Đầu tư cho niềm tin từ hành động

Đầu tư cho niềm tin từ hành động

(ĐTCK) Để thích ứng với “bão” cách mạng công nghiệp 4.0 đang cận kề, đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp, mà cả hệ thống cơ quan quản lý nhà nước phải có những cải cách để tiếp sức, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn theo đúng mục tiêu Chính phủ kiến tạo mà Chính phủ đang theo đuổi.

Doanh nghiệp kêu khổ

“Bão” cách mạng công nghiệp 4.0 được hình thành trên nền tảng thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng thứ ba, xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và Internet of Things (IoT) đang sầm sập kéo đến các quốc gia, các doanh nghiệp. Bên cạnh những cơ hội mới về không gian sáng tạo, phát triển, thị trường, “cơn bão” này còn mang đến những đợt “sóng thần”, mà nếu doanh nghiệp không kịp thích ứng, rất dễ bị nhấn chìm.

Có một thực tế là trong khi doanh nghiệp bắt đầu sốt ruột tìm cách hóa giải thách thức từ cách mạng công nghiệp 4.0, để đón đầu cơ hội kinh doanh mới, dường như sự chuyển động của hệ thống cơ quan nhà nước lại chưa diễn ra tương xứng với mức độ thay đổi của doanh nghiệp. Hệ quả là doanh nghiệp vẫn bị “trói”, bị gặp khó do nhiều quy định pháp lý chồng chéo, rườm rà, can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh còn tình trạng "trên mặt là thảm đỏ, bên dưới có đinh".

Trên cương vị Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, khi làm việc với Bộ Công thương mới đây về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu dẫn chứng về cái khó của doanh nghiệp do hệ thống chính sách, cung cách làm việc của cơ quan quản lý nhà nước chậm thay đổi. Đơn cử, Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông TNT khẩn thiết mong Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhắc lại trường hợp của Công ty TNHH Cỏ May chuyên xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp như một điển hình của tình trạng quy định pháp lý rối rắm, khiến doanh nghiệp khó thành lập doanh nghiệp, trong khi cơ quan quản lý lại thiếu tận tâm trong tìm hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp, nếu không muốn nói là có sự vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp.

Do thủ tục thành lập doanh nghiệp và điều kiện để được xuất khẩu gạo quá cao, khó đáp ứng, nên thay vì mở công ty tại Việt Nam kèm theo đó là góp phần phát triển thị trường, mang lại công ăn việc làm, đóng thuế cho đất nước, Công ty TNHH Cỏ May phải sang Singapore xin lập công ty (đã được chấp thuận), rồi phải đi đường vòng, nhập khẩu gạo của chính mình từ Việt Nam qua một đối tác được ủy thác xuất khẩu để đưa gạo vào Singapore. Bước đi này tốn nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, nên đại diện Công ty mong cơ quan quản lý cần xem doanh nghiệp như đối tác, chứ không phải là đối tượng điều chỉnh.

Một thực tế nữa của tình trạng doanh nghiệp bị làm khó được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ra tại buổi kiểm tra 11 bộ, ngành do Tổ công tác của Thủ tướng tiến hành mới đây về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Một mặt hàng chocolate cần 13 loại giấy phép. Mặt hàng sữa chua vừa phải kiểm dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

“Kén tằm, hạt hướng dương cũng phải hai bộ kiểm tra. Các bộ không bao giờ đi cùng nhau, đợi ông kia về tôi mới đi. Rất nhiều vấn đề thực tế như thế, chúng ta phải xử lý. Tôi nghĩ, doanh nghiệp làm lần đầu chắc mò mẫm đến hết đêm cũng không làm được, như vào rừng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ cái khó với doanh nghiệp.

Cần hệ sinh thái tiếp sức cho doanh nghiệp

Để giúp doanh nghiệp tăng cường sức cạnh tranh, rất cần sự thay đổi của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước theo hướng định hình hệ sinh thái tiếp sức cho doanh nghiệp.

