Mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Ngày 23/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thống kê, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Sau khi Luật Thống kê được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động để triển khai thi hành Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến nay, sau gần năm năm thực hiện cho thấy Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thống kê đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê.
Tuy nhiên, nhu cầu thông tin thống kê phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nền kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong thời gian qua ngày càng tăng cao về cả số lượng, chất lượng và độ tin cậy của thông tin thống kê. Cùng với đó, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng sử dụng thông tin thống kê ngày càng nhiều và đa dạng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Mặc dù Hệ thống thống kê nhà nước tuy đã có nhiều đổi mới trong hoạt động và nâng cao năng lực nhưng vẫn còn chậm, bất cập, nhất là bất cập yêu cầu về số lượng và chất lượng số liệu thống kê.
Trong quá trình thực hiện chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các Bộ, ngành liên quan nhận thấy một số hạn chế, bất cập như sau: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 20 lĩnh vực với 186 chỉ tiêu thống kê, tuy nhiên chưa quy định những chỉ tiêu phản ánh xu hướng phát triển về kinh tế - xã hội trong thời gian tới như: Môi trường, thảm họa môi trường, biến đổi khí hậu; dịch bệnh; giới, bình đẳng giới và các nhóm yếu thế trong xã hội; tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ứng dụng khoa học công nghệ; công nghiệp hoá; đô thị hoá; phát triển khu vực tư nhân; khoảng cách về phát triển xã hội giữa các vùng miền…
Một số chỉ tiêu thống kê trong 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia cần được sửa đổi, điều chỉnh về khái niệm, phương pháp tính, phân tổ, nguồn số liệu, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp cho phù hợp với tình hình thực tế và bối cảnh mới, như: Chỉ tiêu 0406 - Số lượng nhà ở, tổng diện tích nhà ở hiện có và sử dụng: Chỉ tiêu này được thu thập qua Tổng điều tra dân số và nhà ở; điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ. Tuy nhiên, nguồn số liệu này chỉ tính được chỉ tiêu liên quan đến ngôi nhà/căn hộ mà hộ dân cư đang ở, do vậy không thể tính được toàn bộ “số lượng nhà ở” (bao gồm cả những ngôi nhà không có người ở) và “tổng diện tích nhà ở hiện có và sử dụng".
Chỉ tiêu 1106 - Chỉ số giá xây dựng: Chất lượng chỉ tiêu chưa đáp ứng do nguồn thông tin còn hạn chế nên gây khó khăn trong việc công bố và sử dụng chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, kinh phí ngân sách cấp cho việc thực hiện các các cuộc điều tra quốc gia, địa phương, ngành, lĩnh vực còn hạn hẹp; quy định mức chi trong điều tra quá hạn chế, thiếu một số nội dung chi, thủ tục thanh toán chi cho điều tra còn phức tạp...
Do đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê quốc gia của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì việc xây dựng dự án Luật Thống kê sửa đổi (Sửa đổi Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia) là cần thiết.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia sửa đổi. Dự thảo gồm 205 chỉ tiêu. So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê năm 2015, dự thảo này có một số thay đổi như sau: Giữ nguyên 172 chỉ tiêu; sửa tên 12 chỉ tiêu; bỏ 02 chỉ tiêu; bổ sung 21 chỉ tiêu.