Đầu tư kinh doanh bền vững: Mệnh lệnh từ thực tế

Đầu tư kinh doanh bền vững: Mệnh lệnh từ thực tế

(ĐTCK) Gần đây, sự việc người dân sống xung quanh Nhà máy thép Dung Quất phản ánh tình trạng cây cối héo lá, nhiều khói bụi và mùi khó chịu... tiếp tục đặt ra những vấn đề thực sự nghiêm túc về phát triển bền vững.

Cho đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa có kết luận về tình trạng ô nhiễm môi trường mà người dân phản ánh ở Nhà máy thép Dung Quất; kết quả quan trắc do huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi Hòa Phát đặt nhà máy cho thấy các chỉ số đạt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, không ít cổ đông của Hòa Phát tỏ ra quan ngại, “đốm lửa nhỏ có thể lan thành đám cháy lớn”, ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bởi lẽ, các vấn đề về môi trường, sản xuất ảnh hưởng đến sinh kế, cuộc sống và sức khỏe của người dân luôn là chủ đề được quan tâm trong nền kinh tế hiện nay và có tác động mạnh tới cả các khách hàng, các bên liên quan của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội.

Chủ trương phát triển bền vững của Việt Nam được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước trong từng thời kỳ.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu để đưa chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững lồng ghép trong chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, với kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nghèo, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

“Cần thực hiện đồng bộ các chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ cho sự phát triển bền vững. Chính phủ cũng sẽ có chính sách khuyến khích sản xuất, tái sản xuất phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững”, Thủ tướng chỉ đạo.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), đầu tư có trách nhiệm xã hội đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược.

Cuối tháng 10/2019, Business Roundtable, một định chế do các nhà lãnh đạo của 181 công ty lớn nhất nước Mỹ đã chỉnh sửa một thông cáo kéo dài hai thập kỷ của họ từ “các công ty cổ phần tồn tại chủ yếu để phục vụ cổ đông” thành “mặc dù mỗi công ty trong chúng tôi đều hướng về phục vụ mục tiêu của doanh nghiệp, chúng tôi cũng phải có trách nhiệm cơ bản đối với các bên liên quan”.

Khái niệm “các bên liên quan” gồm khách hàng, nhân viên, nhà cung cấp, cộng đồng và cổ đông.

Đây là một bước chuyển biến rất xa trong quan điểm tối thượng của công ty cổ phần, từ phục vụ cổ đông sang phục vụ một cộng đồng lớn hơn rất nhiều, mà nhiều thành phần trong đó có xung đột với lợi ích tài chính của cổ đông.

Đây là vấn đề cần lưu ý để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Thực tế, một số quỹ đầu tư bắt đầu đưa các chỉ tiêu môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào trong hệ thống đánh giá hiệu quả công việc (KPI) để trả lương, thưởng cho chuyên gia đầu tư và quản lý quỹ, tạo động lực cho các chuyên gia này cân nhắc vấn đề ESG của những công ty sẽ đầu tư.

Đó là chưa kể, ngày càng nhiều chuyên gia quản lý quỹ đầu tư thuộc thế hệ thiên niên kỷ (những người sinh ra trong giai đoạn 1980 - 2000), thế hệ này được đánh giá là ngày càng quan tâm tới trách nhiệm xã hội và môi trường theo các nghiên cứu xã hội học.

Xu thế hành vi theo nhân khẩu học sẽ quyết định xu thế tiêu dùng và đầu tư, cũng như trong thái độ hành xử đối với công ty niêm yết.

Tại Việt Nam, văn bản pháp lý đầu tiên yêu cầu công bố thông tin về phát triển bền vững của các doanh nghiệp niêm yết là Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Đây không phải là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp niêm yết, nhưng gần đây, lập báo cáo phát triển bền vững đã trở thành nhu cầu tự thân của nhiều doanh nghiệp.

Chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp niêm yết chia sẻ, khi công ty tiếp cận nguồn vốn quốc tế từ các tổ chức tài chính châu Âu, họ đề nghị doanh nghiệp cung cấp báo cáo phát triển bền vững như một tài liệu cần thiết.

Theo ông Nguyễn Công Minh Bảo, Trưởng đại diện Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) tại Việt Nam, báo cáo phát triển bền vững không chỉ đo lường và lượng hóa được những vấn đề một cách hệ thống, từ đó khắc họa rõ nét mục tiêu, sứ mệnh của công ty, mà còn là công cụ để cải thiện khả năng hoạt động của doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí bằng cách cân bằng các mục tiêu về tăng trưởng lợi nhuận, môi trường và trách nhiệm xã hội.

Đây cũng là một mô hình giúp đo lường thực tế 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

“Nhận thức về phát triển bền vững sẽ ngày càng được cải thiện. Các công ty áp dụng phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh dài hạn, dù đa phần là những công ty đa quốc gia hoặc doanh nghiệp Việt Nam quy mô lớn, đã bắt đầu lan tỏa đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó mở ra những cơ hội mới trong sản xuất - kinh doanh”, ông Bảo nhận định.

Tại Việt Nam, GRI đã kết hợp với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự tài trợ từ phía Chính phủ Thụy Sĩ và Úc, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng cộng đồng thực hiện báo cáo phát triển bền vững; tạo môi trường báo cáo thuận lợi bằng cách liên kết bối cảnh chính sách và báo cáo phát triển bền vững của địa phương…

Đây là hoạt động hỗ trợ miễn phí và đã thu được các kết quả đáng khích lệ.

Ông Bảo cho biết, trong năm đầu tiên triển khai chương trình, có 30 doanh nghiệp lập báo cáo, con số đã tăng lên hơn 100 sau 2 năm thực hiện.

Bên cạnh đó, mức độ truy cập bộ tiêu chuẩn GRI để tải về mỗi năm tăng liên tục trong 10 năm qua, cho thấy sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam đối với báo cáo phát triển bền vững ngày càng tăng.

Tin bài liên quan