Để hiện thực giấc mơ hùng cường

Để hiện thực giấc mơ hùng cường

(ĐTCK) Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước phát triển, sánh vai cường quốc năm châu. Đâu là câu trả lời chung cho những câu hỏi bức thiết đó của Việt Nam?

Câu hỏi mà cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cũng như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra trước cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và những tài năng Việt đang làm việc và nghiên cứu trong và ngoài nước, đều có một câu trả lời chung: Đó là công nghệ, là đổi mới sáng tạo.

Trong bài viết nhân Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam (18/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghệ cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sáng tạo, sử dụng và kiểm soát công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Cơ hội có một không hai

Cuộc cách mạng số, đặc biệt là sự phát triển mới của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả.

Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Đây cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ nội địa đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu.

“Sử dụng công nghệ nhân loại, phát triển công nghệ mới, từ đó làm ra giải pháp và sản phẩm để thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới. Make in Vietnam. Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục chỉ lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ hơn con đường của đổi mới, sáng tạo.

Quả thực, ngày nay, bất kỳ doanh nghiệp nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, đều liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới.

Những công ty áp dụng công nghệ để thay đổi sản phẩm, thay đổi cách tạo ra sản phẩm, cũng như mô hình kinh doanh sẽ góp phần định hình lại thế giới.

Các công ty công nghệ, dù là phát triển công nghệ hay sản xuất công nghệ hay cung cấp công nghệ như là dịch vụ, là nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp, vào toàn bộ nền kinh tế và xã hội.

Nghiên cứu và phát triển (R&D) đã giúp một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản như Vicostone xoay chuyển nghịch cảnh, lọt vào Top 4 nhà sản xuất đá thạch anh lớn nhất thế giới, sản phẩm được xuất khẩu đi hơn 40 thị trường và hiện đem lại lợi nhuận mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. 

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Vicostone nói rằng, mỗi năm, ngân sách chi cho công tác R&D chiếm 1  -2% doanh thu của doanh nghiệp. Không có R&D, doanh nghiệp dù có thành công đến đâu cũng chỉ là kinh doanh ngắn hạn.

Công tác này giúp giải quyết những vấn đề phát sinh trong sản xuất đến việc tạo ra các loại vật liệu mới trong tương lai. Một trong những mục tiêu của doanh nghiệp là tới năm 2020 sẽ nội địa hóa 95% nguồn nguyên liệu đầu vào.

Ông Phạm Hải Văn, CEO Hararavan Miền Bắc, đơn vị đã cung cấp giải pháp công nghệ cho 100 thương hiệu lớn lấy ví dụ về sự lợi hại của việc áp dụng công nghệ. Ở Vinamilk, thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh số bán lẻ của 400 cửa hàng, giảm thời gian và chi phí giao hàng đến 40%.

Tại The Coffee House, năm 2018, chuỗi cửa hàng này phục vụ gần 2 triệu khách hàng, tốc độ tăng trưởng đạt 300%/năm trong 4 năm, 40% đơn hàng đến từ ứng dụng điện tử.

Hay thương hiệu giày Juno phục vụ tới 1,5 triệu khách hàng trong năm 2018, tăng trưởng 250%/năm kể từ 2016 đến nay, giảm 40% chi phí marketing cho khách hàng cũ dựa bằng việc số hóa dữ liệu khách hàng, tỷ lệ tương tác với khách hàng tăng 300% trên các kênh online.

Trong bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chỉ rõ, trong những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho khoa học - công nghệ của Việt Nam gia tăng đều qua các năm, tuy nhiên, tỷ lệ chi cho khoa học và công nghệ trên GDP chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước.

Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đánh giá: Việt Nam đang tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, về đổi mới sáng tạo và về năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chi tiêu cho nghiên cứu phát triển cả khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1% GDP).

Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình.

Do vậy, cả Nhà nước và và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học, công nghệ và ưu tiên chi cho lĩnh vực này một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn; đồng thời, chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, ứng dụng thấp, gây lãng phí.

“Các doanh nghiệp cần hiểu rằng, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là một trong những phương pháp tốt nhất để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh, có thể giành được vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Gốc rễ là con người

Vậy đâu là điểm kích hoạt khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu và phát triển?

CEO Hararavan Miền Bắc cho rằng, doanh nghiệp cần thích nghi với công nghệ bởi hành vi của người dùng đã thay đổi. Việt Nam có tới 70% dân số dùng internet, online 28 giờ/người/tuần, đặc biệt là thế hệ Y và Z, thương mại điện tử tăng trưởng 30%/năm.

Chắc chắn rằng, khi chuyển đổi số diễn ra nhanh và trên phạm vi toàn quốc, trong mọi lĩnh vực, từ doanh nghiệp tới chính phủ và xã hội, sẽ tạo ra những thay đổi vô cùng lớn trên thị trường và cả nền kinh tế.

Ông Hồ Xuân Năng cho rằng, để R&D hiệu quả, doanh nghiệp phải có quyết tâm, có tầm nhìn và ít nhất là phải có nguồn lực dài hạn về tài chính, đặc biệt quan trọng là nguồn lực nhân sự. Thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp là phải đưa ra được một tầm nhìn dài hạn và chuẩn xác.

Do đó, vai trò của người lãnh đạo là rất quan trọng trong vấn đề này. Tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh bằng sự khác biệt càng cần phải có bí quyết công nghệ của riêng mình, bởi vậy không thể thiếu R&D.

Khi đã có tầm nhìn chuẩn, thách thức lớn tiếp theo là vấn đề con người, phải có nguồn nhân sự chuyên môn có năng lực, tạo môi trường chuyên nghiệp, tự do sáng tạo và được thừa nhận, trang bị đầy đủ điều kiện làm việc (trang thiết bị, dụng cụ, tài chính cho R&D…), chính sách về đào tạo, chế độ thu nhập và khuyến khích cho người lao động.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Người Việt Nam thông minh, thích nghi nhanh với sự thay đổi, có khả năng may đo sản phẩm theo nhu cầu cá thể. Lại có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc kết nối Việt Nam để xây nên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

“Nhân tài có đặc tính là toàn cầu. Việt Nam sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây. Cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận: Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ cho phép thử nghiệm trong một không gian và thời gian giới hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Những “đặc khu công nghệ”, “đặc khu đổi mới sáng tạo”, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ, có thể được Chính phủ xem xét. Đối với người tài, điều đầu tiên là được sáng tạo, được thử thách. Thách thức càng lớn càng lôi cuốn họ.

Tại Diễn đàn Công nghệ quốc gia Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Chú ý đặc biệt những giải pháp không theo khuôn mẫu.

“Chúng ta muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ cũng sẽ xem xét việc tạo điều kiện để phát triển một số tập đoàn công nghệ lớn. Thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam ở các lĩnh vực dịch vụ như thương mại, bất động sản, tài chính… có nguồn lực về tài chính và quản trị tốt, có tinh thần khởi nghiệp đã đầu tư vào phát triển công nghệ, công nghiệp. Một số công ty dịch vụ của Việt Nam tuyên bố chiến lược mới về một tập đoàn công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ như Viettel, Vingroup, VNPT… tạo ra kỳ vọng hình thành các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có quy mô lớn.

Tương lai của chính những công ty này sẽ là sự hưng thịnh của đất nước. Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia đã “hoá rồng” về cơ bản trên nền tảng của một số tập đoàn công nghệ lớn.

Khi có sự dẫn dắt của những con sếu đầu đàn, một hệ sinh thái cho đổi mới, sáng tạo cũng như trận đánh lớn về công nghệ với quy mô toàn dân có khả năng tạo sức bật cho nền kinh tế.

Giáo sư Phan Văn Trường, Cố vấn thương mại của Chính phủ Pháp, người đã có 46 năm kinh nghiệm lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu cho rằng, những công ty khởi nghiệp, bước đầu là sử dụng công nghệ của nhân loại để phát triển các giải pháp, sản phẩm hoặc cung cấp các dịch vụ công nghệ cho các công ty khác đổi mới công nghệ. Để rồi bước tiếp theo sẽ là phát triển công nghệ.

Nhiều công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Việt Nam luôn thành công khi phát động được toàn dân. Và hàng nghìn khởi nghiệp thành công sẽ tạo ra diện mạo mới, tương lai mới cho đất nước.

Chìa khóa thành công trong việc vươn lên đứng đầu trong những quốc gia về sáng tạo và đổi mới của Israel, được đại sứ nước này chia sẻ với báo giới Việt Nam là tư duy dám nghĩ, dám làm và dám thất bại.

Ý tưởng là rất tốt, nhưng chưa thể đủ, điều quan trọng là làm thế nào để thực hiện những ý tưởng đó, biến chúng thành thực tế. Vai trò của chính phủ là rất quan trọng, để có thế biến những ý tưởng này thành hiện thực.

Trước mắt, một cầu nối giữa các cơ quan nghiên cứu, giới học thuật với các doanh nghiệp tư nhân đang rất cần bàn tay “bà mối” của Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý.

Một đất nước hoá rồng phải mất nhiều thập kỷ. Sự chuyển đổi lớn nhất là sự chuyển đổi của tất cả mọi người trong xã hội. Chuyển đổi về đổi mới, sáng tạo do đó sẽ là quá trình đầy thách thức nhưng nếu không đi sẽ không tới. Khi có khát vọng, có tầm nhìn và đã có con đường, hãy dấn bước để nuôi giấc mơ về một ngày cường thịnh của đất nước.                 

Tin bài liên quan