Để tránh “bẫy thu nhập trung bình”

Để tránh “bẫy thu nhập trung bình”

(ĐTCK) Theo Báo cáo phát triển con người (HDR) năm 2013 do UNDP đưa ra tại Hội thảo “Cải cách kinh tế cho tăng trưởng bền vững…” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức ngày hôm qua (25/3), Việt Nam nằm trong số 40 nước đang phát triển đạt tiến bộ vượt dự kiến về phát triển con người với chỉ số phát triển con người tăng 41% trong 2 thập kỷ qua.

Cảnh giác với “bẫy thu nhập trung bình”

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã để lại những bài học sâu sắc về tầm quan trọng của mô hình phát triển bền vững và cân bằng hơn.

Từ một nước chậm phát triển, đến nay, Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế từ khi tiến hành đổi mới đến năm 2011 đạt bình quân khoảng 7%/năm. Sau khi tăng trưởng chậm lại trong các năm 2011 - 2012 do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế năm 2013 đạt 5,4% và dự kiến năm 2014 sẽ tăng trưởng hơn 5,8 - 6%. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% trong đầu thập niên 90 của thế kỷ trước xuống còn 7,8% năm 2013.

Tuy nhiên, cũng theo ông Minh, việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam, trong đó nổi lên là thách thức tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. “Vì vậy, quyết tâm cải cách kinh tế đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là phương thức cơ bản để tạo ‘sức bật’ mới cho Việt Nam phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Minh nhấn mạnh.

Cải cách hoặc phải chấp nhận thụt lùi cũng là quan điểm được hầu hết ý kiến nhất trí. Các chuyên gia cho rằng, lộ trình cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế, không thể chần chừ hơn được nữa. Và nếu không đổi mới tư duy, quan điểm phát triển thì nền kinh tế sẽ chỉ quanh quẩn ở mức tăng trưởng thấp và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vẫn chỉ là những lời hô hào.

Về các giải pháp cải cách cụ thể, ông David Dollar, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, có 4 lĩnh vực cần tái phân bổ các nhân tố sản xuất, nhằm hỗ trợ tăng trưởng tại Việt Nam. Thứ nhất là chuyển nguồn lực từ nông nghiệp sang lĩnh vực chế tạo, dịch vụ. Thứ hai là chuyển nguồn lực từ khối phi chính thức quy mô nhỏ sang khối tư nhân hiện đại. Thứ ba là dịch chuyển từ các dự án hạ tầng với tỷ lệ lợi nhuận thấp sang các dự án đầu tư công kết hợp với tỷ lệ nhuận cao. Thứ tư là dịch chuyển nguồn lực từ các DNNN kém hiệu quả sang các DNNN hiệu quả hơn và sang khối DN tư nhân.

Xác lập lợi thế so sánh mới

Cũng tại Hội thảo, nhận định về những lợi thế của Việt Nam, bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP nhấn mạnh: “Việt Nam có nhiều điểm mạnh, trong đó có lực lượng lao động tương đối trẻ và cạnh tranh, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và ở vị trí trung tâm một khu vực phát triển năng động. Trong khi xem xét các biện pháp cải cách thuộc thế hệ mới, Việt Nam có thể lựa chọn con đường phát triển bao trùm và bền vững”.

Theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), số người dùng Internet tại Việt Nam hiện đạt gần 31 triệu người, chiếm khoảng 34% dân số, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á và thứ 8 ở châu Á. Lực lượng lao động trẻ, có khả năng thích ứng cao với công nghệ chính là lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong cuộc chiến cạnh tranh thu hút đầu tư toàn cầu.

Gợi ý một số lĩnh vực quan trọng để Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình cải cách, bà Helen Clark cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp căn cơ hơn để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vốn là thế mạnh của đất nước. Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội tốt hơn cho các ngành công nghệ cao và tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm truyền thống để giúp Việt Nam có thể xác lập được lợi thế so sánh với các nền kinh tế khu vực và thế giới.

Ghi nhận những ý kiến trên, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam xác định phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt đến năm 2020 với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu.

“Để thực hiện nhiệm vụ đó, cần phát huy tối đa nhân tố con người, xác định con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội”, ông Minh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan