Công cuộc chống tham nhũng hiện nay đang tạo ra tác động phòng ngừa, ngăn chặn các hậu quả nghiêm trọng khó có thể đong đếm.

Công cuộc chống tham nhũng hiện nay đang tạo ra tác động phòng ngừa, ngăn chặn các hậu quả nghiêm trọng khó có thể đong đếm.

Đề cao môi trường kinh doanh liêm chính

(ĐTCK) Khá nhiều doanh nhân ngạc nhiên khi phần giải đáp từ các bộ ngành, cơ quan quản lý trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp, doanh nhân cuối năm 2019 lại được bắt đầu từ những người đứng đầu các cơ quan tư pháp, bảo vệ pháp luật.

Thông điệp chung được lãnh đạo Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh và chia sẻ cụ thể tại đây là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho các doanh nhân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh minh bạch và các cơ quan này chỉ đồng hành với doanh nghiệp làm ăn chân chính.

“Viện Kiểm sát đã ban hành công văn tới các kiểm sát viên thông báo thận trọng trong xem xét. xử lý các vụ việc. Nếu có sai phạm sẽ tạo điều kiện cho các bên liên quan khắc phục. Có những vụ việc đã khởi tố tạm giam bị can, tôi đã chỉ đạo đình chỉ”, ông Lê Minh Tiến, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chia sẻ.

Tâm lý lo ngại, lo sợ ở một bộ phận doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp trong năm 2019 được nhìn nhận cần được giải tỏa để tạo khí thế và động lực mới bước vào năm 2020.

Nhìn nhận về góc độ này, trò chuyện với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, khi xử lý một vụ án, các cơ quan bảo vệ pháp luật luôn luôn phải cân nhắc giữa 2 vấn đề.

Một mặt là yêu cầu các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi tham nhũng phải bị xử lý nghiêm và thu hồi tài sản triệt để cho Nhà nước.

Mặt khác phải cân nhắc sự ổn định, phát triển của đất nước, của xã hội, chứ không phải chỉ có việc trừng trị và xử lý người có tội. Suy cho cùng, xử lý phải nhằm đảm bảo cho sự phát triển, chứ không phải xử lý làm triệt tiêu động lực phát triển. 

Những người có hành vi vi phạm và bị xử lý thời gian qua, theo ông Quảng, chủ yếu rơi vào 2 nhóm. Họ là người thuộc các cơ quan nhà nước, trong đó có những người nắm chức vụ quản lý nhà nước ở các bộ, ban ngành, sở..., hoặc người làm kinh tế nhà nước (lãnh đạo các ngân hàng, các tập đoàn kinh tế...).

Họ cũng có thể là những người liên quan đến 2 nhóm đối tượng trên nhưng ở bên ngoài  nhà nước (ví dụ trong vụ án AVG, nhóm người định giá đồng phạm với người bên trong cơ quan nhà nước).

“Chúng tôi rất trăn trở mỗi khi ký cáo trạng. Trước khi đặt bút phê chuẩn quyết định xử lý một vụ việc, chúng tôi luôn tự hỏi xử lý con người đó để làm gì, có làm tốt hơn cho cả xã hội không, có thu được thiệt hại người ta gây ra cho Nhà nước không. Nếu chỉ quy cho người ta một mức án, chúng tôi quan niệm mới chỉ xử lý được 30%”, ông Quảng nói thêm.

Ông chia sẻ, trong hội thảo của Ban Nội chính Trung ương, có ý kiến đặt vấn đề, phải chăng chống tham nhũng đang làm mạnh quá, quyết liệt quá, làm triệt tiêu sự phát triển?

Tuy nhiên, tại hội thảo này, ông đã khẳng định, nhận định trên là không có cơ sở, mang tính suy đoán về mặt chủ quan.

Bởi vì, rõ ràng trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, sự phát triển chung của toàn xã hội vẫn đảm bảo, thậm chí còn tăng trưởng và ổn định cao hơn các năm trước, do đó không thể nói là chống tham nhũng làm triệt tiêu sự phát triển.

Trái lại, công cuộc chống tham nhũng hiện nay đang tạo ra tác động phòng ngừa, ngăn chặn các hậu quả nghiêm trọng khó có thể đong đếm.

Lãnh đạo một số địa phương, doanh nghiệp lớn đã nhờ các chuyên gia rà soát lại toàn bộ các quy trình, các quyết định, các dự án đã triển khai để nắm chắc lại toàn bộ.

