Để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” thời hậu dịch

Để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” thời hậu dịch

(ĐTCK) Hàng nghìn lãnh đạo doanh nghiệp, chủ các hộ kinh doanh, cán bộ trong các cơ quan quản lý đã theo dõi Hội nghị Thủ tướng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sáng 9/5 để nắm bắt chủ trương, điều hành nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch. Định hướng chính sách và các giải pháp đặc biệt cho giai đoạn hậu dịch, nhằm tái thiết nền kinh tế đã được chuyển tải rất rõ ràng qua sự kiện này.

“Cơ hội vàng” từ tín hiệu phục hồi

Những thông tin được doanh nghiệp và hiệp hội chia sẻ đã phần nào xua đi sự u ám của tình hình dịch bệnh, dấy lên niềm tin cũng như sự tự tin, nhuệ khí cho cộng đồng.

Ðơn cử, với ngành dệt may, hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu giảm 6% so với cùng kỳ, hạn chế được thiệt hại so với mức dự báo sụt giảm 2 con số.

Nỗ lực trong đàm phán và thương thảo đã giúp doanh nghiệp dệt may đạt được thỏa thuận với các tập đoàn lớn trên thế giới về việc thanh toán cho phần chi phí lao động trong các đơn hàng đã hoàn thành sản phẩm nhưng do giãn cách, đóng cửa nền kinh tế thế giới nên họ chưa nhận bàn giao hàng.

Cùng với các giải pháp sáng tạo trong việc chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang, phòng dịch y tế, phần lớn doanh nghiệp dệt may tiếp tục duy trì được công việc và đảm bảo được lương tối thiểu cho người lao động, để sẵn sàng có nguồn lực cho các đơn hàng phục hồi trở lại sau dịch bệnh.

Với ngành thủy sản, từ tháng 4, đơn hàng đã gia tăng mạnh trở lại, kim ngạch tháng này đạt hơn 700 triệu USD.

Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, đến tháng 6, nhiều khả năng, thị trường sẽ trở lại bình thường và nhu cầu tiêu dùng sẽ cải thiện mạnh mẽ tại các thị trường chủ lực của ngành.

Ở từng doanh nghiệp, tập đoàn, nỗ lực giảm bớt thiệt hại so với kịch bản đang được thực thi mạnh mẽ.

Theo chia sẻ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải, 4 tháng đầu năm, tập đoàn này giảm 30% doanh thu so với cùng kỳ 2019. Dự báo năm 2020, nhu cầu thị trường sẽ giảm 25%, song Tập đoàn sẽ cố gắng để chỉ giảm đóng góp ngân sách tối đa 15%.

Thành công của Việt Nam trong kiểm soát và khống chế dịch bệnh đã tạo niềm tin vững chắc với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài về việc nếu có quyết tâm và sự đồng lòng trong hành động, có giải pháp thực thi hiệu quả, Việt Nam sẽ thực hiện được các mục tiêu đề ra.

Ðây là cơ sở để các nhà đầu tư vững tin, dự án, kế hoạch đầu tư, kinh doanh của họ sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, khó khăn, nút thắt sẽ sớm được gỡ bỏ.

Bằng chứng là trong tháng 4 và đầu tháng 5, nhiều đoàn chuyên gia của Tập đoàn Samsung, các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản… đã được nhập cảnh vào Việt Nam, tuân thủ các quy định chặt chẽ về phòng dịch, để sớm bắt tay trở lại vào công việc.

“Sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trong các ngành có tiềm năng đã được chứng minh hiệu quả ngay cả trong đại dịch như công nghiệp chế biến”, ông Hong Sun, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tin tưởng nói.

Trước thềm hội nghị này, Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng nhận định, nằm trong nhóm nước ít bị ảnh hưởng và dự báo sẽ vượt qua cơn bão suy thoái toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầy hứa hẹn khi làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài sang các nước Ðông Nam Á.

“Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài tháng qua đã khiến nhiều quốc gia nhận thấy sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, mà không chỉ tập trung tại Trung Quốc. Ðây là cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam”, đại diện Cục Ðầu tư nước ngoài nêu quan điểm.

Thông tin từ Cục Ðăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng rất đáng chú ý khi cho thấy, mặc dù số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong tháng 3 -  4 là giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh gia tăng mạnh, song nhiều doanh nghiệp chỉ đóng băng trong giai đoạn này, sau đó lại tái hồi phục.

“Phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa rời khỏi thị trường, họ kích hoạt chế độ “ngủ đông” và nghe ngóng tính hình thị trường, khi có dấu hiệu tích cực từ sự phục hồi, họ sẽ thức dậy và tái khởi động một cách nhanh chóng”, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Ðăng ký kinh doanh nhận xét.

Phân tích kỹ số liệu cho thấy, riêng tháng 4 đã có gần 4.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này cho thấy một bộ phận doanh nghiệp đã thoát khỏi chế độ “ngủ đông” và tái khởi động lại để chuẩn bị đón những cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt khi họ vững niềm tin về tiềm năng thị trường.

Tính đến 8/5/2020, hệ thống các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng, với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt khoảng 630.000 tỷ đồng cho khoảng 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến 0,5-2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng 1.004 tỷ đồng

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Quan điểm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp từ các cơ quan quản lý nhà nước là rất rõ ràng qua khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19”.

Một dự thảo nghị định về phối hợp, liên thông các thủ tục giữa nhiều cơ quan chưa từng có tiền lệ đang được Bộ Kế hoạch và Ðầu tư khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt ban hành dự kiến trong tháng 6 tới đây, nhằm tạo thuận lợi tối đa cả về thủ tục, thời gian, chi phí cho khởi sự kinh doanh và gia nhập thị trường.

Cụ thể, với việc liên thông 4 loại thủ tục, bao gồm cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in, doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Thời gian, công sức và chi phí khởi động kinh doanh sẽ có thể giảm 4 lần so với hiện nay khi 4 loại thủ tục chính được liên thông.

Thời điểm đặc biệt, sẽ có chính sách đặc biệt

Nhiều giải pháp hiến kế cho công cuộc tái thiết nền kinh tế tiếp tục được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành với tinh thần, thời điểm đặc biệt cần có chính sách đặc biệt, không “xin” hỗ trợ về tiền, mà cần những cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo nên những đột phá mới.

Để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” thời hậu dịch ảnh 1

“Với những dự án đang triển khai trước dịch, phải cho khởi động lại. Thậm chí, có cơ chế vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục. Chính phủ cần xem xét từng lĩnh vực đặc thù và có chính sách đặc thù cho từng ngành như hàng không, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng”, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội Doanh nhân Sao Ðỏ  nhấn mạnh.

Có chung quan điểm về việc không nên đưa ra các cứu trợ trực tiếp về tiền làm mất nhuệ khí doanh nhân và tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại từ Nhà nước, Chủ tịch Tập đoàn Trường Hải Trần Bá Dương đề nghị, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần cân nhắc đảm bảo nguyên tắc thị trường, khuyến khích đổi mới trong doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ trên thế giới.

Với riêng các doanh nghiệp miền Trung, cải thiện cơ sở hạ tầng như có cảng nước sâu đón được tàu lớn, có đường cao tốc để thông thương, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu dễ dàng, giảm phí logistic là quan trọng. Những doanh nghiệp như Trường Hải sẵn sàng xung phong ứng vốn để đầu tư hạ tầng và triển khai hoàn thu theo các quy định của pháp luật.

Ông Ðặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam lại chuyển tải  mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp về các giải pháp “khiến doanh nghiệp phải ồ lên”.

Trong đó, các doanh nghiệp phản ánh nhu cầu giảm chi phí vốn đầu vào ở các ngân hàng, từ đó mới có dư địa để giảm chi phí vốn đầu ra cho doanh nghiệp.

“Nên chăng Ngân hàng Nhà nước xem xét áp trần lãi suất 1 năm với mức 5%, nếu người dân không gửi tiền, họ có thể chuyển đầu tư qua kênh chứng khoán, bất động sản, dịch vụ”, doanh nhân trẻ đề xuất.

Dẫu vậy, hàng nghìn phản ánh gửi về Thủ tướng Chính phủ vẫn cho thấy một thực tế đáng suy nghĩ.

Ðó là mặc dù Chỉ thị 11/CT-TTg, chỉ thị sớm nhất về hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành gần 2 tháng nhưng cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các cơ quan có trách nhiệm.

“Doanh nghiệp vẫn phải nộp các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, trả nợ lãi vay… bình thường như trước đây. Các văn bản doanh nghiệp đề nghị với các cơ quan thuế, ngân hàng đều chưa được xem xét, giải quyết với lý do chờ hướng dẫn của cấp trên”, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của VCCI nêu rõ.

Những thảo luận dân chủ và kiến nghị thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp cả nước đã cho thấy một bức tranh rõ nét và thực tế của nền kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phần kết luận hội nghị đã nhiều lần nhắc đến “nút thắt” triển khai.

Nếu không sớm có các giải pháp quyết liệt và đặc biệt, cơ hội sẽ vuột trôi qua. Thủ tướng khẳng định, cả nước đã thành lập một trạng thái “bình thường mới” để khôi phục sản xuất - kinh doanh và sẽ tiếp tục chủ trương đó, tới đây, các chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài được tiếp tục vào Việt Nam để làm việc, hợp tác, phát triển kinh tế.

“Covid-19 là đại dịch nhưng là cơ hội cho Việt Nam nếu chúng ta biết hợp tác tốt”, Thủ tướng khẳng định và chỉ đạo cần tháo gỡ vướng mắc ở các địa phương, đẩy nhanh thủ tục để doanh nghiệp đầu tư, triển khai dự án. Chủ tịch các tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc này, mỗi địa phương phải có chương trình hành động cụ thể để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bên cạnh Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp được ban hành tới đây, Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp không được trông chờ ỷ lại trong phát triển, cần tái cơ cấu để nâng cao quản trị doanh nghiệp, phát triển bền vững; đặc biệt áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất. “Giữ lao động, giữ thị trường, giữ danh dự bản lĩnh doanh nhân Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ thông điệp của Chính phủ tại Hội nghị có thể thấy rất rõ ràng chủ trương nhất quán rằng, Việt Nam sẽ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ giá trị đồng Việt Nam. Ðây cũng là những nền tảng để cộng đồng nhà đầu tư yên tâm về một nền kinh tế đang nỗ lực vươn lên sau đại dịch với sức bật và năng lực sáng tạo luôn phải “đánh bại khó khăn”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” thời hậu dịch ảnh 2

Từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá  cao qua những thành công đạt được trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Ðây là cơ hội để thế giới biết tới Việt Nam với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Lợi thế này có thể tạo đà cho Việt Nam đi trước một bước để phục hồi nền kinh tế, thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế. 

Bên cạnh đó, tác động từ dịch Covid-19 đã tạo ra nhận thức mới, xu hướng tiêu dùng mới; các mô hình kinh doanh mới, đem lại cơ hội thị trường để hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới.

Ðây thực sự là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.

Hơn nữa, các hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA… chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí hiệu quả hơn nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh.  

Ðây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú huých lớn cho sự phát triển thần kỳ.

Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.

Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần thích nghi với điều kiện: vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất - kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” thời hậu dịch ảnh 3

Có 4 nhiệm vụ cần triển khai, thứ nhất, khơi thông thị trường thông qua thương mại điện tử và hạ tầng thương mại; thứ hai, rà soát cùng địa phương để tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thương mại, tạo kích cầu lớn hơn, tạo động lực lớn hơn cho tăng trưởng phục vụ phát triển thị trường trong nước; thứ ba, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả hơn nữa bằng việc tập trung quyết liệt cho những địa bàn, mặt hàng đang là điểm nóng; thứ tư, phát triển thông qua gói kích cầu tập trung cho một số ngành hàng có nhu cầu và tiềm năng phát triển, đặc biệt gắn với đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Thị trường ngoài nước cũng được đặc biệt quan tâm trọng điểm trong nửa cuối năm 2020, như là một điểm nhấn tạo nên sức bật cho kinh tế của Việt Nam, trong đó có thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Ðông Bắc Á, ASEAN…

Bộ Công Thương đang xây dựng các đề án cụ thể phát triển cho từng khu vực, thị trường, ngành hàng ngay khi Covid-19 được kiểm soát và khống chế thành công trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ chủ động triển khai với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.

Nhiệm vụ này tập trung 4 nội dung, gồm: mở cửa thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại; gắn kết với chuỗi cung ứng thị trường ngoài nước; các hoạt động phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong các vụ kiện tranh chấp cũng như phát triển bền vững tại thị trường này.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí

Để không bỏ lỡ “cơ hội vàng” thời hậu dịch ảnh 4

Hiện nay, các hoạt động kinh tế ảnh hưởng do dịch bệnh nên thất nghiệp và không có thu nhập sẽ tiềm ẩn bùng phát các tệ nạn xã hội, cướp giật tài sản, buôn lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả để trục lợi. Chúng ta cần phải tiếp tục quyết liệt đấu tranh xử lý những loại tội phạm này. Ngành Kiểm sát sẽ thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ để góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch, tạo niềm tin và sự an tâm cho người dân và doanh nghiệp. Trước hết sẽ không hình sự hoá các quan hệ kinh tế dân sự, nhất là những trường hợp chủ thể sai phạm đã chủ động có phương án khắc phục hậu quả xảy ra. Ngành kiểm sát cũng tăng cường kháng nghị, kiến nghị các vụ án, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người dân và doanh nghiệp. Ðồng thời xem xét, truy tố và kiên trì thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội.

Tin bài liên quan