Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước dành cho đầu tư rất hạn chế, hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư không mang lại hiệu quả thực sự là nỗi xót xa lớn.

Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước dành cho đầu tư rất hạn chế, hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư không mang lại hiệu quả thực sự là nỗi xót xa lớn.

Đau xót trước lãng phí đầu tư

Sau 8 năm đình hoãn, giãn tiến độ, cho đến thời điểm này, việc tìm cách giảm thiểu những hệ lụy tại Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân thi công dở dang vẫn đang là bài toán khó đối với các cơ quan có trách nhiệm.

Đây là công trình có thể xem là một trong những ví dụ điển hình của việc sử dụng lãng phí nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Nếu tính cả lãi suất vốn trái phiếu chính phủ đã phải trả trong suốt thời gian qua, cộng với chi phí trông coi, bảo quản vật tư, giá trị bị hao mòn, hư hỏng, chi phí cơ hội do công trình không thể đưa vào khai thác, cùng hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp không thể đưa vào sản xuất..., thì tổn thất và lãng phí đầu tư tại dự án này chắc chắn không dừng ở con số 4.300 tỷ đồng.

Sự thay đổi của hàng loạt yếu tố đầu vào so với phương án tài chính ban đầu, như sự xuất hiện thêm nhiều tuyến đường cao tốc song hành, cảng nước sâu được đưa vào khai thác trong giai đoạn tuyến đường sắt này nằm đắp chiếu… đã khiến công trình có tổng mức đầu tư hơn 7.660 tỷ đồng này rất khó hoàn vốn. Như vậy, ngay cả khi dang dở hay chấp nhận bổ sung hàng ngàn tỷ đồng để hoàn thành dứt điểm, thì công trình nói trên vẫn trở thành gánh nặng cho xã hội.

Không chỉ riêng công trình đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, rất nhiều dự án đầu tư do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện vẫn đang phải đắp chiếu do đầu tư dở dang hoặc không thể mang lại hiệu quả như kỳ vọng, mà rõ nhất là trường hợp của Vinashin - SBIC hoặc 12 dự án thua lỗ ngành Công thương. Trong bối cảnh nguồn lực của đất nước dành cho đầu tư rất hạn chế, hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư không mang lại hiệu quả thực sự là nỗi xót xa lớn. Không khó để nhận diện những nguyên nhân đẩy các công trình từng được kỳ vọng là động lực phát triển rơi vào thảm cảnh như hiện nay.

Bị ảnh hưởng do đình hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn; do chủ trương đầu tư không phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển ngành; do quyết định đầu tư không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn tới công trình dở dang, không có vốn để hoàn thành dứt điểm…. Những nguyên nhân này đúng như chưa đủ để bắt bệnh lãng phí vốn đầu tư.

Trên thực tế, việc đầu tư không ít dự án được thực hiện theo cơ chế xin - cho, mọi trách nhiệm đều dồn cho tập thể một cách chung chung. Người quyết định đầu tư quyền hạn lớn nhưng trách nhiệm không tương xứng, “vung tay quá trán” đối với đồng vốn nhà nước. Khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã “lặn không sủi tăm”, sự việc dần chìm xuồng theo kiểu hòa cả làng, gây bức xúc trong xã hội và làm giảm uy tín của kinh tế nhà nước.

Cần phải nói thêm rằng, từ cuối năm 2014, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đây chính là hai công cụ pháp lý quan trọng để kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tránh tình trạng thất thoát lãng phí như đã diễn ra tại dự án nói trên.

Song, để không xảy ra những dự án ngàn tỷ bỏ hoang, các dự án kém chất lượng, đã đến lúc cần có giải pháp căn cơ hơn. Theo đó, các cơ quan chức năng phải sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư. Nếu có được bộ tiêu chí này sẽ không còn tình trạng phân bổ vốn đầu tư tràn lan hay phân bổ vốn đầu tư cho các dự án không có khả năng giải ngân, gây lãng phí. Cùng với đó, cần làm rõ chế độ trách nhiệm trong đầu tư công đối với từng loại chủ thể trong từng giai đoạn từ khâu thẩm định, phê duyệt, triển khai đến khai thác vận hành công trình.

Người dân mong rằng, những đồng thuế đóng góp của mình sẽ được sử dụng đúng mục đích, chi cho đầu tư phát triển, chứ không phải đầu tư cho những công trình “đắp chiếu”, lãng phí lớn kéo dài.

Tin bài liên quan