Đề nghị nâng tuổi thanh niên lên 35

Dự thảo Luật quy định tuổi thanh niên từ 16 đến 30, song nhiều đại biểu đề nghị nâng lên 35.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Thảo luận dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) chiều 21/11, đại biểu Mai Thị Kim Nhung - Bí thư Thành đoàn thành phố Đông Hà (Quảng Trị) nêu hàng loạt lý do cần thiết phải tăng độ tuổi thanh niên lên 35.

Bà Nhung nói, tuổi thọ bình quân của Việt Nam đã tăng, sức khỏe thể chất được cải thiện nhiều so với thời kỳ trước. 

Bên cạnh đó, tăng tuổi thanh niên sẽ tập hợp được đông đảo lực lượng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo thuận lợi cho việc bố trí cán bộ Đoàn. 

Theo bà Nhung, Viện Nghiên cứu Thanh niên thuộc Trung ương Đoàn đã khảo sát 196 quốc gia trên thế giới, trong đó 95 nước quy định độ tuổi thanh niên tối đa trên 30 tuổi (45 quốc gia quy định thanh niên từ 35 đến 40 tuổi).

"Nếu chúng ta quy định độ tuổi thanh niên tối đa 30 thì các cơ sở đoàn khu vực hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có rất ít đoàn viên, khó hoạt động", bà nói.

Đề nghị nâng tuổi thanh niên lên 35 ảnh 1

Đại biểu Mai Thị Kim Nhung. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Chung ý kiến, đại biểu Triệu Thanh Dung - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Cao Bằng cho rằng, thực tế rất nhiều người dù đã qua tuổi thanh niên nhưng suy nghĩ, sự sáng tạo, ý chí, nhiệt huyết trong lao động, học tập vẫn như thanh niên.

"Quốc hội vừa thông qua quy định nâng tuổi nghỉ hưu nam tăng thêm 2 tuổi, nữ tăng thêm 5 tuổi, vì vậy kéo dài thêm tuổi thanh niên cũng phù hợp với thực tế và điều kiện của đất nước", bà Dung nhấn mạnh.

"Mặc dù điều lệ Đoàn Thanh niên quy định đoàn viên từ 16 đến 30 tuổi, nếu có nguyện vọng thì tham gia sinh hoạt đoàn đến 35 tuổi, nhưng thực tế đa số các cơ sở đoàn trong khối Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính nhà nước đều giữ đoàn viên sinh hoạt đến 35 tuổi vì nếu cho trưởng thành đúng 30, số lượng đoàn viên sẽ rất ít", bà Dung nói và cho rằng, điều này ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn.

Từng là Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, đại biểu Vũ Trọng Kim cũng đồng tình "cần có những cánh chim đầu đàn 30 đến 35 tuổi, là những người đã thành đạt, dẫn dắt các bạn cùng tiến".

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lại nhất trí với quy định độ tuổi thanh niên từ 16 đến 30 tuổi như dự thảo Luật.

Bà cho rằng, không nên quy định đến 35 tuổi hoặc hơn vì quy định độ tuổi còn liên quan đến việc nhà nước tập trung nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên phát triển như ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo nghề...

Bà phân tích, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là 18 tuổi, có thể bắt đầu đi làm, khởi nghiệp. Nếu lên đại học, học nghề thì trung bình từ 21 tuổi đến 23 tuổi thanh niên đã tốt nghiệp và đi làm. "Các chính sách hỗ trợ thanh niên không nên kéo dài đến 35 tuổi, khi thanh niên đã đi làm được trên 10 năm", bà nói.

Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Luật năm 2005 đã quy định độ tuổi thanh niên từ 16 đến 30 tuổi, quá trình thực hiện Luật đến nay chưa thấy phát sinh vấn đề cần phải nghiên cứu sửa đổi.

Hơn nữa, ban soạn thảo thấy độ tuổi thanh niên ở các nước cũng trung bình từ 15 đến 30, ví dụ Philippines, Syria, Indonesia, Lào từ 15 đến 30, Thái Lan từ 18 đến 25, Hàn Quốc từ 9 đến dưới 24...

"Việc quy định về độ tuổi trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo tốt các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, không ảnh hưởng đến độ tuổi của những người tham gia các tổ chức đoàn thanh niên", ông Tân nói và cho biết cơ quan soạn thảo ghi nhận ý kiến đại biểu để tiếp tục nghiên cứu.

Đây là lần đầu tiên dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) được trình Quốc hội xin ý kiến. Các đại biểu sẽ tiếp tục xem xét dự luật này tại kỳ họp giữa năm 2020.

Tin bài liên quan