu nhập tính thuế 80 triệu đồng được giảm 7,8 triệu đồng/năm...

Còn theo Phương án II, hàng tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 15 triệu đồng phải nộp thêm 3 triệu đồng/năm; thu nhập tính thuế 30 triệu đồng nộp thêm 4,8 triệu đồng/năm; thu nhập tính thuế 50 triệu đồng phải nộp thêm 6 triệu đồng/năm; thu nhập tính thuế 80 triệu đồng nộp thêm 7,8 triệu đồng/năm.

Trên thực tế, sẽ không dễ khi lựa chọn phương án tối ưu. Bởi nếu lựa chọn Phương án I, thì ngân sách nhà nước sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 1.300 tỷ đồng trong khi nguồn thu từ hoạt động xuất-nhập khẩu giảm mạnh kể từ năm 2018 - lộ trình cuối cùng thực hiện các hiệp định thương mại tự do.

Hơn nữa, Quốc hội sẽ không dễ chấp thuận việc nâng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 11% vào năm 2019 và lên 12% vào năm 2020; nâng thuế suất thuế bảo vệ môi trường… vì các chính sách này tuy góp phần tăng thu, nhưng sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Nếu lựa chọn Phương án II, thì dù ngân sách nhà nước tăng thu mỗi năm ít nhất 500 tỷ đồng, song lại đi ngược xu hướng giảm thuế trực thu đang được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc lựa chọn Phương án I được xem là hợp lý hơn bởi đây là phương án có lợi hơn cho người dân và bởi các lý do sau:

Thứ nhất, kể từ năm 2012 (thời điểm sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân gần đây nhất) đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 6%, qua đó, thu nhập của người dân cũng tăng từ 1.748 USD/người (năm 2012) lên 2.385 năm 2017.

Thứ hai, trong nhiều năm trở lại đây, năm nào, Nhà nước cũng nâng lương tối thiểu cho người lao động, lương cơ sở cho khu vực nhà nước cộng với năng suất lao động tăng bình quân 6%/năm nên thu nhập thực tế của người lao động tăng, khiến số người nộp thuế cá nhân tăng lên.

Vì vậy, dù có “khoán sức dân” theo Phương án I, thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân có thể giảm trong một vài năm đầu, sau đó tăng trở lại.

Thứ ba, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định miễn thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; chuyên gia nước ngoài làm việc tại chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc Hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Trong khi người nước ngoài và người Việt Nam làm việc cho tổ chức nước ngoài được miễn thuế thu nhập cá nhân, thì không có lý do gì lại tăng thuế đối với người Việt.

Thứ tư, giá nhiều dịch vụ công cơ bản, thiết yếu, trong đó có y tế, giáo dục tăng liên tục trong nhiều năm gần đây và sẽ còn tăng để tiệm cận giá thị trường, nên khi thu nhập của người dân tăng, tất yếu chi phí cho y tế, giáo dục cũng tăng.

Do vậy, nếu nâng thuế thu nhập cá nhân, thì thu nhập thực tế của người dân bị giảm xuống.

Thứ năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn từ tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước, nên nếu tăng mức đóng góp của người dân vào ngân sách thì sẽ tác động ngay tới doanh thu dịch vụ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong nước, vì thu nhập thực tế của người dân bị giảm xuống.

Từ những lý do trên, sẽ là hợp lý nếu Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Quốc hội lựa chọn Phương án I trong tính thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần.

Hơn thế, nếu thực sự muốn khoan sức dân, thì đây là thời điểm thích hợp để Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên trên 9 triệu đồng/tháng, bởi thu nhập thực tế của người dân hiện cao hơn rất nhiều so với năm 2012.

Tin bài liên quan