Theo suy luận của ông Quảng, có thể lúc làm, người ta không để ý, giờ người ta phải điều chỉnh lại, thậm chí phải hoạch định lại đường lối, chiến lược phát triển của cả một tập đoàn.

“Khi những cái sai được phát hiện sớm và khắc phục, có thể ngăn chặn nhiều hậu quả lớn. Tác động phòng ngừa của công cuộc đấu tranh này là rất lớn, chứ không phải chỉ ở việc xử lý một vài con người”, ông nhận xét.

Trong vụ án AVG đưa ra xét xử mới đây, không chỉ xử lý người nhận hối lộ mà còn xử lý cả người đưa hối lộ. Ðây là một quyết định không dễ và có ý kiến nhiều chiều.

Song ông Quảng tin rằng, việc này mang tính răn đe cao vì ai đó đang có ý định đưa hối lộ sẽ phải suy nghĩ lại, ai đó đang chuẩn bị nhận cũng phải suy nghĩ lại.

“Nếu chỉ xử lý người nhận, mà không xử lý người đưa thì không có tác dụng phòng ngừa”, Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu quan điểm.

Nhưng dám đương đầu với cái xấu thực sự là một thách thức. Có những vụ việc, đối tượng bị điều tra tham nhũng có chức vụ, quyền lực và kinh tế, kiểm sát viên thụ lý vụ việc ban đầu nhận được lời đề nghị nhẹ tay, khi họ từ chối đã bị đe dọa cả tính mạng và sự an nguy của nhiều người thân trong gia đình.

“Cơ quan đã vừa phải động viên, vừa phải có phương án bảo vệ cho cá nhân kiểm sát viên và gia đình, để họ yên tâm làm việc đến cùng, để kẻ có tội phải bị xử lý”, ông Quảng cho biết.

Trong góc nhìn của ông Cao Văn Thống, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều vụ việc những cán bộ bị kỷ luật chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Ðảng, nhà nước về công tác cán bộ, ban hành chủ trương, nghị quyết về đầu tư góp vốn, chỉ định thầu, cổ phần hóa không đúng quy định, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra giám sát, tham nhũng, lợi ích nhóm, vụ lợi ưu ái vun vén cho gia đình, không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập…

Bên cạnh việc trừng phạt nghiêm minh các hành vi sai phạm, lãnh đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, cần tạo dựng và củng cố được niềm tin vững chắc trong xã hội vào những tấm gương tốt. Đất nước của nhiều tấm gương tốt chắc chắn sẽ hùng cường.   

Ông Thống cho biết, tới đây sẽ thí điểm việc cử cán bộ kiểm tra biệt phái để giám sát thường xuyên các tập đoàn, công ty nhà nước, kiểm tra xử lý cán bộ trong các cơ quan hành chính nhà nước có hành vi “tham nhũng vặt”.

Trong một bài viết hồi tháng 6/2019 nhằm góp phần đưa Nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống, TS. Ngô Trung Hòa, Thiếu tá, Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân đã dẫn quan điểm của Giáo sư Jeffrey Sachs, Ðại học Columbia (Mỹ), Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ khi ông sử dụng thuật ngữ “không sợ bị trừng phạt” để chỉ trạng thái tâm lý của những đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, bởi các lý do khác nhau, tin rằng sẽ không bị trừng phạt.

Trong cuốn sách The End of Poverty, Giáo sư Jeffrey Sachs đã phân tích tâm lý này để lý giải tại sao tham nhũng vẫn cứ hoành hành dù cuộc chiến chống nó diễn ra ở mọi quốc gia.

Jeffrey Sachs cho rằng, ở một số xã hội, tình trạng thoát tội hiện quá phổ biến và được nhìn nhận như là điều không thể tránh khỏi. Khi mà hành vi phi đạo đức của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh được xem là “bình thường” và không bị dư luận lên án, thì trong họ sẽ nảy sinh tâm lý “không sợ bị trừng phạt”.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chủ nghĩa kinh doanh thân hữu, bảo vệ môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch được kỳ vọng sẽ dần xóa đi và không cho phép tồn tại tâm lý “không sợ bị trừng phạt”.

Bên cạnh việc lên án, trừng phạt nghiêm minh  các hành vi sai phạm, để mọi người nhìn mà răn sửa bản thân, mà tránh, lãnh đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cho rằng, cần tạo dựng và củng cố được niềm tin vững chắc trong xã hội vào những tấm gương tốt.

Xã hội có nhiều gương tốt thì hướng thiện. Ðất nước của nhiều tấm gương tốt chắc chắn sẽ hùng cường.

Tin bài liên quan