Theo đó, vấn đề bức bách đầu tiên như ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp là phải quyết liệt cải cách hành chính, xóa bỏ giấy phép con, giấy phép cháu, để không trói doanh nghiệp, tránh triệt tiêu sức sáng tạo kinh doanh của người dân. Cải cách chính sách là quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là cải cách đội ngũ công bộc của dân. Doanh nghiệp phản ánh, tuy Chính phủ đang quyết liệt cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng chưa ngấm nhiều đến các cấp chính quyền địa phương, nên doanh nghiệp vẫn bị… hành.

Một điểm nghẽn nữa giới kinh doanh mong đợi cải cách từ phía cơ quan quản lý nhà nước là hệ thống pháp lý phải rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền tự do sáng tạo kinh doanh của người dân. Kinh doanh là sự sáng tạo, nghĩa là làm những thứ người khác chưa kịp nghĩ ra, chưa kịp làm. Ấy nhưng, theo ông Cung, một khi người kinh doanh làm theo hướng này, không cẩn thận có thể bị tù tội vì có thể bị quy kết kinh doanh trái phép.

Đây là lý do nhiều doanh nhân vừa kinh doanh vừa run, hoạt động theo kiểu “đánh nhanh rút gọn”, chộp giật, ăn xổi.

Xin mượn lời của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc vừa chia sẻ với giới doanh nhân tại lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và tôn vinh doanh nhân tiêu biểu khu vực duyên hải phía Bắc năm 2017 mới đây thay cho lời kết của bài viết: "Các doanh nhân không chỉ cần hoa hồng, mà cần cả bánh mì. Làm sao cho thủ tục hành chính với doanh nhân đơn giản nhất, chi phí kinh doanh rẻ nhất, làm sao cho môi trường kinh doanh an toàn nhất? Đấy chính là bánh mì đất nước dành cho doanh nhân...”.

Doanh nghiệp không biết tuân thủ pháp luật về kinh doanh sao cho đúng…

Đầu tư cho niềm tin từ hành động ảnh 1

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Tuy đã có nhiều nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, nhưng môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản. Nhiều điều kiện kinh doanh hiện nay làm tăng độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này dẫn đến hạn chế cơ hội gia nhập thị trường của người kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất bãi bỏ 2.000 điều kiện kinh doanh. Đây là các quy định hạn chế quyền gia nhập thị trường của người dân, doanh nhân, tăng rủi ro và chi phí kinh doanh, đồng thời hạn chế sự sáng tạo và đổi mới trong kinh doanh. Kiểu như quy định doanh nghiệp muốn kinh doanh dịch vụ vận tải thì phải có 50 - 70 xe, trong khi chỉ cần 1 xe, thậm chí người kinh doanh đi thuê xe cũng kinh doanh được.

Trong số gần 700 điều kiện kinh doanh mà Bộ Công thương vừa công bố bãi bỏ, có cái thực chất, có cái chưa thực chất. Dẫu sao, đây cũng là động thái đáng được khích lệ.

Khi môi trường kinh doanh thiếu an toàn, tài sản của doanh nghiệp không được bảo vệ tốt, dẫn đến văn hóa kinh doanh là không làm lớn, làm dài hạn, không làm chính thức, mà phải chạy chọt, không sáng tạo để đổi mới. Doanh nghiệp phải "sân sau, sân trước" thì mới có cơ hội kinh doanh, dẫn đến tình trạng thiếu bình đẳng. Người kinh doanh phải đối mặt với hệ thống thể chế mong manh và đội lên đầu tảng đá nặng về chi phí.

Tháo gỡ mãi nhưng tình trạng này không được cải thiện là bao, nên để thực sự tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và an toàn, cần tiếp cận cải cách thể chế kinh doanh theo hướng “chặt, chém”, chứ không thể tháo bỏ, sửa đổi từ từ.

Tin bài liên quan